Cựu tù Guantanamo kể chuyện...

28/05/2009 10:43 GMT+7

Ngồi ăn bánh mì kẹp thịt và nước cam vắt ở Paris: một hạnh phúc bình dị mà sao đắt giá quá! Đã bảy năm bảy tháng người cựu tù Lakhdar Boumediene chưa một lần được ăn như vậy. Đã bảy năm bảy tháng ông chưa bao giờ được cùng gia đình ngồi ăn trong một quán ăn.

Đó là buổi sáng thứ hai 25-5, những tia nắng chói chang chiếu xiên ngang qua ô cửa kính một quán ăn ở ngoại ô Paris (Pháp), nơi Lakhdar Boumediene, 43 tuổi, đang tận hưởng ngày tự do đầu tiên vừa tìm lại được. “Tôi là một công dân bình thường” - ông cứ nhắc đi nhắc lại như để tự trấn an giờ đây tự do là điều có thật. Ngày 20-11-2008, một thẩm phán Mỹ đã bác bỏ mọi cáo buộc khép ông vào tội khủng bố, một sự nghi ngờ vô lối đã khiến ông bị bắt giữ và nhốt vào nhà tù Guantanamo từ tháng 1-2002 đến 15-5-2009.

Số tù của ông là 10005: “Tên tôi trong tù là vậy. Cứ thế mà người ta gọi tôi. Chứ chẳng bao giờ gọi là Jamais Lakhdar hay Boumediene cả. Để gọi cho nhanh hơn, bọn cai tù chỉ gọi là 10K5”. Ông đã bị chính quyền Bosnia trao cho người Mỹ vào tháng 12-2001, do Bosnia nghi ngờ ông âm mưu tổ chức cuộc tấn công vào Đại sứ quán Mỹ ở Sarajevo.

Mặt mày hốc hác, bộ râu bạc đã tỉa tót lại, mặc áo polo xám, hai tay áo xắn cao, quần trắng, hai mắt đen sậm, một kẻ thoát nạn như Lakhdar Boumediene chỉ còn nặng 58kg bởi: “Chỉ hơn hai năm, từ tháng 3-2006 cho đến khi các thẩm phán tuyên bố tôi vô tội, tôi đã sụt mất hơn 20kg”. Mới chỉ cách nay 10 ngày, tức là ngày 15-5, ông đã được đẩy lên một chiếc máy bay của không lực Hoa Kỳ, rời Cuba để đáp xuống căn cứ không quân Pháp Evreux (Eure).

Cuộc hành trình dài chín giờ, tay và chân bị còng, với 16 lính gác có vũ trang, cứ bốn lính gác một lần thay nhau canh giữ suốt chuyến bay. Ông bị ám ảnh gì không? Có chứ, đó là làm sao giải quyết một nhu cầu cấp bách như là đi vệ sinh.

“Tôi nhớ là trong chuyến bay qua Cuba trước đây, tôi không được quyền đi vệ sinh. Do đó, lần này tôi đã cảnh giác: tôi không ăn và cũng không uống gì cả trước chuyến bay”.

Là người có quốc tịch Algeria, Lakhdar được đón tiếp tại Pháp. Vợ và các con gái ông, sau khi ông bị bắt, đã trở về Algeria, và lần này trở qua Pháp với sự can thiệp của chính quyền Pháp. “Nhất là đừng quên cảm ơn Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, các đại sứ Pháp ở Washington và Alger, và lãnh sự Pháp ở Oran” - ông nhắc nhở họ.

Lúc này đây gia đình Boumediene chọn định cư tại Pháp. Lakhdar có thân nhân ở đây và như ông nói là đã gắn bó với văn hóa Pháp rồi. Có lẽ một ngày nào đó ông sẽ trở về Algeria, nhưng giờ chưa đến lúc để nghĩ ngợi xa xôi gì.

Lakhdar vừa ra khỏi Bệnh viện quân đội Percy de Clamart (Hauts-de-Seine) được ba giờ, và giờ ông đang tự do dạo chơi, tay cầm tay với người vợ yêu quý Abassia, hai cô con gái Radjaa 13 tuổi và Raham 8 tuổi, hai đứa con mà ông đã không thể nhìn ngắm chúng lớn lên ra sao. “Đúng là tôi đã không sao nhận ra các con của mình”.

