Cuộc kiểm tra của Chính phủ Mỹ đối với các ngân hàng hàng đầu nước này đã cho thấy một bức tranh tổng thể về khả năng chịu đựng trong thời đại khủng hoảng. Theo hãng tin AP vào hôm qua, cuộc sát hạch với tên gọi “kiểm tra mức độ căng thẳng” đã cho thấy trong số 19 ngân hàng lớn nhất nước, chỉ có 9 ngân hàng có đủ vốn để chịu đựng một cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn hiện tại; 10 ngân hàng còn lại cần thêm 75 tỉ USD nữa mới có thể vượt qua giông bão.
Các cuộc kiểm tra trên là nỗ lực ưu tiên của chính quyền do Tổng thống Barack Obama đứng đầu nhằm vãn hồi niềm tin vào hệ thống tài chính. Trong hoàn cảnh giá nhà giảm và tình trạng xiết nợ nhà tăng, các ngân hàng đều chịu tổn thất nặng nề từ các chứng khoán cầm cố và liên quan tới cầm cố mà họ nắm giữ.
Trong số 10 ngân hàng cần thêm vốn, theo hãng tin AP, Bank of America cần nhiều nhất: 33,9 tỉ USD; tiếp theo là Wells Fargo & Co cần 13,7 tỉ; GMAC LLC cần 11,5 tỉ, Citigroup Inc. cần 5,5 tỉ, Morgan Stanley cần 1,8 tỉ; 5 ngân hàng cần vốn còn lại là các ngân hàng vùng. Những ngân hàng cần vốn sẽ phải trình kế hoạch cho chính phủ trước ngày 8.6; trong trường hợp những ngân hàng này không có khả năng tự huy động vốn, chính phủ sẽ tiếp tục lấy tiền từ quỹ cứu trợ để cứu.
Kết quả cuộc kiểm tra cho thấy sức kháng cự của các ngân hàng hàng đầu vẫn còn yếu sau khi đã ngốn một khoản tiền cứu trợ đáng kể. Dù thế, giới phân tích vẫn cho rằng việc công bố này sẽ tạo ra những hệ quả tích cực. Ít nhất, báo cáo vừa qua của Chính phủ Mỹ đã cung cấp một bức tranh tổng thể về các tổ chức tài chính trong thời buổi khủng hoảng. “Việc công bố kết quả kiểm tra căng thẳng đã xua tan tình trạng không rõ ràng. Những kết quả này không hề gây ra lo sợ”, Allen Sinai, kinh tế gia trưởng của tổ chức tư vấn Decision Economics, nhận định. Ông này cho rằng sẽ còn lâu nữa thì các ngân hàng mới nối lại việc cho vay bình thường, nhưng kết quả kiểm tra không khiến ông phải thay đổi dự báo trước đây rằng nền kinh tế Mỹ đang hướng tới sự phục hồi vào tháng 10 hoặc 11 năm nay.
Nhận định của ông Sinai đã được các thị trường chứng khoán “phụ họa” sau đó. Vào hôm qua, một số chỉ số tại Nhật Bản và châu u đã tăng trưởng khá tốt. Trong đó, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng tới 1,38%, chỉ số DAX 30 của Đức tăng 3,31% và CAC 40 của Pháp tăng 1,97%. Tại Mỹ, thị trường Phố Wall trong phiên mở cửa hôm qua cũng đã chứng kiến sự khởi sắc.
Đây là những tín hiệu cho thấy niềm tin đã bắt đầu hồi phục, nhưng điều đó không có nghĩa là nền kinh tế Mỹ và thế giới đã vượt qua khủng hoảng. Con số 10 ngân hàng cần thêm vốn của Mỹ cũng như báo cáo mới nhất của Toyota cho thấy tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất thế giới này lỗ 7,7 tỉ USD trong 3 tháng đầu năm 2009, mức lỗ tồi tệ nhất kể từ năm 1937 đến nay, là tín hiệu dự báo rằng sự phục hồi của nền kinh tế thế giới vẫn không dễ gì diễn ra sớm.
Đỗ Hùng
Bình luận (0)