Papua Tân Guinea: Nhức nhối nạn “săn phù thủy”

11/05/2009 12:06 GMT+7

Một làn sóng tra tấn và giết chóc những phụ nữ vô tội liên quan tới “trò phù thủy” và “ma thuật hắc ám” đang làm đau đầu cảnh sát ở Papua Tân Guinea, châu Đại Dương.

Dù không có thống kê chính thức về những cái chết do nạn “săn phù thủy”, nhưng cảnh sát nói hơn 50 người đã bị thiệt mạng tại các tỉnh vùng cao nguyên trong năm qua. Hầu hết các vụ “săn phù thủy” xảy ra ở vùng núi cao hẻo lánh, nơi nhiều bộ lạc vẫn còn sống ở trình độ như vài trăm năm trước và các cuộc chiến tranh bộ lạc, thanh toán cá nhân vì thù hằn vẫn diễn ra.

“Săn phù thủy” hay giết người?

Gần như tất cả cư dân ở Koge đều đứng nhìn Julianna Gene và Kopaku Konia bị lôi ra khỏi nhà của họ, bị treo lên cây và tra tấn trong nhiều giờ liền bằng dao rựa mà không ai lên tiếng. Trong mắt dân làng, những phụ nữ đó là phù thủy. Họ đáng bị như vậy. “Họ đã sử dụng ma thuật để ếm một người đàn ông tới chết - Kingsley Sinemane, một người đứng đầu cộng đồng tại Koge, nói - Chúng tôi phải loại bỏ họ vì họ có thể giết thêm những người khác. Chúng tôi phải bảo vệ ngôi làng của mình”. Hai phụ nữ bị nghi ngờ sau khi một người đàn ông ở địa phương chết trong một tai nạn xe hơi.

 

Những thợ “săn phù thủy” ở Papua Tân Guinea - Ảnh: Independent

Tại một nơi xa xôi ở vùng cao nguyên, một đội tám “thợ săn phù thủy” tự nhận đã tra tấn và giết tổng cộng 18 người. Người đứng đầu đội này kể rằng họ thường thu thập thông tin từ bất cứ ngôi làng nào có vấn đề, đến đó và bắt những kẻ bị tình nghi là phù thủy. “Đó là một phần nền văn hóa, truyền thống của chúng tôi, niềm tin của chúng tôi. Làm thế là vì lợi ích của dân làng” - người này nói.

Các vụ “săn phù thủy” thường diễn ra sau khi một thành viên trong làng mắc bệnh hay qua đời. “Những nguyên nhân tự nhiên giải thích cho cái chết và bệnh tật không được chấp nhận. Thế nên bất cứ khi nào có người chết trong làng sẽ có người bị buộc tội” - mục sư Jack Urame, một nhà nghiên cứu của Viện Melanesian và là một trong những chuyên gia hàng đầu về nạn “săn phù thủy”, phân tích. Theo Urame, nạn nhân thường là những phụ nữ lớn tuổi hoặc sống một mình.

Chính quyền bất lực

Nằm ở phía tây nam Thái Bình Dương, Papua Tân Guinea là một trong những quốc gia có nhiều dân tộc nhất thế giới với hơn 850 ngôn ngữ thổ dân và cộng đồng dân tộc. Niềm tin vào phép thuật ở Papua Tân Guinea ăn sâu bén rễ đến mức chính quyền đã chính thức công nhận phép phù thủy. Đạo luật phù thủy năm 1976 cho phép thực hiện phép thuật chính đạo (như các nghi lễ chữa bệnh và cầu mùa màng tốt tươi) nhưng cấm tà thuật với mức hình phạt có thể lên đến hai năm tù giam.

Những cái chết từ các vụ “săn phù thủy” ngày càng tăng ở nước này đã khiến quốc hội phải thành lập một ủy ban để xem xét và đưa ra một điều luật khắt khe hơn về việc này. Joe Mek Teine, chủ tịch ủy ban cải cách luật pháp của Papua Tân Guinea, tuyên bố những vụ giết chóc liên quan tới “săn phù thủy” “đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát”.

Đáng lo ngại là tội ác này trong quá khứ thường chỉ diễn ra ở vùng nông thôn hẻo lánh, nay đang lan rộng đến những khu vực thành thị khi các gia đình rời làng quê vì nghèo đói và chiến tranh giữa các bộ tộc để đến sống ở thị trấn và thành phố. Mount Hagen, thành phố lớn nhất ở vùng cao nguyên, gần đây đã thật sự bị sốc bởi một làn sóng săn lùng và tiêu diệt phù thủy. Ngay tại thủ đô Port Moresby, nhà chức trách cũng đã nhận được báo cáo về các vụ “săn phù thủy”.

Theo luật pháp, cáo buộc ai đó là phù thủy là phạm tội, nhưng thanh tra Blackby Koglame thuộc đội trọng án ở tỉnh Simbu ước tính chưa đến 1% các trường hợp như thế bị đem ra xét xử. Thậm chí ngay cả khi nhân chứng chịu xuất hiện trước tòa, cảnh sát cũng không đủ điều kiện để tiến hành điều tra. “Đôi khi chúng tôi còn phải mượn giấy bút của những người thưa kiện để viết báo cáo, và chúng tôi không thể lúc nào cũng tới hiện trường tội ác vì không có đủ tiền để mua xăng cho xe của cảnh sát” - Koglame than vãn.

Theo Independent, Tuổi trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.