Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói về dự kiến điều chỉnh học phí

22/05/2009 23:48 GMT+7

Phó thủ tướng - Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã trả lời một số ý kiến khác nhau trong quá trình góp ý cho Đề án đổi mới cơ chế tài chính GD-ĐT giai đoạn 2010-2014.

* Tính công bằng trong việc đóng học phí đối với giáo dục phổ thông và mầm non ra sao?

- Quan điểm của Đề án về công bằng xã hội trong trách nhiệm gia đình đóng góp vào chi phí giáo dục cho con em mình là: gia đình có thu nhập thấp thì đóng góp ít hơn gia đình có thu nhập cao, nhưng trong mọi trường hợp, chi phí học tập đều không vượt quá 6% thu nhập và đều không là gánh nặng tài chính cho gia đình. Có quan điểm khác được đề cập về công bằng xã hội khi bàn về học phí là: mọi người dân thu nhập thấp hay cao đều chỉ đóng học phí như nhau, còn phần rất lớn chi phí học tập cho một học sinh là do Nhà nước chịu. Nhà nước phải bao cấp giáo dục cho người thu nhập thấp và thu nhập cao như nhau. Đề án không theo quan điểm này mà cho rằng, để có nhiều trẻ đi học được và nâng cao chất lượng giáo dục không nên chỉ trông chờ vào bao cấp của Nhà nước, mà các hộ dân cần đóng góp (tiền học phí) theo khả năng của mình. Người thu nhập cao đóng nhiều hơn, người thu nhập thấp không đóng học phí, thậm chí được Nhà nước cấp tiền hằng tháng để đưa con em đi học.

Hôm nay 23.5, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến với giám đốc Sở GD-ĐT 63 tỉnh, thành cùng giám đốc các học viện, hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ trên cả nước để lấy ý kiến góp ý cho Đề án đổi mới cơ chế tài chính GD-ĐT.

* Vì sao tiểu học được miễn học phí mà giáo dục THCS lại không được miễn toàn bộ học phí?

- Năm 2008, cả nước có 6,27 triệu học sinh THCS, tổng học phí thu được 2.046 tỉ đồng. Chi phí đào tạo ở bậc THCS (chi thường xuyên) khoảng 2,4 triệu đồng/năm/học sinh. Như vậy nếu miễn hết học phí cho học sinh THCS thì sẽ hụt chi giáo dục THCS khoảng 2.046 tỉ đồng, tương ứng với chi phí đào tạo 852.000 học sinh THCS. Tức là nếu miễn hết học phí THCS trong điều kiện ngân sách giáo dục không tăng tương ứng được thì quy mô giáo dục THCS sẽ giảm 852.000 học sinh. Để giữ vững quy mô và nâng cao từng bước chất lượng giáo dục THCS, chúng tôi đề xuất không miễn toàn bộ học phí cho bậc THCS, mà đóng học phí theo khả năng chi trả của hộ dân, miễn giảm học phí cho hộ chính sách, hộ nghèo.

* Vì sao không miễn học phí cho bậc học mầm non trong khi trẻ lại được khám chữa bệnh miễn phí?

Nhà nước cần cảm nhận đầy đủ mức độ nguy hiểm nếu không tăng nguồn thu chính đáng (từ ngân sách cấp và từ người học) cho các cơ sở giáo dục ĐH. Từ nguồn thu tài chính khiêm tốn như hiện nay, chắc chắn các mục tiêu tốt đẹp của hệ thống giáo dục đại học sẽ khó thành hiện thực đối với người học. Với cơ chế tài chính hiện nay, tôi cho rằng nó tiềm ẩn nhiều bất trắc và “nguy hiểm” cho các cơ sở đào tạo, chính vì đồng tiền ít ỏi đã hình thành (ngấm ngầm hay rõ ràng) ngày càng nhiều bất cập trong giáo dục đào tạo. Đỉnh điểm của sự bất cập đó là giữa một bên yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ, xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, từng bước đạt chuẩn mực khu vực và quốc tế với một bên là nguồn thu tài chính cứ “bình chân như vại” từ nhiều năm không thay đổi. Việc tăng nguồn tài chính phục vụ đào tạo trực tiếp cho các cơ sở đào tạo công đang là một đòi hỏi chính đáng hết sức cấp bách, không thể chậm trễ hơn được nữa.

TS – kiến trúc sư Phạm Tứ (Hiệu trưởng trường ĐH Kiến trúc TP.HCM )

- Năm 2008, có 3,39 triệu học sinh mầm non. Chi phí giáo dục bình quân cho 1 học sinh mầm non là 2,56 triệu đồng/năm. Như vậy, nếu miễn học phí bậc mầm non thì cả các em đang ở nhà không đi học sẽ đi học. Số học sinh mầm non mới sẽ là 6 triệu em. Để đưa số em này đến trường, Nhà nước phải chi 15.360 tỉ đồng/năm. Trong điều kiện ngân sách giáo dục không tăng, nếu Nhà nước chi 15.360 tỉ đồng để phổ cập miễn phí mầm non, thì sẽ không còn ngân sách cho các trường ĐH, CĐ, TCCN và dạy nghề công lập (năm 2006 ngân sách nhà nước cấp cho các trường này là 9.986 tỉ đồng) và vẫn thiếu 5.374 tỉ đồng nữa. Sẽ phải cắt bớt ngân sách chi cho THPT. Ngân sách chi cho THPT năm 2006 là 5.663 tỉ đồng. Tức là nếu cắt giảm 5.374 tỉ đồng của THPT thì gần 95% học sinh trung học phổ thông ở các trường công lập phải nghỉ học.

