Sự sụt giảm thê thảm này đã khiến các liên doanh sản xuất, lắp ráp đứng ngồi không yên, thậm chí có hãng còn mạnh dạn “nói bóng, nói gió” rằng, nếu chính sách thuế về ô tô không được điều chỉnh, hãng này sẽ chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu. Một số thành viên của VAMA cho rằng, Việt Nam phải xác định được dòng xe chiến lược để tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp dòng xe này. Và theo các doanh nghiệp này, dòng xe đa dụng 6-9 chỗ chính là dòng xe chiến lược của Việt Nam vì phù hợp với điều kiện hạ tầng của Việt Nam. Chính vì thế, VAMA cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng sản phẩm này là không hợp lý, cần có những ưu đãi hơn, nhất là tới đây theo cam kết quốc tế, chúng ta phải giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc.
Chưa hết, VAMA còn gửi công văn “kêu cứu” tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ, các Bộ Tài chính, Công thương cùng Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội và TP.HCM, xin được hoãn thực hiện tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô trong năm nay. Thậm chí, nếu đến hết năm, thị trường vẫn chưa phục hồi thì tiếp tục hoãn đến khi tình hình sáng sủa hơn.
Kiến nghị của các nhà sản xuất và lắp rắp xe trong nước được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, Chính phủ phải bỏ ra hàng tỉ USD để kích cầu, ngăn chặn suy giảm kinh tế nên thoạt nghe thì rất có lý. Sản phẩm không bán được thì công nhân không có việc làm, mà đây lại là điều mà các cơ quan quản lý, cơ quan hoạch định chính sách hoàn toàn không muốn. Thêm vào đó, kiến nghị của họ lại được đưa ra dưới danh nghĩa là để xây dựng một nền công nghiệp ô tô trong nước.
Tuy nhiên, xem xét một cách cẩn thận thì chẳng phải các doanh nghiệp này kiến nghị để có được một nền công nghiệp ô tô mà thực chất là vì lợi nhuận của các liên doanh. So với các ngành khác, số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô không nhiều. Hơn 10 năm qua, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp này nhưng cho đến nay, tỷ lệ nội địa hóa trong một chiếc xe vẫn ở mức rất thấp, phần lớn vẫn nhập từ công ty mẹ ở nước ngoài. Mà việc nhập khẩu từ công ty mẹ cũng là một câu chuyện cần phải bàn. Hiện tượng chuyển giá đối với những trường hợp này là rất dễ xảy ra (khai giá cao ngay từ công ty mẹ, để chuyển lãi về công ty mẹ, vì thế nên có khi các liên doanh lỗ nhưng công ty mẹ vẫn lãi). Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đã có lần thừa nhận, kiểm soát hiện tượng này hoàn toàn không đơn giản.
Việc tìm giải pháp để hạ giá ô tô khi giá xe tại VN được liệt vào hàng đắt nhất thế giới nhưng chất lượng lại thua xa xe của các nước khác là việc hoàn toàn nên làm. Tuy nhiên, nếu áp dụng chính sách ưu đãi các liên doanh, đặt mức thuế cao cho xe nhập khẩu nguyên chiếc, chúng ta đứng trước thực tế mất “cả chì lẫn chài”. Không những không xây dựng được nền công nghiệp ô tô, người tiêu dùng còn chịu mức giá cắt cổ. Vì thế, lời kêu cứu của VAMA thực ra là "bài cũ được dùng lại", một lời kêu cứu không hợp lý.
Xuân Toàn
Bình luận (0)