Sức ép tăng giá xăng dầu

07/05/2009 09:47 GMT+7

Xăng dầu đang chịu sức ép tăng giá. Kinh tế có dấu hiệu phục hồi - giá xăng dầu thành phẩm thế giới có xu hướng tăng - doanh nghiệp đang kêu ca "chịu lỗ"... Tất cả những lý do trên khiến thị trường trong nước đang chịu sức ép tăng giá rất lớn. Tăng giá và đòi tăng giá liên tục

Có thể nói, với rất nhiều nỗ lực cả từ phía chính sách cũng như vận hành cơ chế, thế nhưng cho đến nay, thị trường xăng dầu VN vẫn chưa thể thiết lập được một cơ chế theo quy luật thị trường một cách hoàn hảo như mong muốn. Đã gần 1 năm chính thức áp dụng cơ chế này, thế nhưng cho đến nay, bàn tay điều hành thị trường đôi lúc vẫn phải sử dụng đến những biện pháp hỗ trợ, biện pháp hành chính khác.

Tuy nhiên, thị trường sẽ không chờ đợi và chiều lòng ai. Cùng với nhịp suy thoái kinh tế, giá xăng dầu đã giảm mạnh từ 19.000đ/lít xăng và 20.0000đ/lít dầu xuống còn mức 11.000đ/lít xăng và dầu cho thời điểm tháng 3.2009. Thế nhưng ngay sau đó, xu hướng tăng giá bắt đầu xuất hiện trở lại. Ngày 2.4, giá xăng được điều chỉnh tăng 500đ/lít/lần tăng. Chỉ sau đó 1 tuần, DN lại đòi tăng với mức tăng đề nghị là 1.000đ/lít. Chấp nhận điều chỉnh tăng, song cơ quan giám sát chỉ đồng ý cho tăng 500đ/lít, tương ứng với 50% mức tăng mà DN đề nghị.

Tiếp đó, vào thời điểm hạ tuần tháng 4.2009, dù thuế nhập khẩu xăng dầu đã được điều chỉnh giảm, song DN vẫn tiếp tục có công văn đề nghị được điều chỉnh tăng giá xăng dầu. Tuy nhiên, do sức ép thị trường và xã hội - đặc biệt là để tránh biến động trong dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 - cơ quan quản lý đã ấn định chính sách là "không tăng giá xăng dầu, ít nhất đến hết dịp nghỉ lễ".

Rồi đúng như dự kiến, ngày 5 - 6.5, các DN đã đồng loạt đề xuất phương án tăng giá xăng dầu. Dù chưa có mức giá và thời hạn kiến nghị tăng giá, song nếu chiểu theo những quy định hiện hành thì sau 3 ngày, nếu liên bộ Tài chính - Công Thương và Tổ giám sát thị trường không có ý kiến gì thì DN sẽ được phép tăng giá.

Sức ép thị trường và cơ chế

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, đại diện các DN cho biết từ khoảng 1 tháng nay, hầu hết các mặt hàng xăng, dầu đều chịu lỗ. Lý do là không chỉ giá dầu thô, mà ngay cả giá xăng dầu thành phẩm cũng có xu hướng tăng khá cao. Trên thị trường thế giới, giá dầu thô đã đạt gần mức 50USD/thùng. Bên cạnh đó, thông tin OPEC cắt giảm sản lượng trong tháng 5.2009 cũng đã được ấn định.

Đối với xăng dầu thành phẩm, các DN cho biết, tại thị trường Singapore, giá thành phẩm dầu diesel đã tăng lên mức 60,5USD/thùng, xăng 92 có giá là 59USD/thùng. Với mức giá này, DN cho rằng đang chịu lỗ khoảng gần 1.000đ/lít xăng, mức lỗ tương tự cũng xảy ra đối với mặt hàng dầu. Bản thân các cơ quan quản lý cũng xác nhận đúng là thời gian qua, DN đã chịu lỗ khá nhiều. Nhưng đáng lo ngại hơn là dù đã tạo độ trễ cho thị trường khi chưa tăng giá và theo dõi diến biến, thế nhưng xu hướng tăng giá vẫn đang diễn ra và tiếp tục tăng cùng dấu hiệu phục hồi kinh tế. Với xu hướng này, vấn đề tăng giá đang thực sự tạo sức ép lên thị trường.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, một chuyên gia về giá cho rằng không chỉ tạo sức ép tăng giá với thị trường, xu hướng này còn đang tạo sức ép lên cơ chế. Thị trường VN cho đến nay chưa thể vận hành theo kiểu tăng - giảm liên tục theo diễn biến thế giới. Vì thế, việc tăng giá nhiều lần và tăng giá cao sẽ khiến cho thị trường biến động. Thế nhưng nếu không kịp thời điều chỉnh, DN lại chịu lỗ; trong đó, có một phần không nhỏ khoản lỗ này đã trở thành khoản lợi nhuận cho các DN khác, nhất là DN nước ngoài.

Một vấn đề khác là VN đã ban hành cơ chế lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cơ chế này cho phép DN trích tiền để lập quỹ, sử dụng khoản tiền này như một công cụ hỗ trợ cho kinh doanh, bình ổn và tránh gây rủi ro cho thị trường và DN. Thế nhưng với xu hướng tăng giá này, việc lập quỹ đến nay đã chưa thể thực hiện và cũng chưa biết đến khi nào mới có thể thực hiện.

Tất cả những lý do trên khiến cho thị trường và DN kinh doanh xăng dầu sẽ vẫn phải chịu những tác động ngoài ý muốn. Để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, Bộ Tài chính - Công Thương và DN đang cùng bàn bạc để có thể lập quỹ càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, các bộ cũng đang xây dựng lộ trình thuế xăng dầu và Quy chế quản lý xăng dầu dự trữ, nhằm thiết lập hạ tầng kinh doanh ổn định cho thị trường xăng dầu VN.

Theo Phạm Anh / Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.