Gần đây nhất, một cuộc thi và triển lãm đồ dùng dạy học (ĐDDH) quy mô lớn vừa được sở GD-ĐT Đà Nẵng tổ chức. Hơn 1.000 ĐDDH đặc sắc, có tính ứng dụng cao do các thầy cô giáo các bậc học sáng chế, phục vụ cho việc giảng dạy, được mang đến để dự thi và triển lãm giới thiệu.
Hầu hết các sản phẩm đều đảm bảo tính khoa học, thẩm mỹ, sư phạm, chính xác và kinh tế, được làm từ những vật liệu dễ tìm, dễ làm. Dụng cụ tự làm đáp ứng mục tiêu dạy học của các cấp học, dễ lắp ráp, kết nối và tiện sử dụng. Đặc biệt, các sản phẩm ở bậc mầm non hầu hết được làm từ các phế phẩm, trông rất sinh động, đẹp mắt, có giá trị sử dụng trong giảng dạy và vui chơi của trẻ, khơi dậy cho trẻ học tập say mê hơn, hiểu sâu sắc hơn về bài học.
Ông Huỳnh Văn Hoa - Giám đốc Sở GD- ĐT đánh giá: “Các sản phẩm dự thi đợt này hầu hết đều xuất phát từ nhu cầu thực tế dạy học của thầy cô giáo, phục vụ tốt cho việc đổi mới phương pháp dạy học, đảm bảo tính trực quan, phù hợp với tâm sinh lý và đặc trưng từng môn học, giúp học sinh dễ tiếp thu kiến thức!”.
Những dụng cụ tự làm có hiệu ứng tốt như: hệ thống bàn đa chức năng phục vụ dạy thể dục của các thầy giáo Phạm Đình Yên, Nguyễn Hải Bằng (trường Tiểu học Hùng Vương); bộ con rối phục vụ các môn kể chuyện, đạo đức, tập đọc, lịch sử của thầy giáo Nguyễn Văn Minh, Phạm Văn Phong (trường Tiểu học Hòa Liên, Hòa Vang); bộ chữ hướng dẫn dạy tập viết lớp 1 (tổ 1, trường Tiểu học Chi Lăng, Sơn Trà), mô hình thành Cổ Loa phục vụ môn Ngữ văn và mô hình “Các hành tinh trong hệ mặt trời” của giáo viên trường THPT Nguyễn Thượng Hiền...
Cô Ngọc Anh, giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn Đà Nẵng, khi tham quan triển lãm đã bộc bạch: “Tôi thật sự khâm phục những đồng nghiệp của mình khi đã đầu tư, sáng tạo nên những ĐDDH hết sức sinh động và đầy tính ứng dụng”.
Hỗ trợ học sinh đặc biệt
Những ĐDDH tự làm có một tính năng vô cùng thiết thực đối với học sinh các bậc học, đặc biệt hơn cả là những học sinh khiếm thị, khiếm thính, thiểu năng trí tuệ...
Những sản phẩm như: trò chơi ném vòng vào chai, khung định hình dạy mỹ thuật, quân cờ di động, dụng cụ giảng dạy giáo dục kỹ năng... của trường Phổ thông chuyên biệt Tương Lai Đà Nẵng do những thầy cô giáo ở đây tự sáng chế, đã hỗ trợ hết sức tích cực cho công tác giảng dạy ở ngôi trường đặc biệt này. Hầu hết các em đều là những học sinh bị khiếm thính, hoặc thiểu năng trí tuệ, nên dụng cụ dạy học dành cho các em không được sản xuất đại trà, mà trông chờ vào sự sáng tạo của giáo viên.
Ở trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, thầy Nguyễn Duy Quy được nhắc đến như một tấm gương về sự tâm huyết và sáng tạo trong phong trào tự làm ĐDDH này. Sau thời gian dài mày mò thử nghiệm, thầy Duy đã chế tạo ra bảng từ dạy học môn Toán, phục vụ hầu hết cho chương trình học toán ở bậc THCS và một số bộ môn khác. Thầy Duy đã đoạt giải thưởng trong nhiều hội thi ở các cấp.
Cũng là một trong những tấm gương sáng tạo dụng cụ dạy học cho học sinh khiếm thính, chỉ với khoảng 60.000 đồng, cô giáo Nguyễn Thị Dạ Thảo đã làm nên bộ đồ dùng đa năng sử dụng giảng dạy các môn học như: Toán, Làm quen chữ cái, Môi trường xung quanh, Tự nhiên xã hội và Tiếng Việt... Thông qua việc sờ, cảm nhận được những con búp bê, thú được tạo hình từ vải, sợi len, xốp, dây lác... học sinh có thể vừa đếm, nhận biết tên gọi, chất liệu, công dụng của đồ vật, so sánh số lượng, to nhỏ.
Diệu Hiền
Bình luận (0)