Johnny Trí Nguyễn: Tìm hướng đi cho phim võ thuật Việt

16/05/2009 17:23 GMT+7

Gặp diễn viên Johnny Trí Nguyễn vào một trưa tháng 5 rực nắng ngay con phố nhỏ ở Sài Gòn, trong một quán cóc bên đường. Anh mồ hôi nhễ nhại vì vừa xong những cảnh quay trong phim mới Bẫy rồng.

Hạnh phúc khi phim mình được... in lậu!

* Chào Johnny, bộ phim Dòng máu anh hùng vừa được báo chí loan tin đã chính thức phát hành ra rạp ở Trung Quốc. Anh cảm thấy thế nào trước thông tin này?

- Vui. Phải nói là rất vui. Dòng máu anh hùng sau khi chiếu tại Việt Nam đã bán sang Mỹ. Cùng thời điểm chiếu ở Trung Quốc (4.2009) thì phim cũng ra mắt tại hơn 40 rạp ở Ấn Độ. Chỉ tính số rạp chiếu tại Ấn thôi cũng đã gấp đôi số rạp ở Việt Nam. Khi làm Dòng máu anh hùng, tôi chỉ mong sao phim đến với công chúng trong nước, chẳng ngờ bây giờ lan tỏa sang cả các quốc gia có nền điện ảnh tiên tiến nhất thế giới. Tôi từng thấy và nghe bạn bè báo rằng đĩa lậu phim Dòng máu anh hùng bày bán tại chợ ở Trung Quốc, Ấn Độ và cả Thái Lan. Nghe có hơi buồn nhưng rồi thấy vui nhiều hơn! Bởi phim mình đã có chỗ đứng. Hôm đọc được thông tin phim Dòng máu anh hùng được khán giả Trung Quốc đánh giá cao, tôi và Ngô Thanh Vân hạnh phúc lắm. Đó là động lực tinh thần lớn lao để chúng tôi thể hiện tốt hơn nữa trong bộ phim hành động thứ hai đang quay là Bẫy rồng.

* Đâu là điểm khác biệt giữa Bẫy rồng và Dòng máu anh hùng? Nếu làm lại một phim cũng chỉ bấy nhiêu pha hành động võ thuật thôi thì sẽ làm khán giả nhàm chán vì chẳng có gì mới lạ. Anh đã và sẽ làm gì để làm mới hơn trong phim này?

- Khác với Dòng máu anh hùng là phim diễn ra thời Pháp thuộc, Bẫy rồng là bộ phim thời hiện đại vì vậy kinh phí làm phim sẽ giảm đáng kể do chúng tôi không phải phục chế đạo cụ. Những cảnh quay hoành tráng trong Dòng máu anh hùng, chiếc môtô cổ, cả xe tải cũ trong phim cũng phải được phục chế rất tốn kém. Tuy nhiên, giảm chi phí sản xuất không có nghĩa là Bẫy rồng sẽ kém thu hút hơn. Các thế võ trong Dòng máu anh hùng đều phải hòa trộn giữa võ cổ truyền với hiện đại, trong khi Bẫy rồng chỉ sử dụng võ hiện đại.

Làm phim võ thuật phải am hiểu văn hóa

 

Johnny Trí Nguyễn - Ảnh: Đỗ Tuấn

* Theo anh để phim võ thuật Việt Nam có chỗ đứng trong lòng khán giả thì những người làm phim phải chuẩn bị những điều gì, phải làm thế nào để có những bộ phim hoàn toàn “made in Vietnam” nhưng khán giả thế giới xem xong có thể biết đến đây là dòng phim võ thuật do Việt Nam sản xuất?

- Đó là điều luôn làm cho những nhà làm phim như chúng tôi suy nghĩ. So với phim hành động, võ thuật của Mỹ, Hồng Kông, Trung Quốc hay gần đây là Thái Lan thì chúng ta chỉ là “học trò” cả về bề dày kinh nghiệm lẫn tài chính đầu tư cho phim. Nhưng nói thế không phải là chúng ta không có khả năng làm được những bộ phim hành động, võ thuật hay, hấp dẫn mà Dòng máu anh hùng là một ví dụ. Để phim hành động, võ thuật Việt có phong cách riêng, theo tôi phải bắt nguồn từ văn hóa Việt. Mà văn hóa này không bắt nguồn từ xa xôi mà thể hiện ngay trong từng hành động, cách hành xử của nhân vật, thế võ của chúng ta. Vovinam khác hẳn với taekwondo, aikido, quyền Anh. Đó chính là văn hóa.

* Cụ thể làm thế nào để tạo sự khác biệt đó? Nước láng giềng của ta là Thái Lan đã tạo nên tiếng vang bằng loạt phim hành động, võ thuật của võ sĩ Tony Jaa là Truy tìm tượng Phật 1 và 2 (Ong Bak: Muay Thai Warrior và Tom Yum Goong) rồi năm 2009 trở lại với phim Ong Bak 2, chúng ta học gì ở họ?

