“Cò” bệnh viện - Bài 3: Biết nhưng vẫn... bó tay

20/05/2009 00:00 GMT+7

Tình trạng “cò” khám chữa bệnh lộng hành - như Thanh Niên đã phản ánh - lãnh đạo các bệnh viện (BV) đều biết, nhưng không giải quyết được. Mời nghe đọc bài

“Cò” xuất hiện từ lâu

Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo các BV đều xác nhận chuyện “cò” khám chữa bệnh đã diễn ra từ lâu. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Bắc - Phó giám đốc BV Đại học Y Dược nói: ““Cò” vào BV từ 4 giờ sáng để lấy số thứ tự rồi bán lại cho người bệnh lấy tiền chênh lệch. “Cò” sống được cũng xuất phát từ nhu cầu nhiều người bệnh. Do ở xa, không thể đến BV sớm trong khi BV thì quá đông người, nên trước khi lên BV một số người đã điện thoại trước cho “cò” nhờ bốc số trước. Nhất là những bệnh nhân điều trị bệnh mãn tính lâu dài, đến BV nhiều lần rồi quen mặt “cò”, họ sẵn sàng chi vài chục ngàn đồng để lấy số trước”.

Tương tự, bác sĩ Lê Hoàng Minh - Giám đốc BV Ung bướu cũng cho biết, nạn “cò” khám chữa bệnh tại đây đã tồn tại từ lâu. “Cò” lượn lờ trước cổng BV từ 4-5 giờ sáng để bắt khách. Như nhóm “cò” do Tư K. cầm đầu trước đây chuyên câu móc người bệnh, phần lớn là từ dưới quê lên, đưa ra phòng mạch bác sĩ Hà ở đường Đồng Đen (Q.Tân Bình) để khám bệnh ung thư, trong khi bác sĩ này không phải chuyên khoa ung thư, cũng không làm việc ở BV Ung bướu. Vụ này, BV Ung bướu đã theo dõi, phát hiện và báo cho Thanh tra Sở Y tế kiểm tra xử lý bác sĩ này. Trước đây còn có tình trạng một vài nhân viên đã nghỉ hưu, nhưng cũng thường xuyên đến BV Ung bướu để làm “cò”.

Còn theo bác sĩ Vũ Hồng Thái - Giám đốc BV Da liễu, được xem là nơi “cò” hoạt động nhộn nhịp nhất - “cò” ở đây hoạt động quá công khai, lôi kéo, mồi chài người bệnh trên cả một đoạn dài đường Nguyễn Thông...

Hăm dọa nhân viên BV

Như đã nói, lãnh đạo các BV đều biết nạn “cò”, nhưng rồi chẳng những không dẹp được mà “cò” còn quay sang hăm dọa cả nhân viên BV. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Bắc - Phó giám đốc BV Đại học Y Dược nói: “Chúng tôi biết nạn “cò” khám chữa bệnh từ lâu lắm rồi, đã đưa ra rất nhiều biện pháp để dẹp nhưng đến nay “cò” vẫn tồn tại. Một số nhân viên biết mặt “cò”, nên không cho họ bốc số sớm, nhưng họ bảo lấy số giùm cho người nhà ở quê, do vậy nhiều trường hợp rất khó từ chối. Có nhân viên cương quyết không cho “cò” lấy số, thì bị dọa đánh, dọa chém. Một số nhân viên làm ở khâu này vì e ngại “cò” đã xin chuyển qua làm việc ở bộ phận khác”.

Sau khi Báo Thanh Niên phản ánh tình trạng “cò” lộng hành ở BV, sáng 19.5, Ban giám đốc BV Ung bướu đã họp với tất cả các khoa phòng để nhắc nhở, yêu cầu lãnh đạo các khoa rà soát lại các khâu tiếp nhận người bệnh, không để nhân viên tiếp tay cho “cò”, đặc biệt lưu ý với khoa Khám bệnh. Bác sĩ Lê Hoàng Minh - Giám đốc BV nói, trước hết là nhắc nhở, đồng thời cũng cảnh báo các khoa, nếu nhân viên nào tiếp tay cho “cò” mà bị phát hiện, BV sẽ xử lý nghiêm. Trong những ngày tới, BV sẽ phát loa để người bệnh cảnh giác với “cò”.

Cùng ngày, lãnh đạo BV Đại học Y Dược cũng họp để chấn chỉnh tình trạng “cò”. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Bắc - Phó giám đốc BV cho biết: Chúng tôi sẽ bố trí người theo dõi, nếu phát hiện nhân viên nào móc nối cùng “cò” sẽ xử lý nặng. Trước đây chúng tôi cũng đã từng cho thôi việc, hoặc chuyển qua làm ở bộ phận khác, không cho tiếp xúc với người bệnh đối với một vài nhân viên có hiện tượng tiếp tay với “cò”.

