Vũ khí Nga trên thị trường Mỹ La-tinh

23/05/2009 22:58 GMT+7

Nicaragua vừa tỏ ý muốn mua vũ khí do Nga sản xuất. Diễn biến này cho thấy Nga đang tiến thêm một bước nữa trong việc mở rộng thị trường vũ khí tại khu vực Mỹ La-tinh.

Bước tiến dài từ đối tác nhỏ

Theo hãng thông tấn RIA-Novosti của Nga, người đứng đầu quân đội Nicaragua - tướng Omar Halleslevens, nói rằng quốc gia này dự định sẽ mua của Nga từ 4 - 8 chiếc máy bay chiến đấu, 2 chiếc trực thăng quân sự cũng như nâng cấp 2 máy bay khác hiện thuộc biên chế của lực lượng không quân Nicaragua. Nếu gọi Nicaragua là đối tác quan trọng của Nga có lẽ là hơi quá. Nhưng với việc đặt hàng của nước này, có thể thấy Nga đã và đang có nhiều triển vọng hợp tác sâu rộng hơn với các nước trong khu vực Mỹ La-tinh. Thị trường vũ khí của Nga vì thế cũng càng được mở rộng.

Nicaragua là một trong những quốc gia nghèo nhất của Mỹ La-tinh. Hằng năm, quốc gia này chỉ chi 0,6% GDP cho quốc phòng (tổng GDP của nước này khoảng 7 tỉ USD, theo IMF). Quân đội Nicaragua cũng có số quân nhân khiêm tốn: 14.000 người. Trong vòng một thế kỷ qua, quốc gia độc lập này luôn dao động giữa phương Tây và phương Đông, kể cả vũ khí cho lực lượng vũ trang. Từ năm 1995, lực lượng quân sự nước này chính thức mang tên Quân đội quốc gia Nicaragua.

Hiện phần lớn vũ khí của quân đội Nicaragua có nguồn gốc từ thời Liên Xô và có một số ít là của phương Tây, trong đó có của Mỹ. Theo báo điện tử Lenta.ru, hiện binh lính Nicaragua chủ yếu là sử dụng súng AK-47, súng ngắn Makarov, súng trường Dragunov. Bên cạnh đó, họ cũng sử dụng tiểu liên M-16 của Mỹ và Galil của Israel.

Lực lượng không quân của Nicaragua chủ yếu là trực thăng và các máy bay vận tải quân sự hạng nhẹ do Liên Xô sản xuất. Đó là các loại trực thăng Mi-2, Mi-4, Mi-8, trực thăng tấn công Mi-24 và máy bay vận tải AN-26. Ngoài ra, còn có máy bay luyện tập L-39 của Cộng hòa Czech, loại máy bay này cũng có khả năng không chiến và tấn công các mục tiêu dưới đất nhưng ở một mức độ vừa phải. Nicaragua hầu như không có máy bay tiêm kích “thứ thiệt”. Điều này giải thích vì sao hiện quốc gia này rất quan tâm đến máy bay chiến đấu của Nga.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý một điểm là Tổng thống Nicaragua hiện nay là ông Daniel Ortega, một trong những thủ lĩnh cuộc cách mạng Sandino năm 1979 và được coi là đồng minh của Liên Xô. Ông đã thể hiện quan điểm thân Nga khi là quốc gia đầu tiên công nhận nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia, hai khu vực ly khai vốn thuộc Georgia nhưng lại được Nga ủng hộ. Trong khi đó, quốc gia thân cận nhất của Nga trong khối Liên Xô trước đây là Belarus lại không có “bước đi can đảm” như Nicaragua. Chọn thế đối đầu với Georgia nhỏ bé, chắc chắn ông Daniel Ortega tính đến bài toán có lợi khi quan hệ với Nga trên nhiều phương diện, trong đó có cả lĩnh vực quốc phòng. Mối quan hệ bắt đầu nồng ấm trở lại giữa Moscow và Managua cho thấy “bước tiến dài của Nga tại khu vực Mỹ La-tinh” như Lenta.ru bình luận.

 
Giới lãnh đạo Venezuela ngày càng chuộng vũ khí Nga - Ảnh: AFP

Các đối tác tiềm năng

Tại Mỹ La-tinh, Nga còn có các mối quan hệ hứa hẹn những hợp đồng mua bán vũ khí không mang tính biểu tượng mà hoàn toàn là quan hệ lâu dài có lợi về nhiều mặt. Một trong số đó là Brazil, quốc gia có nhiều triển vọng hợp tác với Nga trong sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5. Vào ngày 7.4 vừa qua, phía Nga thông báo đã có những thỏa thuận với hãng Embraer của xứ sở samba trong vấn đề trao đổi công nghệ, xây dựng cơ sở cũng như chuyển nhượng quyền sáng chế để cùng sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5. Cho dù kế hoạch của cả hai phía được giữ kín, nhưng có thể thấy tiềm năng và triển vọng lớn có lợi cho cả Nga và cả Brazil. Đặc biệt là với Nga trong việc mở rộng thị trường vũ khí tại khu vực Mỹ La-tinh.