- Làm phim hành động theo kiểu Mỹ thì không đủ tài chính lẫn kỹ thuật, kỹ xảo điện ảnh để thực hiện, còn bắt chước theo Trung Quốc, Hồng Kông thì không ai xem vì không tạo được dấu ấn riêng. Vả lại, phim ta không có thương hiệu trên thị trường điện ảnh thế giới nên rất khó bán. Từ nhỏ, lúc vừa lên 6 tuổi tôi đã được ba dạy võ gia truyền Liên phong quyền, sau đó sang Mỹ 9 tuổi bắt đầu học tiếp aikido rồi Hồng gia quyền Việt Nam và wushu. Thêm thời gian đóng phim ở Mỹ, Hồng Kông rồi Thái Lan dù chỉ là những vai phụ, cascadeur nhưng tôi học được kinh nghiệm làm phim hành động, võ thuật rất nhiều. Tôi từng đóng với Tony Jaa trong phim Truy tìm tượng Phật. Tony là diễn viên có tài và biết cách đưa văn hóa của Thái Lan lên phim ảnh mà điển hình là các thế võ cổ truyền của người Thái như quyền Thái, Muay Thai kết hợp với kung fu, aikido nên anh đã thành công. Chúng ta cũng phải đi theo hướng ấy nếu muốn tạo nên phong cách riêng, sự khác biệt, độc đáo của dòng phim võ thuật, hành động.

Phim hay không chỉ nhờ võ thuật  

* Một bộ phim chỉ đánh đấm từ đầu đến cuối cho dù bằng các thế võ đẹp mắt cũng sẽ khó mà hút khán giả nếu nội dung nhàn nhạt, không kịch tính. Anh làm gì để tạo nên sức hấp dẫn ngoài những cú đá tung người, những cú đấm đẹp mắt?

- Anh nói đúng. Tôi từng xem nhiều bộ phim võ thuật của Mỹ, Hồng Kông, Đài Loan hay thậm chí là Trung Quốc đánh nhau từ đầu đến cuối nhưng khi ra khỏi rạp chẳng biết phim muốn nói lên điều gì. Bởi vậy tôi sẽ không bao giờ làm những bộ phim như thế. Cho dù không quá đặt nặng việc thể hiện tâm lý nhân vật nhưng một bộ phim võ thuật hay cũng cần phải có nội dung tốt. Thiếu võ thuật hoặc một câu chuyện lôi cuốn đều làm cho phim nhàm chán.

* Vì sao anh không làm phim hành động cổ trang?

- Vì chưa đủ tiền dù tôi rất thích thể loại phim võ thuật cổ trang. Lịch sử dân tộc mình có quá nhiều câu chuyện hấp dẫn để khai thác nhưng điện ảnh dường như chưa bao giờ “đụng” đến được. Lối làm phim cổ trang của ta xem cứ như cải lương được quay thành phim vì thiếu hẳn những góc máy độc đáo. Hãy nhìn Trung Quốc, Hàn Quốc làm phim cổ trang thì hiểu vì sao họ bán được phim. Một ngày nào đó nếu đủ tài chính tôi sẽ làm phim cổ trang.

* Anh có lo khán giả nhận xét phim anh làm ra không phản ánh đúng cuộc sống của người Việt trong nước bởi đơn giản anh là nghệ sĩ Việt kiều, không am tường về văn hóa Việt, lẫn lối sống của người trong nước?

- Tôi từng nghe những nhận xét như thế với những phim do Việt kiều sản xuất. Công bằng mà nói điều đó cũng đúng một phần. Do vậy mà tôi hợp tác với Lê Thanh Sơn, một đạo diễn sinh ra và lớn lên từ trong nước để làm phim Bẫy rồng. Chúng tôi cùng nhau viết kịch bản phim, khi ra trường quay tôi phụ trách phần hành động của diễn viên, bố trí góc máy quay sao cho đẹp, trong khi anh Sơn lo về tâm lý diễn xuất. Tôi có nhiều kinh nghiệm khi làm phim hành động, tiến độ thực hiện, biết lúc nào nên tĩnh, lúc nào nên động, thời điểm nào trong phim phải tạo kịch tính. Những kỹ năng này thuộc về nghề nghiệp nên tôi khá tự tin khi bắt tay vào làm phim Bẫy rồng. Tôi muốn khi xem xong Bẫy rồng, khán giả sẽ thấy được cuộc sống của mình hiện hữu trong đó. Tôi biết phim do Việt kiều làm luôn bị khán giả “săm soi” nên việc hợp tác với đạo diễn trong nước để hạn chế tối đa góc nhìn qua lăng kính của một người sống xa quê nhiều năm. Nếu làm phim cổ trang, những nhà làm phim Việt kiều như chúng tôi sẽ đứng “sòng phẳng” với những người trong nước do không ai sống vào thời xa xưa, tất cả đều phải tìm hiểu qua tài liệu, sách vở để làm phim. Trong khi làm phim thời hiện đại đòi hỏi vốn sống của đạo diễn, của người viết kịch bản, sự am hiểu về đời sống của dân chúng.

* Anh có sợ Bẫy rồng gặp thất bại sẽ chôn vùi tên tuổi mình khi vừa lóe sáng sau phim Dòng máu anh hùng?

- Khi làm phim tôi không bao giờ nghĩ đến thành công hay thất bại chỉ biết làm tất cả bằng khả năng vốn có của mình. Bộ phim làm ra thành công hay thất bại còn phải do khán giả định đoạt. Bẫy rồng dự kiến quay trong 6 tuần và sẽ chiếu vào dịp Giáng sinh 2009.

* Cám ơn và chúc Johnny Trí Nguyễn cùng Ngô Thanh Vân sẽ tiếp tục chiến thắng trong bộ phim mới này.  

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.