Trước nạn “cò” hoành hành tại BV Đại học Y Dược, BV này đã cử hẳn một cán bộ của phòng hành chánh đứng ra giải quyết, thì người này nhận ngay một loạt tin nhắn hăm dọa từ “cò”. Công an Q.5 đã ghi nhận những tin nhắn đó, và mời một số thành phần nghi ngờ lên làm việc, nhờ vậy “cò” ngừng hoạt động được một thời gian ngắn. Nhưng sau đó “cò” tái xuất hiện và để tránh mặt, “cò” cho tiền những người bán vé số nhờ họ vào bốc số hộ!

Một cán bộ cấp phó phòng của BV Ung bướu - người được BV giao nhiệm vụ quan sát, ghi nhận và kết hợp với công an địa phương để giải quyết nạn “cò” khám chữa bệnh - cũng đã bị “cò” đến tận nhà riêng hăm dọa. Còn ở BV Da liễu thì khỏi phải nói, hằng ngày bảo vệ BV ngồi chứng kiến cảnh “cò” lượn tới lượn lui chèo kéo người bệnh nhưng không dám nói gì, vì cũng từng bị “cò” hăm dọa. “Cò” cho rằng bên ngoài cổng BV thì nhân viên BV không có quyền can thiệp!

Có dẹp được “cò”?

Nhiều lãnh đạo BV khẳng định, với “cò” phía bên ngoài BV, nếu không có sự hỗ trợ can thiệp của công an địa phương thì bó tay!

Thực tế, BV Đại học Y Dược dù đã phối hợp với công an phường, quận để xử lý “cò”; hằng tuần vẫn họp giao ban với công an nhưng “cò” vẫn nhởn nhơ hành nghề. Khi chúng tôi khởi đăng loạt bài này, tại đây “cò” vẫn ung dung làm ăn. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Bắc - Phó giám đốc BV cho biết, tới đây BV sẽ họp để tìm ra những biện pháp hữu hiệu hơn nhằm ngăn chặn “cò”.

Trong mấy ngày qua, BV Ung bướu đã cử người theo dõi sự xuất hiện trở lại của Tư K. (người chỉ đạo đội quân “cò” trước BV này) để phối hợp cùng công an địa phương xử lý kịp thời. Trước những phản ánh của Báo Thanh Niên, Giám đốc BV - bác sĩ Lê Hoàng Minh hứa sẽ cho rà soát lại, để phát hiện những nhân viên tiếp tay cho “cò” nhằm kịp thời chấn chỉnh. “BV cũng sẽ cho người mặc thường phục theo dõi hoạt động của “cò”, để phối hợp với công an xử lý” - bác sĩ Minh nói thêm.

Hàng bao năm qua, BV Da liễu đã đưa ra không biết bao nhiêu cách để đối phó, chống chọi lại “cò”; Sở Y tế cũng đã có hàng chục văn bản gửi công an địa phương nhờ can thiệp, giải quyết, ấy vậy lực lượng “cò” hiện giờ còn mạnh hơn trước, với khoảng 10 “cò” đeo bám người bệnh cả ngày. “BV đã đưa ra nhiều biện pháp như: phát loa đọc liên tục để cảnh giác bệnh nhân không nghe theo “cò”; ký hợp đồng với công an địa phương rà quét; chỉ đạo nhân viên phục vụ tận tình hơn để người bệnh không e ngại khi vào BV; khám bệnh cả ngày thứ bảy và chủ nhật..., nhưng vẫn không dẹp được “cò”. Giờ chỉ còn cách công an địa phương phải làm mạnh hơn nữa; và các phòng mạch không “chơi” với “cò” thì mới mong giải quyết được tệ nạn này”, bác sĩ Vũ Hồng Thái, Giám đốc BV nói.

Cũng vì “trần ai, gian nan lắm mới khám được bệnh” như lời một cụ ông ở Long An lên TP.HCM khám bệnh, nên nhiều người bệnh muốn thông qua “cò” hầu mong đỡ vất vả hơn. “Cò” là một dạng dịch vụ trái phép, trong nhiều trường hợp còn mang tính chất lừa gạt, gây nguy hại đến sức khỏe người bệnh như “cò” phá thai trước đây. Bên cạnh đó, “cò” còn gây bát nháo, làm xấu môi trường khám chữa bệnh. Bác sĩ Phan Văn Nghiệm - Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế TP.HCM), cho rằng, với “cò” phía trước, bên ngoài BV, thì một mình BV, hay chỉ ngành y tế không thể giải quyết được, mà cần có sự hỗ trợ tích cực của công an địa phương. Riêng “cò” bên trong thì BV sẽ giải quyết được nếu có quyết tâm.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.