Nga còn có triển vọng khác trong hợp tác quốc phòng với Brazil. Còn nhớ trong chuyến thăm của Tổng thống Dmitry Medvedev đến Brazil vào tháng 11.2008, hai bên đã ký hiệp định về hợp tác quân sự. Tuy chưa rõ các điều khoản cụ thể, nhưng các chuyên gia quân sự cho rằng nhiều khả năng Nga sẽ cung cấp trực thăng quân sự Mi-35 cho Brazil gọi là “chào hàng”. Ngoài ra, phía Brazil cũng quan tâm, muốn mua một số xe tăng, thiết giáp hoặc máy bay huấn luyện quân sự Yak-130, các hệ thống tên lửa phòng không tầm cao của Nga.

Trước đó vào tháng 6.2008, phía Brazil đã gửi yêu cầu đến 5 nhà sản xuất máy bay trên thế giới nhằm chọn lựa loại máy bay thích hợp để hiện đại hóa lực lượng không quân của mình. Trong số các mặt hàng mà Brazil quan tâm có Su-35 của Nga, F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ, Dassault Rafale của Pháp, JAS 39 Gripen của Thụy Điển. Khi đó thế giới đã nói đến việc “Nga mở rộng thị trường buôn bán vũ khí ở Mỹ La-tinh”. Tuy nhiên, Brazil đã không chọn Su-35.

Sau đó, vào tháng 4.2009, tại Rio de Janeiro, Brazil, đã diễn ra triển lãm hàng không và công nghệ quốc phòng - LAAD 2009, tạp chí Seguranza&Defesa (An ninh & Quốc phòng) có đăng tải bài viết nhan đề Một bước tới máy bay chiến đấu thế hệ 5. Trong đó các nhà phân tích nói rằng Su-35 ưu việt hơn các loại máy bay khác có tính năng tương tự trên thế giới. Tuy nhiên, chính quyền Brazil không đồng quan điểm với Seguranza&Defesa.

Ngoài chuyện hợp tác với Brazil thì Nga còn có một đồng minh quan trọng khác tại Mỹ La-tinh là Tổng thống Venezuela Hugo Chavez. Chỉ trong 2 năm 2005 và 2006, Caracas đã ký hàng loạt văn bản với Moscow để mua máy bay và các loại vũ khí. Trong đó lớn nhất là việc Nga cung cấp cho Venezuela 24 chiếc tiêm kích Su-30MKV. Ngoài ra, còn có 40 trực thăng vận  tải quân sự Mi-17, 10 trực thăng tấn công Mi-35M, 3 trực thăng đa năng Mi-26T và 100.000 khẩu AK-103. Bên cạnh đó, Nga cũng nhượng quyền để Venezuela xây dựng nhà máy sản xuất súng và đạn AK. Ngoài ra, ông Hugo Chavez còn muốn mua một số tàu ngầm của Nga cũng như chiến đấu cơ Su-35. 

Ecuador và Peru là hai quốc gia trong chừng mực nào đó cũng có phần nghiêng về phía Nga. Hiện Ecuador rất quan tâm đến việc ký thỏa thuận để các chuyên gia Nga giúp nâng cấp các máy bay Mig-29 trong lực lượng không quân của mình. Tại LAAD 2009, đại diện của hãng Mig cũng hướng đến sự hợp tác với Mexico, Bolovia và Uruguay. Còn Cuba, dù sức mua có hạn, nhưng vẫn là một bạn hàng truyền thống của Nga.

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, trong tình hình hiện nay, khu vực Mỹ La-tinh không chỉ là thị trường buôn bán vũ khí tiềm năng dành cho Nga mà còn cho nhiều quốc gia khác. Kể cả Ấn Độ, Trung Quốc cũng đang rất quan tâm đến thị trường nơi đây. Đáng chú ý là vũ khí của hai quốc gia này có mẫu mã tính năng khá giống với vũ khí cùng loại của Nga, nhưng giá bán rẻ hơn, nên sức hấp dẫn là rất lớn. Đặc biệt trên nền khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới hiện nay, khi nhiều quốc gia đang cắt giảm ngân sách quốc phòng, thì “phương án Ấn Độ - Trung Quốc” mang nhiều tính khả thi.

Với Nga, việc chinh phục thị trường Mỹ La-tinh không chỉ là uy tín, chất lượng với các loại vũ khí - khí tài hiện đại, mà chịu sự tác động từ yếu tố đối đầu giữa Nga cùng nhiều quốc gia khác với Mỹ và NATO. Tình hình tại khu vực Mỹ La-tinh đang rất thuận lợi cho Nga, khi lãnh đạo hàng loạt quốc gia thuộc về phe cánh tả. Moscow hiện đang nỗ lực hết sức để tận dụng tình thế này.

Hoàng Hoài Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.