Tuy nhiên, theo một cán bộ của Sở Tài nguyên – Môi trường thì số lượng CTNH còn lớn hơn nhiều lần vì hiện nay có nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đăng ký chủ nguồn CTNH.
Trước đây, Công ty TNHH Sông Xanh thu gom, xử lý CTNH cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tuy nhiên, từ khi công ty này bị đóng cửa đến nay (4.2008), việc thu gom, xử lý CTNH của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn vì không có đối tác xử lý, thu gom hoặc có nhưng chi phí rất cao. Trước thực trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra 2 phương án: Với doanh nghiệp có kho chứa bảo đảm yêu cầu (nền xi măng, tường bao quanh và mái che và đủ diện tích lưu giữ) thì CTNH phải được phân loại và lưu trữ tạm thời cho đến khi tìm được doanh nghiệp xử lý. Nếu lưu giữ trong kho quá 6 tháng phải đăng ký và định kỳ 6 tháng phải báo cáo với Sở. Trường hợp doanh nghiệp không có kho lưu giữ CTNH, phải tự tìm đối tác là những doanh nghiệp có chức năng để xử lý đúng quy định.
Một cán bộ của Công ty thép miền Nam cho biết: hàng tháng công ty có khoảng 1 tấn CTNH phát sinh nhưng tìm đối tác thu gom rất khó vì khối lượng ít. Như vậy, cứ 3 tháng là công ty này lại thuê một đối tác ở TP.HCM xuống tu gom, xử lý CTNH với chi phí rất cao.
Không có đối tác thu gom nên các doanh nghiệp phải tự quản lý mà phần đông là quản lý không đúng quy định như: Lưu giữ tạm thời tại các khu vực không bảo đảm nguyên tắc bảo vệ môi trường trong nhà máy với thời gian dài. Đáng chú ý nhất là CTNH lưu giữ chung với chất thải sinh hoạt hoặc giao cho doanh nghiệp không có chức năng xử lý...
UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã có chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp, tổ chức đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường. Thế nhưng, cho đến nay một số dự án về xử lý CTNH vẫn đang loay hoay do vướng mắc về thủ tục đầu tư, đặc biệt là việc thẩm định công nghệ của dự án và thỏa thuận địa điểm xây dựng.
Nguyễn Long
Bình luận (0)