Như vậy, nếu dùng kinh phí nhà nước để phổ cập mầm non miễn phí thì tất cả các trường ĐH, CĐ, TCCN, trường dạy nghề công lập và hơn 90% các trường THPT công lập phải ngừng hoạt động. Rõ ràng phương án này trong điều kiện hiện nay sẽ gây thiệt hại cho đất nước.

* Đây có phải là đề án tăng học phí không phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa?

- Trong điều kiện mức ngân sách dành cho giáo dục là 20% tổng ngân sách quốc gia hằng năm, đã vào loại cao so với các nước, khó có thể tăng thêm, nhưng do thu nhập đầu người của ta còn rất thấp so với các nước, nên chi phí toàn xã hội bình quân cho 1 người đi học chỉ bằng khoảng 1/4 của Thái Lan và Malaysia, 1/8 của Hàn Quốc, 1/11 của Nhật và Pháp, 1/16 của Mỹ, thì yêu cầu vừa tăng quy mô giáo dục và đào tạo ở các cấp học, vừa tăng chất lượng giáo dục và đào tạo là một mâu thuẫn căn bản, thường xuyên. Khi tổng nguồn lực của xã hội cho giáo dục và đào tạo là có hạn thì càng tăng quy mô, chất lượng sẽ có xu hướng tất yếu là giảm, hoặc đặt yêu cầu chất lượng giáo dục phải càng cao thì quy mô giáo dục phải giảm.

Giải pháp căn bản của Chính phủ cho mâu thuẫn trên là: sử dụng kinh phí cho giáo dục và đào tạo có hiệu quả ngày càng cao hơn và tăng nguồn lực quốc gia cho giáo dục từ ngân sách nhà nước và từ đóng góp của người dân, nhưng sự đóng góp của người dân phù hợp với khả năng thu nhập của họ, không là gánh nặng về tài chính. Việc chọn yêu cầu tổng chi cho giáo dục phổ thông và mầm non của hộ gia đình không vượt quá 6% thu nhập của họ, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm các nước và thực tế của Việt Nam từ 1998, kèm theo nó là yêu cầu có tính nguyên tắc là phải hỗ trợ thêm cho các gia đình có thu nhập rất thấp để con em họ có thể đến trường là giải pháp vừa có tính nhân văn, vừa góp phần huy động sự đóng góp của xã hội nhiều hơn cho giáo dục.

Khi Nhà nước đã đảm bảo gần 80% chi phí cho giáo dục phổ thông và mầm non của xã hội, thì việc người dân đóng góp vào việc học hành của con em mình là hoàn toàn cần thiết, vì điều này góp phần tăng quy mô và chất lượng giáo dục. Nếu đòi hỏi người có thu nhập cao cũng chỉ đóng góp như người có thu nhập thấp cho việc học hành của con em mình, còn lại Nhà nước phải lo, thì đây là cách làm nặng bao cấp, không bình đẳng, dẫn đến hiệu quả là quy mô và chất lượng giáo dục bị giảm.

Mức học phí bằng 6% thu nhập của hộ gia đình vẫn là quá cao

Theo dự kiến của đề án, mức học phí và các chi phí học tập cần thiết khác của hộ gia đình (4 người có 2 con đi học mầm non, phổ thông) không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình. Tuy nhiên, 6% là mức chi trả khá cao trong nhóm các nước mới phát triển (số liệu khảo sát của Bộ GD-ĐT); còn ở các nước phát triển, con số này là từ 2-10%. Như vậy, đối với nước ta, nếu lấy mức 6% sẽ là quá cao vì thực tế thu nhập của các hộ dân hiện nay còn thấp, đa số học sinh, sinh viên là con em các hộ nông dân còn rất nghèo và khó khăn. Nói chung, các mức học phí cụ thể trong đề án là quá cao, đặc biệt đối với hệ đào tạo nghề nghiệp. Trong đó, mức học phí của trung cấp nghề quá cao so với cấp THPT là không hợp lý, không công bằng đối với các đối tượng cùng lứa tuổi và không khuyến khích học sinh sau THCS đi học nghề. Lộ trình tiến tới miễn học phí đối với cấp THCS cũng cần phải được làm rõ vì hiện nay theo mục tiêu của chiến lược giáo dục thì tới năm 2010 nước ta sẽ phổ cập xong THCS.

Chúng tôi cũng đề nghị nhấn mạnh các nội dung có tính nguyên tắc như: mức học phí phải tương xứng với chất lượng đào tạo. Bộ GD-ĐT cần công bố tiêu chuẩn đối với “chất lượng chuẩn” làm cơ sở cho công tác kiểm định chất lượng. Phải đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát của Nhà nước và xã hội trong quá trình triển khai đề án để tránh các hiện tượng thương mại hóa trong giáo dục. Sau khi áp dụng chế độ học phí mới và khung học phí mới trong các trường công lập, có thể sẽ dễ xảy ra tình trạng nâng học phí đồng loạt trong các trường ngoài công lập (đặc biệt là hệ CĐ, ĐH). Do vậy, ngành GD-ĐT cần kịp thời ban hành quy chế sử dụng học phí trong các trường ngoài công lập và có biện pháp để kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

GS - TS Đào Trọng Thi
(Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của QH)

Tuệ Nguyễn
(lược ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.