Con người vừa rời khỏi địa ngục này giờ đang phải tập học lại từng cử chỉ đơn giản của cuộc sống. Thoát khỏi nhà tù Guantanamo, ông vẫn mang theo bộ áo tù của mình: một quần tây dài và một áo vest bằng vải kaki. Thoát khỏi trại tù số 6, nơi không có ánh sáng mặt trời và nơi khí lạnh làm xương cốt tê cóng do máy lạnh được bật lên tối đa.

Ông kể: “Sáng dậy lúc 5g rồi cầu kinh. Sau đó trở về phòng. 6g, lính gác đến và đưa vào một căn phòng. Họ cho ngồi trên ghế, tay và chân bị còng lại, và họ cho ăn bằng cách luồn một cái ống vào lỗ mũi”. Lakhdar không hề nói chuyện được với ai. Ông được hít thở khí trời mỗi ngày một lần, chưa tới một giờ, “có khi vào ban ngày, có khi ban đêm, tùy theo lượt của mình”, và không hề gặp người tù khác.

Cơn ác mộng đối với ông xảy ra vào tháng 2-2003. Bọn cai tù thẩm vấn ông liên tục. “Họ muốn biết thông tin về các hội từ thiện Hồi giáo ở Bosnia và về những người Ả Rập định cư ở Sarajevo, nhưng tôi hoàn toàn không biết gì về các việc này” - ông nói. Thế là, vào tháng 2-2003, bọn chúng lại thẩm vấn ông liên tục suốt 16 ngày 16 đêm: “Thẩm vấn bắt đầu từ lúc nửa đêm cho đến 5g sáng. Nghỉ vài giờ, rồi lại tiếp tục. Họ thay phiên nhau khoảng 6-7 người. Đến đêm thứ ba hay thứ năm gì đó, một bác sĩ quân y khám cho tôi và ông bảo với bọn cai ngục là mọi chuyện đều ổn cả và chúng có thể tiếp tục thẩm vấn tôi”.

Lakhdar Boumediene bị bắt giữ tại Sarajevo vào tháng 10-2001, cùng với bốn người Algeria khác, tất cả đều sống ở thủ đô của Bosnia. Ông đến Bosnia vào tháng 4-1997, nơi ông làm việc cho Hội Lưỡi liềm đỏ. Ông rời Saïda, Algeria năm 1990. Ông nói chắc: “Tôi muốn làm việc ở các nước vùng Vịnh, bởi vì tại Algeria tôi đã làm việc ở công ty ximăng, và công việc này không tốt cho sức khỏe của tôi”.

Sau một thời gian ở Sanaa, Yemen, ông đến sống hai năm tại Pakistan - năm 1991 và 1992 - không xa Peshawar, nơi ông chăm sóc trẻ mồ côi trong một trường học. Rồi ông trở lại Yemen, nơi ông bị kẹt bởi cuộc chiến tranh năm 1994 giữa Bắc và Nam Yemen. Tranh thủ thời gian này, ông ghi danh học ở Đại học Sanaa, trong khi vẫn theo các khóa học ở Trung tâm Văn hóa Pháp. Từ đó ông đi theo một người bạn ở Saïda qua Albania, nơi ông bắt đầu làm việc với Hội Lưỡi liềm đỏ, và sau đó hội phái ông đến làm việc ở Sarajevo.

Tháng 12-2000, nhân khi trở về Algeria thăm gia đình, ông bị cảnh sát triệu tập và thẩm vấn khi vừa rời phòng hải quan ở sân bay Algiers. Hộ chiếu bị tịch thu, ông buộc phải ở lại thủ đô để chờ các nhà điều tra xác minh sự việc.

Vào thời ấy, để rời Algeria và tham gia jihad, nhiều dân quân Hồi giáo Algeria đã tới các trại ở Afghanistan qua ngả Pakistan. Chính quyền Algeria nghi ngờ ông là một trong các chiến binh Hồi giáo ấy. Khoảng 5-6 ngày sau, họ trả lại hộ chiếu cho ông, nhưng sau khi đã cấp giấy ân xá cho ông, như chính quyền Algeria thường cấp cho các dân quân Hồi giáo quy phục. Ông thề: “Tôi chưa hề là dân quân Hồi giáo. Tôi tin rằng chắc là do nghi ngờ chuyện này mà người ta đã bắt giữ tôi lâu ngày như vậy”.

Danh sách các dân quân Hồi giáo Algeria đến Pakistan có được chuyển cho người Mỹ sau vụ khủng bố ngày 11-9 không? Không suy nghĩ nhiều, Lakhdar Boumediene trả lời là có chứ.

N.T.ĐA (Theo Le Monde) / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.