3 tuổi đã biết lấy vỏ cơi trầu của mẹ gảy vào ống điếu của cha làm đàn kìm hát, 9 tuổi biết thổi sáo, 14 tuổi trúng tuyển vào lớp Trung cấp trường m nhạc Việt Nam - môn sáo trúc, 18 tuổi đã là giảng viên sáo trúc (tốt nghiệp loại giỏi nên được giữ lại trường), và 45 tuổi (năm 1993) đã là NSND. Nhìn vào "hành trình siêu tốc" khi đến với âm nhạc dân tộc này, ít ai ngờ rằng nghệ sĩ Đỗ Lộc lại chẳng có chút gien nghệ thuật nào từ gia đình, bởi dòng họ ông ngày xưa nổi tiếng với nghề chạm bạc ở Thái Bình.
Ấn tượng những chuyến đi
Nghệ sĩ Đỗ Lộc kể: "Mới dạy được một năm thì tôi được cử về công tác ở Đoàn ca múa miền Nam (sau này cùng Đoàn Giải phóng hợp thành Đoàn Bông Sen), với công việc chính là đối ngoại. Khi làm nhiệm vụ này, đoàn có tên là Đoàn múa hát quân giải phóng miền Nam. Và chuyến xuất ngoại đầu tiên là cùng với đoàn thăm và biểu diễn hữu nghị ở các nước XHCN năm 1967. Hơn 20 năm hoạt động trong Đoàn và cả sau này, khi tôi sang làm cho Tổng công ty du lịch Sài Gòn (là chuyên viên âm nhạc dân tộc và cố vấn về văn hóa), gần như năm nào tôi cũng đi. Bà xã tôi - nghệ sĩ múa Bích Diệp đã tự nguyện học thêm đàn T'rưng để đệm cho tôi, thế là cả hai vợ chồng cùng đi". Có lẽ vì đi nhiều như thế nên mãi 10 năm, sau khi sinh con gái đầu lòng Quỳnh Phượng (là diễn viên, đạo diễn trẻ), ông bà mới có cậu con trai thứ hai.
Nhắc đến những chuyến đi, nghệ sĩ hào hứng: "Đi biểu diễn tất cả các nước, hầu như không có lần nào mà không bắt diễn lại". Sau chuyến thăm và biểu diễn tại Trung Quốc năm 1996 nhân dịp Quốc khánh nước ta, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - Trưởng đoàn Nghệ thuật quốc gia Việt Nam Phạm Thị Thành đã gửi công văn đến ông, trong đó có đoạn: "Tại 3 thành phố đoàn đến biểu diễn, nghệ sĩ Đỗ Lộc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ biểu diễn được giao, thể hiện tài năng nghệ thuật cao, được ban tổ chức và khán giả nước bạn hoan nghênh nhiệt liệt".
Vợ chồng NSND Đỗ Lộc - Ảnh: N.V |
Thế nhưng, để lại ấn tượng mạnh nhất với ông là chuyến biểu diễn nhân Ngày văn hóa Việt Nam ở Liên Xô năm 1985. "Trước ngày diễn, các đồng chí trong Ban Bí thư Trung ương Đảng bảo rằng, ngày mai, văn hóa nghệ thuật của dân tộc Việt Nam sẽ hiện lên màn hình của toàn thế giới... (thời đó, chương trình nào được đài truyền hình của trung ương Nga phát lên vệ tinh thì toàn thế giới xem được). Khi diễn xong khán giả đứng dậy vỗ tay và yêu cầu diễn lại. Bất ngờ nhất là người đầu tiên cầm hoa vào đưa cho tôi là ca sĩ Lệ Quyên, cô nói rằng em tặng anh bông hoa vì tiết mục của anh quá xuất sắc; còn nghệ sĩ múa Viết Việt (được phân công mang đàn ra sân khấu cho tôi biểu diễn) thì ôm chặt tôi chúc mừng rồi nói vui: Tôi đi bê đàn suốt đời cho ông cũng được".
