Bi kịch từ những hủ tục

23/05/2009 14:17 GMT+7

(TNO) "Thuốc thư", "ma lai" là gì, hình dáng ra sao thì chẳng ai biết và cũng không thấy nó bao giờ, nhưng hủ tục lạc hậu ấy vẫn âm ỉ tồn tại trong một bộ phận cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Gia Lai.

Theo lời đồn thổi thì người bị cộng đồng nghi ma lai, có thuốc thư là người có thể làm cho người khác đổ bệnh chết vì những hành động như: vỗ vào vai, chạm tay vào cốc rượu hay một lời nói độc; hễ trong làng có ai ốm đau, bệnh tật, tai nạn chết…, bất luận là vì nguyên nhân gì thì mọi tội lỗi đều đổ dồn cho người bị nghi là có thuốc thư. Vì vậy, họ bị dân làng phân biệt đối xử, bị phạt, phá nhà cửa đuổi ra khỏi làng, thậm chí có người bỏ mạng vì bị đánh đập.

Ở xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê (Gia Lai) - một xã nằm cách trung tâm TP Pleiku non 20 km mà hậu quả xấu của hủ tục về ma lai, thuốc thư những năm gần đây vẫn liên tục xảy ra. Nó để lại trong cộng đồng làng những mặc cảm tội lỗi và cả những hoàn cảnh đau lòng. 7 căn nhà ở 2 làng Khối Zét và Ka bị một số người quá khích phá tan hoang, có nhà bị đốt, tài sản trong nhà bị hư hại nặng chỉ vì chủ nhà bị nghi là có thuốc thư; một người bị đánh chết, nhiều người phải bỏ làng đi lánh nạn...

Cho đến bây giờ, cuộc sống gia đình chị Kpă Phít (ở làng Ka) với 6 đứa con vẫn còn ám ảnh về cái chết của người chồng, người cha Kpă Ven, 44 tuổi. Ngày 24.2.2007, anh Ven đã bị một số thanh niên trong làng đánh chết vì nghi có thuốc thư. Vụ việc bắt đầu từ việc ông Kpă H’Nhôk cùng một số người trong làng cuốc rẫy phát hiện có một củ cây rừng (chưa biết là củ gì). Họ nghi là củ của thuốc thư do Ven cất giấu để làm hại dân làng (vì trước đây đám rẫy này là của Kpă Ven sang lại cho H’Nhôk). Lời ác như một vết dầu loang lan từ bếp nhà này sang bếp nhà khác nên H’Nhôk, Kpă Yer, Kpă Ter cùng một số người trong làng đến nhà Ven tra khảo về “thuốc thư” và đánh Ven thiệt mạng.

Chị Kpă Phít kể lại cái đêm kinh hoàng giáng xuống gia đình: “Buổi tối, khi chồng tôi đang ở nhà thì Yer và nhiều người trong làng kéo đến nhà, họ lôi chồng tôi ra bắt đi tìm thuốc thư. Chồng tôi nói không có thuốc thư, thế là họ đưa chồng tôi ra ngoài bụi chuối đánh. Họ nói chồng tôi có thuốc thư làm cho nhiều người trong làng bị chết, nhưng thuốc thư là gì tôi không hề biết”.

Sau sự vụ đau lòng này, chính quyền xã vào cuộc giải thích cặn kẽ về hủ tục lạc hậu, tình hình mới dần trở lại bình yên khi đồng bào nhận thức đúng đắn hơn. “Tôi thật sự ân hận chỉ vì nghi Ven có thuốc thư mà tôi đã giết chết Ven. Tôi đã sai pháp luật Nhà nước rồi, bà con đừng ai tin thuốc thư mà giết người như tôi nữa”, Kpă Yer bày tỏ sự hối lỗi khi ở trong trại giam.

Già làng Kpă Voach, 60 tuổi, ở làng Khối Zét kể: “Tôi làm già làng từ năm 2001 đến giờ nhưng chưa bao giờ biết thuốc thư là gì, chỉ nghe dân làng nói thôi. Thời gian gần đây, trong lúc say rượu, ông Byiêng nói mình có thuốc thư nên dân làng đã tin là thật nên kéo đến đập phá nhà của ông ấy”. Trước phản ứng tiêu cực của dân làng, ông Byiêng và các con phải chạy sang làng khác lánh nạn. Về tin đồn bà Ther đổ bệnh từ cái vỗ vai của ông Kpă Byiêng là hoàn toàn không có thật. Chính quyền địa phương vận động đưa bà Ther đến Bệnh viện huyện Chư Sê khám điều trị. Tại đây, qua chẩn đoán, các bác sĩ khẳng định bà bị suy nhược cơ thể. Được điều trị thuốc men, bà Ther xuất viện và trở về nhà lao động bình thường.

