Hôm qua 13.5, PV Thanh Niên đã trực tiếp có mặt tại đầm Rưng để tìm hiểu về sinh vật lạ được phát hiện tại đây.
“Sinh vật lạ” ở đầm Rưng (ảnh do Trung tâm Nghiên cứu, quan trắc cảnh báo môi trường cung cấp) |
Bà Phan Thị Xuân, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Bình Minh, đơn vị đang quản lý và khai thác đầm Rưng, cho biết: “Tháng 5.2008, những công nhân trong khi đánh bắt cá phát hiện ra sinh vật lạ tại đầm nhưng lúc đó sinh vật lạ sống ở đầm Rưng không nhiều nên mọi người không chú ý lắm. Tháng 10.2008, cá trong đầm bắt đầu chết nhiều, có khi người dân ra vớt được cả gánh cá, tôi cũng chỉ nghĩ rằng cá chết do thời tiết thất thường”.
Cá chết, người ngứa...
Bà Xuân cho biết, cuối tháng 4.2009, khi tổ chức đánh cá bằng lưới cỡ lớn, cứ mỗi mẻ lưới kéo lên, kèm theo cá là khoảng 2 tấn sinh vật lạ. Lạ một điều, cá trong lưới đều yếu dần rồi chết. “Tôi làm nghề ở đây đã bao nhiêu năm trời, giờ mới thấy hiện tượng bất thường này. Bỏ tiền ra mua máy sục khí với hy vọng cứu được số cá vừa đánh bắt lên nhưng phương pháp này hầu như không có tác dụng. Không chỉ cá bị chết, nhiều người tiếp xúc với sinh vật lạ này đều bị ngứa, nổi mẩn đỏ. Trong khi bắt cá, ai đó chẳng may bị nhớt từ sinh vật lạ bắn vào mắt thì mắt bị cay xè, thậm chí sau đó còn bị đau mắt đỏ”, bà Xuân kể tiếp.
Công nhân Nguyễn Thị Bảo (năm nay 49 tuổi) gọi sinh vật lạ là những đám rêu, và nói: “Mấy hôm xuống đầm bắt cá, tôi bị ngứa, nổi nốt đỏ khắp chân tay. Chẳng biết có phải là do đụng phải những đám rêu đó hay là do nước đầm bị ô nhiễm gây ngứa, nhưng điều chắc chắn là từ trước tới giờ, tôi vẫn dầm mình trong nước đầm mà có bị ngứa ngáy gì đâu”.
Cá chết ở đầm Rưng |
Động vật hay thực vật?
Đầm Rưng rộng 70 ha, độ sâu trung bình 3,5m, chỗ sâu nhất 8m, nước trong đầm chủ yếu là nước tù đọng, nguồn nước bổ sung cho đầm phụ thuộc vào nguồn nước mưa.
Đầm Rưng là nơi tích trữ nước tưới cho diện tích đất nông nghiệp của 4 xã Tứ Trưng, Tam Phúc, Phú Đa và Ngụ Kiên, đồng thời cung cấp nước cho các đầm ao khác. Vì vậy, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, "sinh vật lạ" sẽ theo nước phân tán ra diện rộng. |
Trong một cái xô đặt sát mép đầm, mười mấy cá thể sinh vật lạ đang bị nhốt. Chúng có đường kính trên dưới 30 cm, nhầy nhầy, trông như một búi bùng nhùng, có gai, có chấm đen, màu trắng đục nhưng cũng có sinh vật lạ nhiều màu sắc khác nhau. “Tôi cho anh em bắt lên sáng qua. Để một ngày trời, chúng chết hết cả rồi”, bà Xuân nói.
Chúng tôi lên thuyền, cùng anh công nhân tên Yên đem theo một tấm lưới nhỏ, chèo ra đầm bắt sinh vật lạ. Trời mưa như trút nước. Anh Yên kể, giọng oang oang: “Sinh vật lạ có khi nằm dưới bùn, khi lơ lửng trong nước và phần nhiều bám vào cây, que, túi hay bất cứ vật gì trên mặt nước, xung quanh bờ. Có sinh vật bé tí tẹo bằng đầu ngón tay nhưng cũng có khi bắt gặp những đám nặng hàng cân”. Tung lưới xuống đầm, rồi nhanh tay kéo lên, anh Yên chỉ những khối đục đục, nhầy nhầy lẫn với mớ ốc nhỏ: “Sinh vật lạ đấy. Các chú thấy có nhiều không?".
