Đường lên Điện Biên

22/05/2009 11:00 GMT+7

(TNTS) Điện Biên, là đất của hoa ban, của những chàng trai cô gái Thái, của điệu nhảy sạp sôi nổi...

Nếu đi Điện Biên bằng đường hàng không thì bạn sẽ không được nghe khúc độc hành sông Mã, mắt nhìn chiều sương Châu Mộc… Đường lên Điện Biên, từ Hà Nội, “lắc lư” trên xe một ngày, vuợt qua hàng trăm km đường “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”, chọn Sơn La làm điểm dừng qua đêm, rồi hôm sau thêm gần một ngày nữa, vượt đèo Pha Đin – nơi “tiếp giáp” giữa trời và đất (theo tiếng địa phương).

Đoạn đèo chỉ vài chục km, nhưng có thể là con đường bất tậnđối với những người đi không có thói quen mạo hiểm. Đường ngoằn ngoèo, chênh vênh, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thẳm, có nhiều cua “cùi chỏ” hiểm trở để người đi thử cảm giác mạnh. Cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống rải rác Tây Bắc cũng đủ sức “lôi kéo” người ta vào chuyến đi này. Những ngôi nhà sàn đặc trưng miền cao, chênh vênh trên dốc núi, những gương mặt người già man mác chất sử thi, những đôi mắt đen láy trong trẻo của các cô gái H”Mông, Thái… gây bùa mê cho khách từ xuôi lên không chỉ trong giây lát đối diện, mà còn “ám ảnh” mãi theo chân người trở về.

 

Đến Điện Biên vào tháng 2 âm lịch, còn “say” hơn thế nữa: Hoa ban phủ trắng rừng Tây Bắc; nụ cười, ánh mắt hò hẹn của các chàng trai, cô gái Thái ngày trẩy hội hoa ban. Nhưng dù khi chân đã đứng trên đất Điện Biên, nhưng không phải tất cả các cô gái bạn gặp ở đây đều dân tộc Thái. Người từ vùng xuôi lên đây lập nghiệp nhiều, cho nên, hãy trang bị những “kỹ năng” tìm ra các cô gái Thái “chính gốc”. Tìm từ cách vấn tóc đội piêu, từ điệu nhảy sạp cổ truyềnnhuần nhuyễn.

 
 

Mùa này bắt đầu mùa đi thu hái mắc khén, lấy hạt về làm món gia vị đặc trưng miền cao – cay cay, ngai ngái. Mắc khén còn được gọi là tiêu rừng Tây Bắc, không biết khách đến ăn có nghiện hay không, chứ ở đây, không có mắc khén thì người Tây Bắc ăn cơm không thấy ngon. Còn có măng lây. Tháng 7 tháng 8 là mùa măng lây. Từ những chợ chồm hổm ven đường đến chợ thị thành, ở đâu người ta cũng bán măng. Ăn món măng lây, đơn giản, luộc lên chấm với món… chấm chéo. Chén nước chấm nhỏ xíu, thực khách có thể nhận ra vị cay, vị ngọt hay vị mặn, nhưng chẳng thể nào nhớ nổi cách làm dù có hỏi bí quyết năm lần bảy lượt từ cô gái Thái chính gốc. Ra chợ Điện Biên, nếm thử rượu sâu chít. Người ta bắt con sâucó màu trắng sữa sống trên thân cây chít về ngâm rượu. Người bán giới thiệu là món tăng cường sinh lực cho quý ông. Còn trái đào thơm nức mũi, và màu mật ong vàng óng không chỉ nằm trong vùng Điện Biên, mà xuyên suốt dọc đường Tây Bắc.

Bài & ảnh: Thủy Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.