Do vụ án được xét xử kéo dài (dự kiến đến hết ngày 25.5) nên ngoài HĐXX chính thức tòa còn chuẩn bị thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký dự khuyết. 12 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ của Công ty điện lực TP.HCM, trong đó có Lê Minh Hoàng (nguyên Giám đốc) và Lê Văn Hoành (nguyên Phó giám đốc, cùng bị truy tố về tội "cố ý làm trái...") và 5 bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên Công ty Linkton Vina (bị truy tố về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả”) đều có mặt từ rất sớm. Tất cả các bị cáo đều được tại ngoại.
Tham dự phiên tòa có 17 luật sư bào chữa cho các bị cáo. Ngoài ra, HĐXX còn triệu tập 2 người giám định và 28 bị đơn dân sự, nguyên đơn dân sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan. HĐXX chấp thuận việc vắng mặt của đại diện Công ty Linkton Singapore do có đơn cam kết chịu trách nhiệm về vấn đề bồi thường.
Sau phần thủ tục, đại diện Viện KSND TP.HCM công bố bản cáo trạng dài 58 trang. Theo đó, ngày 1.10.2003, Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN) ký phê duyệt kế hoạch đấu thầu, duyệt gói thầu 44: số lượng 40.000 chiếc điện kế kỹ thuật số 1 pha, đơn giá 340.000 đ/chiếc, giao cho Giám đốc Điện lực TP.HCM lập hồ sơ mời thầu và thực hiện công tác đấu thầu theo quy định. Khi triển khai, các lãnh đạo, cán bộ của Điện lực TP.HCM đã chia nhỏ số lượng, nâng đơn giá lên 580.000đ/chiếc trái với kế hoạch đã được duyệt và không báo cáo EVN. Việc tổ chức đấu thầu cũng vi phạm các quy định của tiêu chuẩn xét thầu. Cụ thể, nhà thầu Linkton-Singapore chào ĐKĐT có xuất xứ Singapore nhưng lại chào giá đến kho; không có báo cáo tài chính năm 2000; chứng chỉ ISO của nhà sản xuất EDMI không còn hiệu lực (chỉ còn giá trị đến 10.2003)... Thay vì phải kiến nghị loại nhà thầu này nhưng các bị cáo lại kết luận hồ sơ dự thầu của Linkton được đánh giá ở bước tiếp theo. Ngày 30.1.2004, Lê Minh Hoàng và Justin Kaleung (Giám đốc Linkton Singapore) ký hợp đồng mua 10.000 chiếc ĐKĐT 1 pha của nhà sản xuất Linkton-Singapore. Mặc dù lô hàng đầu tiên không đạt chất lượng (sai số đo đạc lên đến 25%), phải trả hàng để sửa chữa, nhưng các bị cáo lại ký thêm 13 hợp đồng khác mua 302.000 chiếc ĐKĐT, không qua đấu thầu sau đó.
Qua điều tra, hồ sơ dự thầu chào điện kế hiệu LTE66-220VAC-10(40)A, nước sản xuất Singapore, nhà sản xuất Linkton, nhưng nhà thầu nộp mẫu điện kế của của Công ty Linkton-Vina và vẫn được thông qua. Bên cạnh đó, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường cũng có kết luận số ĐKĐT này chưa đủ điều kiện đưa vào sử dụng đo đếm làm cơ sở thanh toán giữa Điện lực TP.HCM với người tiêu dùng, trái quy định Pháp lệnh Đo lường. Ngoài ra, các bị cáo còn có những sai phạm trong giao nhận, thanh toán (hồ sơ chứng từ không đầy đủ nhưng vẫn thanh toán).
Cáo trạng còn nêu, thực tế 312.000 chiếc ĐKĐT, giá trị hợp đồng 181 tỉ đồng, đã được Linkton Vina (liên doanh của Công ty Linkton Singapore) nhập linh kiện, tổ chức lắp ráp tại một địa điểm trên đường Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận, TP.HCM; sau đó gắn nhãn Linkton Singapore. Ngoài 4 hợp đồng không có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), còn lại 10 hợp đồng Justin và Koho (cả hai đều đang bỏ trốn) đã làm giả C/O của Phòng Thương mại Singapore để hợp thức số ĐKĐT này sản xuất tại Singapore. Để đưa số ĐKĐT không đạt chất lượng vào sử dụng, Nhà nước đã phải chi hơn 8 tỉ đồng khắc phục lỗi và hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định hiện hành.
Hôm nay, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn.
Lê Nga
Bình luận (0)