Khi thuyền "săn" sinh vật lạ cập bờ, bà Xuân nói ngay với chúng tôi: “Lo lắng quá, chúng tôi đã thông báo với các cơ quan chức năng nhờ giúp đỡ. Trung tâm Nghiên cứu, quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản khu vực miền Bắc, thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, cử cán bộ đến kiểm tra, lấy mẫu phân tích xác định sinh vật lạ. Theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân cá chết có thể do các sinh vật lạ phát triển với số lượng lớn bám vào mang và tiết ra chất nhầy làm cho cá không hô hấp được”.
Nguyên nhân nước đầm bị ô nhiễm cũng đã được loại bỏ, khi kết quả kiểm tra một số chỉ tiêu môi trường nước đầm nuôi tại 3 điểm cho thấy: hàm lượng oxy hòa tan (5,7 - 6,8), pH (7,0 - 7,5), nhiệt độ nước trung bình là 29oC; các thông số môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép và phù hợp cho nuôi cá.
Sau mẻ lưới nhỏ, anh Yên bắt được rất nhiều “sinh vật lạ” - Ảnh: Phan Hậu |
Bọt biển nước ngọt
Trong ngày hôm qua, Trung tâm Nghiên cứu, quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản khu vực miền Bắc đã có công văn gửi HTX Bình Minh, các cơ quan hữu trách ở Vĩnh Phúc thông báo kết quả xác định sinh vật lạ tại đầm Rưng.
Theo đó, sau khi phân tích mẫu tại phòng thí nghiệm và thảo luận với nhà khoa học quốc tế, trung tâm thông báo sinh vật lạ được xác định là Bryozoan nước ngọt, có tên là Pectinatella magnifica (một loại bọt biển nước ngọt). Sinh vật này thường sống dưới dạng khuẩn lạc (tập đoàn cá thể). Các khuẩn lạc kết hợp với nhau thành một khối như bông hoa, đường kính tối đa lên đến 2m, có thể bám vào các thân cây thủy sinh, có thể di chuyển trên thân thủy sinh với tốc độ rất chậm (1-1,5 mm/ngày). Mỗi khuẩn lạc là khối gelatin chứa tới 99% nước, dạng sền sệt, liên kết với nhau rất chắc chắn...
Theo trung tâm, phần lớn Bryozoan thường sống ở nước mặn (khoảng vài nghìn loài), một số được tìm thấy ở nước ngọt và phân bố chủ yếu ở Bắc Mỹ, phía nam Canada, một vài nơi ở châu u như Đức, Hà Lan, Cộng hòa Séc... Năm 1960, loại bọt biển nước ngọt này xuất hiện tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông Lê Thanh Lựu, Giám đốc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, cho rằng đây là lần đầu tiên ghi nhận sinh vật này tại VN.
Bà Phan Thị Vân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản khu vực miền Bắc, cho biết đã yêu cầu các cơ quan chức năng địa phương không tháo nước từ đầm Rưng ra ngoài để tránh hiện tượng phát tán Pectinatella
magnifica ra các thủy vực khác; đồng thời theo dõi diễn biến của Pectinatella magnifica và thông báo kịp thời với trung tâm và các cơ quan chức năng. Trung tâm đề nghị được cấp kinh phí đột xuất để tiếp tục nghiên cứu các giải pháp xử lý.
Hiện các nhà khoa học vẫn đang tìm kiếm câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi tại sao loại bọt biển nước ngọt lại xuất hiện ở đầm Rưng. Ngoài ra, loại bọt biển nước ngọt ở đầm Rưng có độc tố gì hay không mà có gây ngứa ở người khi tiếp xúc?...
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến vụ việc và thông tin kịp thời đến bạn đọc.
Quang Duẩn - Phan Hậu
Bình luận (0)