Làm thơ... "con cóc" ghi nhớ kỷ niệm
Ông tự nhận như vậy, rồi ngẫu hứng ngân nga cho người viết nghe hàng chục bài thơ. Ông kể, từ khi sự nghiệp gắn với cây đàn T'rưng thì bài thơ Đàn T'rưng của nhà thơ Huy Cận như nhập vào hồn mình. Và ông đã viết hẳn một bài bình về bài thơ này đăng trên báo. "Đọc bài tôi viết, ông Huy Cận thích lắm, rồi ông có gọi tôi ra để tặng thơ. Sau, ông mất, tôi có làm 4 câu thơ tặng ông: Chú tặng cháu sách đời thơ/Mênh mông biển cả tình thơ tình đời/Hôm nay chú đi xa rồi/Càng mênh mông cả tình đời tình thơ".
Rồi vì ái mộ những điệu múa tuyệt vời của bà Thúy Quỳnh trong vở kịch múa Tấm Cám (bà đóng vai chính), trong tác phẩm Cánh chim và mặt trời, ông cũng tặng thơ cho bà. Bài thơ này đã được đăng ở tạp chí Nhịp điệu.
Năm 2003, sau ca phẫu thuật sỏi thận, để cảm ơn bác sĩ Hiệp (Bệnh viện Bình Dân), ông cũng tặng vị bác sĩ này 2 câu: Trị bệnh cứu người tài phẫu thuật/Chuyên sâu nghiệp cả đức y cao. Hay sau đó, ở lần mổ thận thứ 2 năm 2008, ông cũng tặng bác sĩ 4 câu: Cảm ơn bác sĩ Thọ/Mổ lấy sỏi lần hai/Rất may vết mổ ngắn/Nhưng tình nghĩa lại dài.
Bệnh thận của ông đòi hỏi phải uống nước nhiều và phải tập thể dục. Ông chia sẻ: "Sáng nào cũng vậy, khoảng 4 giờ tôi thức dậy, uống một ly nước dừa rồi ngủ lại. Đây là một trong những "bài thuốc" giúp giảm mức độ đóng sạn lại. Đến 5 giờ 30, tôi dậy chạy bộ và tập một số bài thể dục trên sân thượng".
oOo
Sau khi thôi làm việc ở Đoàn Bông Sen, nghệ sĩ Đỗ Lộc vẫn tiếp tục phát triển lĩnh vực âm nhạc dân tộc của mình ở Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist). Ông vừa về hưu vào cuối năm ngoái. Và ông rất tự hào vì "cả đời tôi kiếm sống hoàn toàn bằng lương nhà nước". Cách đây một tháng, vợ chồng ông đã hỗ trợ con gái thành lập Công ty truyền thông Trúc Vàng (lấy tên của ban nhạc mà ông gắn bó một thời), tiếp tục làm cố vấn văn hóa cho con.
Sự nghiệp của nghệ sĩ Đỗ Lộc bắt đầu bằng cây sáo trúc, nhưng sau đó, đưa lại thành công và vị trí cho ông là 3 công trình cải tiến, sáng tạo đàn dân tộc. Thứ nhất là công trình cải tiến đàn T'rưng và kỹ thuật biểu diễn bằng que gõ 2 chiều (xưa chỉ có 1 đầu), được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng 3 năm 1981. Thứ hai là cải tiến Ăng K'lung và phong tiêu, và tác phẩm Tây Nguyên vẫy gọi biểu diễn bằng loại nhạc cụ này đã đoạt HCV tại Hội diễn ca múa nhạc năm 1990. Chính thành công này là dấu ấn để ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND. Sau đó ông làm tiếp công trình sáng chế và chế tạo đàn đá, theo phương pháp cưa, mài, tạo thành bộ đàn vừa gọn nhẹ, vừa có âm vực rộng dễ dàng độc tấu hay hòa tấu cùng nhiều nhạc cụ khác. |
Nguyên Vân
Bình luận (0)