Thanh niên khu đền bù giải tỏa - Bài 2: Chỉ biết hôm nay

25/05/2009 14:31 GMT+7

Dù đi đâu, về đâu nhưng bạn trẻ ở khu giải tỏa này vẫn quay về chốn cũ để tụ tập... ăn chơi. Ngày hay đêm vẫn có thể bắt gặp các “tay chơi” trẻ la cà quán xá, tụ tập đua xe, chơi bài... Hỏi thì hầu hết đều nói: “Có tiền cha mẹ cho xài rồi, tương lai lo làm gì”.

Dù biết bạn trẻ trong phường còn thờ ơ với việc học nghề, tìm kiếm việc làm nhưng đoàn phường vẫn nỗ lực đến từng nhà vận động các bạn định hướng nghề nghiệp tương lai. “Trong khi đang rối ren, chờ nhận tiền rồi đi nên các bạn không ai chịu lắng nghe. Thậm chí mời họ đến những ngày hội việc làm, tôi còn phải đến nhà chở đi. Thông tin nhu cầu tuyển dụng việc làm luôn được chúng tôi cập nhật, phát thanh trên đài mỗi ngày nhưng hầu như chỉ một vài bạn quan tâm đến nhờ Đoàn giới thiệu”- Minh Tùng, bí thư Đoàn phường Thủ Thiêm, cho biết.

Học nghề miễn phí: miễn bàn!

Theo anh N.V.T. (P.An Khánh) và anh Thanh (P.Thủ Thiêm), dù biết hiện nay phường đang có chương trình hỗ trợ vay vốn cho thanh niên học nghề nhưng ít ai quan tâm. Họ nói: “Nhà nào cũng có một số tiền đền bù lớn, nếu con cái muốn đi học thì dư sức lo được. Hơn nữa mượn rồi lại mang nợ, dính vào làm giấy tờ thủ tục rắc rối lắm”. Khi được đề cập việc vay vốn học nghề, chuyển đổi nghề, anh Huỳnh Minh Tâm như ngớ người ra và thú thật không hề biết có chương trình này vì “có nghe ai nói gì đâu”.

Anh Nguyễn Văn Long tò mò hỏi: “Không biết trường hợp của tôi muốn vay vốn để học nghề sửa chữa điện thoại di động rồi mở tiệm làm có được không?”. Ở đường Cây Bàng, gia đình anh Sơn nhiều năm nay làm nghề may. Anh Sơn cho biết nhà anh không thiết tha lắm với chương trình vay vốn học nghề bởi “vay rồi sẽ rất khó trả”. “Anh em, con cháu trong nhà muốn học nghề gì thì gia đình trợ cấp cho đi học chứ không vay làm gì. Tới đâu tính tới đó, không có gì làm thì đi làm phụ hồ sống cũng được” - anh Sơn nói.

Hiếm hoi bạn trẻ đi học lái xe chuẩn bị cho tương lai ở Trung tâm dạy nghề Q.2-Ảnh: Nguyễn Nam

Chị Võ Thị Thu Vân (P.Thủ Thiêm) sau ba đợt nhận tiền đền bù gần 200 triệu đồng thì “của để dành” của chị hiện tại là một sổ tiết kiệm 50 triệu đồng và chiếc xe máy mới mua 13 triệu đồng. “Nhận lần đầu tui trả nợ gần hết, lần thứ hai mua được chiếc xe máy và mới đây tui gửi ngân hàng để lấy vốn đặng sau này làm ăn” - chị Vân cho biết. Muốn chuyển đổi nghề nhưng lại thiếu định hướng, chị Vân bày tỏ: “Tui đi bán đĩa nhạc mỗi ngày kiếm được năm đến sáu chục ngàn, bây giờ vay vốn đi học nghề thì biết học nghề gì đây?”.

Chủ tịch UBND Q.2 Lê Trọng Sang cho rằng đào tạo nghề cho bạn trẻ là vấn đề được lãnh đạo quận rất quan tâm, trong khi đó có đến 60% người trẻ được giới thiệu việc làm là... bạn trẻ nhập cư!

Ông Sang thông tin: “Chúng tôi đã đặt hàng trung tâm dạy nghề nghiên cứu đào tạo các nghề đáp ứng nhu cầu xã hội, chuẩn bị nguồn lực khi quận 2 trở thành khu trung tâm đô thị”.

Ông Lê Văn Tiến, trưởng Phòng Lao động - thương binh & xã hội quận 2, cho biết: “Thanh niên vùng giải tỏa của quận được học nghề miễn phí lại có thêm tiền sinh hoạt phí nhưng hầu như họ đều thờ ơ, không quan tâm”. Từ năm 2007 đến nay mới chỉ khoảng 30 trường hợp đến phòng xin xác nhận để về các nơi cư trú mới học nghề, trong đó có chừng bảy bạn đăng ký học tại Trung tâm Dạy nghề quận 2. Trong số đó, sáu bạn đã tốt nghiệp và có việc làm ngay vì đa số chọn nghề là nữ công, may, tin học...

Rồi ngày mai ra sao?

Tuấn Anh (P.An Khánh) có nhàbị giải tỏa thú thật: “Hôm bữa tôi đã xin vào làm ở công ty trong Khu công nghiệp Cát Lái nhưng làm mệt, giờ giấc cứ phải đúng y bon, lương chẳng bao nhiêu. Ở nhà có ba mẹ nuôi, mai mốt kiếm việc khác làm”. Rất nhiều bạn trẻ ở đây không quan tâm đến việc tìm cho mình một công việc để nuôi thân mà thường ỷ lại cha mẹ vừa có “cục tiền đền bù”. Có nhà còn sắm gần chục chiếc xe máy, mỗi người mỗi chiếc!

Bí thư Quận đoàn 2 Võ Minh Thanh Tùng cho biết: “Vùng giải tỏa của quận chiếm khoảng 40% diện tích với số lượng khoảng 20.000 người, tỉ lệ trong độ tuổi thanh niên khá cao. Chúng tôi đã cố gắng bám đối tượng bằng nhiều phương thức như tìm kiếm việc làm cho các bạn thông qua việc tổ chức các ngày hội việc làm, giới thiệu các bạn vay vốn nhưng hầu như không ăn thua.

Đa số các bạn có trình độ thấp nhưng đòi tìm việc mức lương cao. Cách tiếp thị việc làm tận nơi cho bạn trẻ vùng giải tỏa không hiệu quả, Đoàn đã chuyển hướng khác bằng cách lập các đội tình nguyện giúp các hộ dân di dời đến nơi ở mới, vận động mạnh thường quân trao học bổng đến các bạn khó khăn tiếp tục đến trường”.

Chúng tôi bắt gặp sự trăn trở về “hậu” giải tỏa của những người có trách nhiệm ở đây. “Không còn nhà, đất, không tìm nghề khác, chỉ cần hết tiền đền bù họ lại trở thành hộ nghèo ngay lập tức” - chị Minh Tùng chia sẻ.

Rồi đây khi một đô thị hiện đại mọc lên tại khu vực Thủ Thiêm, rất nhiều bạn trẻ trên địa bàn quận không đáp ứng được đòi hỏi cao của công việc sẽ bị gạt ra bên lề khu đô thị mà ngày trước là nơi chôn nhau cắt rốn của chính họ.

Kim Anh - nguyễn Nam/ Tuổi Trẻ

Bài 1: “Dân chơi Thủ Thiêm” thời rủng rỉnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.