Giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em: Vẫn là thách thức

28/05/2009 09:45 GMT+7

Chấp nhận tha phương, làm những việc nặng nhọc quá với lứa tuổi, sức khoẻ, trong khi đồng tiền công được trả thấp kém, rẻ mạt... là tình trạng phổ biến nhiều trẻ em phải đối mặt.

Bên cạnh số trẻ em tham gia làm kinh tế để phụ giúp gia đình thì ngày càng có nhiều em phải làm thuê, làm việc như người lớn để nuôi mình, nuôi gia đình.

Xu hướng tự kiếm sống tăng

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố gửi Bộ LĐTBXH vào tháng 12.2008, cả nước có 26.027 trẻ em phải tham gia vào các loại hình LĐ nặng nhọc, tiếp xúc với các chất độc hại. Tham gia vào các hoạt động nhằm xoá bỏ lao động trẻ em (LĐTE) từ năm 2001 tại VN, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại VN cho biết: Phần lớn TE phải bỏ học đi LĐ thường tham gia vào các hoạt động LĐ nông nghiệp, làng nghề. Các điều tra tại làng gốm Bát Tràng, gỗ Đồng Kỵ, làng vạn chài ở Huế, Quảng Ninh... là ví dụ. 

Ở khu vực thành thị, phổ biến TE làm giúp việc gia đình, phụ việc ở nhà hàng, cửa hàng, bán hàng rong, đánh giày, quét dọn và thu lượm phế thải... Một số TE là nạn nhân của sự bóc lột thậm tệ trong các mỏ vàng, khai thác gỗ, vận chuyển hàng hoá và một số công việc nguy hiểm khác như buôn bán, vận chuyển ma tuý... Không chỉ bị lạm dụng về sức khoẻ, LĐTE còn bị lạm dụng về thời gian LĐ, tâm lý (đánh, mắng khi làm việc) và tệ hơn là xâm hại tình dục.

ILO khảo sát, điều tra thì thấy, TE tham gia vào các hoạt động kinh tế dưới 4 hình thức: Làm kinh tế gia đình; vừa làm kinh tế gia đình, vừa làm thuê; làm thuê và tự kiếm sống. Điều đáng lưu ý là tỷ lệ trẻ em tự kiếm sống có xu hướng tăng, trong đó lứa tuổi phổ biến bị lạm dụng rơi vào trẻ từ 14-18 tuổi ngày càng tăng.

Vòng luẩn quẩn "đói-nghèo"

Theo ông Nguyễn Hải Hữu- Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng TE phải LĐ là do sự nghèo đói. Kinh tế khó khăn, nguy cơ có thêm hàng ngàn TE phải LĐ kiếm sống trong thời gian tới khó tránh khỏi. Nguyên nhân sâu xa là cơ hội và khả năng tiếp cận của TE đối với hệ thống giáo dục và dạy nghề còn hạn chế. Vì nghèo nên nhiều gia đình không đủ tiền cho con đến trường. Khi TE không được học, các em cũng bị tước bỏ cơ hội đào tạo nghề. Cái vòng luẩn quẩn-đói nghèo-thất học-LĐ không kỹ thuật-thu nhập thấp-đói nghèo vẫn tiếp diễn.

Theo ông Hữu: Giải quyết vấn đề LĐTE đòi hỏi chính sách đồng bộ và các mô hình can thiệp thích hợp, giám sát chặt chẽ. Để làm được điều này, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, sự tham gia tích cực của các cơ quan, ban ngành, cộng đồng xã hội, nhà trường của chính các em và gia đình.

Ngọc Lan/ Lao Động
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.