Đó là một số những nguyên nhân khiến cho số trẻ sơ sinh bị cha mẹ bỏ rơi ở các bệnh viện phụ sản tại TPHCM đang ngày càng tăng.
Khoa Chăm sóc Vật lý Trị liệu, Bệnh viện (BV) Phụ sản Từ Dũ TPHCM, luôn tấp nập bố mẹ bồng bế những đứa con tật nguyền hoặc sức khỏe yếu chờ đợi để được bác sĩ trị liệu. Cạnh đó, Khoa Dưỡng nhi Sơ sinh lại là nơi tiếp nhận những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi đang phải chăm sóc đặc biệt.
Hơn 20 năm gắn bó ở BV Từ Dũ, Tiến sĩ Ngô Minh Xuân- Trưởng khoa Dưỡng nhi Sơ sinh, cho biết, tình trạng trẻ sinh ra bị bố mẹ bỏ rơi ngày một nhiều.
“Năm 2005 khoa chỉ có khoảng 100 trường hợp trẻ bị bỏ rơi thì năm 2006 tăng lên 196 trường hợp, năm 2007 là 120 và năm 2008 là 116 trường hợp. Chưa đầy ba tháng đầu năm 2009 nơi đây có 40 trẻ bị bỏ rơi - bác sĩ Xuân nói.
Theo Tiến sĩ Xuân, mặc dù Nhà nước có chính sách bảo trợ và nuôi dưỡng cho trẻ mồ côi, mức trợ cấp còn rất hạn chế đối với cả trẻ và người chăm sóc trẻ. Hiện trẻ sơ sinh được trợ cấp 210.000 đồng/tháng/trẻ, trẻ lớn 185.000 đồng/tháng/trẻ. Muốn chăm sóc trẻ tốt, các trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi vẫn phải dựa chủ yếu vào sự đóng góp của người hảo tâm. |
Tại BV Phụ sản Hùng Vương (TPHCM) và Khoa Sản của BV Đại học Y Dược TPHCM, tình trạng trẻ bị bỏ rơi cũng tăng chóng mặt. Năm 2008, tại BV Hùng Vương có 42 trường hợp trẻ bị vô thừa nhận. Bốn tháng đầu năm nay, có hơn 20 trẻ. Tại BV Đại học Y Dược TPHCM năm 2007 có 20 trẻ bị bỏ rơi, đến năm 2008 có 30 trẻ.
Không chỉ ở các BV sản mới có tình trạng sinh con xong là gửi nhờ BV nuôi mà còn ở các phòng khám sản, hộ sinh tư nhân ở các khu công nghiệp tại Bình Dương và TPHCM.
Y tá tên Liên- phòng khám sản trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, cho biết từ đầu năm đến nay có hai ca là công nhân ở Khu Chế xuất Tân Thuận sinh xong bỏ con lại. Sau khi chăm sóc được đủ tháng, nơi đây làm thủ tục nhờ Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TPHCM giúp đỡ đưa vào các trại mồ côi.
Quanh Khu Công nghiệp Sóng Thần 1-2, Đồng An ở Bình Dương, các phòng khám sản đều ăn nên làm ra vì khách vào ra giải quyết hậu quả khá nhiều. Nhiều trường hợp buộc phải sinh đã bỏ con lại ở phòng hộ sinh tư hoặc để ở nhiều nơi công cộng.
1.001 lý do
Bên trong lồng ấp ở Khoa Dưỡng nhi Sơ sinh là những sinh linh không tên tuổi ra đời khi còn chưa đủ ngày, đủ tháng. Tất cả đều được gắn thêm hai chữ vô danh vì bố mẹ đã từ chối. Bên chiếc giường các bé bị bỏ rơi nằm cũng chỉ có một tờ giấy ghi con của bà A hay con bà B, sinh ngày, tháng, năm mà thôi.
Tiến sĩ Ngô Minh Xuân kể lại chuyện sản phụ Trần Thị Y sau khi sinh đôi tại BV Từ Dũ đã để lại đứa con nhẹ cân bị viêm gan siêu vi B và suy hô hấp nặng.
Trường hợp con của sản phụ Phương, 34 tuổi, ở Bình Dương sinh ra bị não úng thủy, bà mẹ nộp đơn nhờ khoa nuôi giùm gần bốn tháng nay mẹ cháu không đến thăm.
Các nữ hộ sinh cho biết không ít lần họ phải bỏ tiền túi ra nộp tiền xét nghiệm cho các bé bị bỏ rơi. Các điều dưỡng ở Khoa B1 BV Phạm Ngọc Thạch TPHCM phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao khi các trẻ bị bỏ rơi nơi đây đều nhiễm HIV và lao rất nặng. |
Nữ hộ sinh Phạm Thị Loan công tác ở BV Từ Dũ hơn 25 năm nay kể lại chuyện các sản phụ vị thành niên, làm mẹ khi còn cắp sách đến trường, mới 13-14 tuổi, vì lỡ dại rồi bỏ con lại cho BV là chuyện thường ngày.
“Nhiều bà mẹ nhí sinh con xong là biến mất khỏi BV chỉ ít giờ sau đó cho dù chưa thấy mặt con. Nhiều trường hợp sinh xong đến khi xuất viện lại bế con bỏ ngoài đường, trước cổng BV”- chị Loan kể.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà- Trưởng khoa Phụ sản BV Đại học Y dược TPHCM cho biết, mới đây khoa chứng kiến một sản phụ, 26 tuổi vào BV sinh không có một đồng lận lưng. Nhân viên y tế tại khoa phải chăm sóc cả hai mẹ con. “Mới sinh được hai ngày người này trốn viện”- bác sĩ Hà cho biết.
|
Bệnh viện lãnh đủ
Nữ hộ sinh Phạm Thị Loan cho biết, có những trẻ bị bỏ rơi bị bệnh nặng phải cần sự chăm sóc tích cực. Nếu trẻ sinh non mắc chứng bệnh võng mạc phải mổ thì chi phí có khi vài chục triệu đồng/ca nên BV phải gồng gánh để chi trả.
Theo Tiến sĩ Xuân, Khoa Dưỡng nhi Sơ sinh nâng cấp liên tục số giường và lồng ấp bởi quá tải bệnh nhi vào đây.
Hiện khoa có 160 giường nhưng chứa đến 327 đứa trẻ, trong đó có hơn 30 trẻ bị bỏ rơi. Số lượng trẻ tăng nhanh nhưng nhân lực trong khoa mỏng nên mỗi người phải phụ trách gần chục em.
Tiến sĩ Xuân cho biết, những trẻ bị bỏ rơi tại BV Từ Dũ sau 30 ngày được chăm sóc tại BV, nếu có sức khỏe bình thường, đạt cân nặng từ 2,5 kg trở lên sẽ được chuyển danh sách sang Sở Lao động-Thương binh & Xã hội TPHCM.
Sở căn cứ vào tình trạng các trẻ để lập danh sách đưa các cháu vào một trong bốn cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi do Sở đang quản lý gồm Trung tâm Bảo trợ Trẻ Tàn tật Mồ côi Thị Nghè, Trung tâm Bảo trợ Trẻ Mồ côi Tam Bình, Cơ sở nuôi dạy Trẻ Mồ côi 45 -Nguyễn Văn Bảo, Gò Vấp và Làng Hòa Bình II tại BV Từ Dũ.
Theo Lê Nguyễn / Tiền Phong
Bình luận (0)