Ở Ia Tiêm còn có trường hợp ông Rah lan Bêh chết do bị ung thư xương, nhưng người thân của ông Bêh và dân làng Khối Zét nghi ông Kpă Yiêng “thư”. Đến khi có kết quả của Bệnh viện đa khoa tỉnh, kết quả khám nghiệm của bác sĩ pháp y, thì dân làng mới tin là không có chuyện ông Bêh bị “thư” chết.

Việc gieo rắc những tin đồn nhảm về thuốc thư, ma lai còn làm mất đoàn kết trong cộng đồng làng, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Nếu thầy mo, thầy cúng mà “phán” ai có thuốc thư, ma lai thì người đó sẽ bị xử theo luật tục của làng như lặn nước (cử một người trong làng cùng lặn, nếu người bị nghi là ma lai nổi lên trước thì sẽ bị phạt). Họ phải nộp phạt cho làng từ 5 đến 10 triệu đồng; nộp heo, trâu, bò; có người còn bị phá, đốt toàn bộ nhà cửa đuổi ra khỏi làng…

Bác sĩ Rơ Mah Ban (Bệnh viện huyện Chư Sê) cho biết: “Trong thời gian vừa rồi, chúng tôi tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân từ cơ sở đưa lên với lý do nghi bị thuốc thư, bị bỏ bùa từ quan niệm của những hủ tục lạc hậu. Trình độ hiểu biết hạn chế nên bà con không chịu điều trị, chúng tôi phải vận động, giải thích… Hiện nay trên địa bàn Chư Sê, người dân tộc thiểu số vẫn còn tin vào thuốc thư nhưng thực chất thuốc thư không hề có. Tôi khuyên bà con không nên tin vào những tin đồn bậy bạ, phải tin vào khoa học, nếu có bị bệnh tật thì đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị dứt điểm”.

Tại một số làng đồng bào ở Tây Sơn (Bình Định), những năm trước còn tồn tại hủ tục “cắt cổ gà trắng”. Khi xảy ra sự việc nghi kỵ nhau, người ta phân xử bằng cách cắt cổ con gà có lông màu trắng, thả xuống sông; nếu gà chìm xuống nước, sự việc mới được “hóa giải”. Trên thực tế, khi mới thả xuống nước, xác con gà không thể nào chìm ngay được nên hậu quả để lại thường rất nặng nề.

Trong khi đó, tại một số làng có đồng bào H’rê sinh sống vẫn còn âm ỉ hủ tục man rợ, đó là cầm đồ thuốc độc (CĐTĐ). Theo quan niệm của người H’rê (sinh sống chủ yếu ở miền tây Quảng Ngãi và Bình Định), người CĐTĐ là những kẻ thường trồng cây pageng (ngải rừng), thường cúng bái và uống máu gà. Khi muốn hại ai, kẻ CĐTĐ lấy các thứ bùa lén bỏ vào nước uống, chỗ ngủ của người đó, thậm chí chỉ cần nguyền rủa thôi cũng hiệu nghiệm (!). Có người đã bị giết chết, bị đốt nhà, bị đuổi khỏi làng vì bị nghi là CĐTĐ. Vụ việc nào được báo sớm, chính quyền và công an đến can thiệp thì nạn nhân được cứu sống, nơi nào không phát hiện kịp thời thì nạn nhân sẽ chết bằng đá “củ đậu” của dân làng. Tất cả các vụ án giết người này đều được khởi tố và xét xử, song vẫn không giải quyết được tận gốc vấn đề. Là bởi, người trực tiếp gây án cũng chỉ thừa hành “mệnh lệnh” của làng, chứ bản thân kẻ gây án và nạn nhân chưa hề thù oán gì nhau. “Bớt uống rượu thì sẽ không có chuyện nghi kỵ “cầm đồ” trong làng”, một vị lãnh đạo của huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã nói như thế. Có điều, làm gì để đồng bào “bớt uống rượu” thì quả là quá khó!

Trà Sơn - Trần Công - Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.