Điều khiển thiết bị điện tử bằng... ý nghĩ

28/05/2009 14:25 GMT+7

Đó là một ý tưởng táo bạo nhưng đã dần thành hiện thực của nhóm sinh viên MiMaS (ĐH Bách khoa Hà Nội), những người sẽ đại diện Việt Nam tranh tài tại cuộc thi thiết kế phần mềm Imagine Cup toàn cầu tại Ai Cập vào đầu tháng 7 tới.

Giúp trẻ bại liệt

"MiMaS là tên của một hành tinh khuyết, một hình ảnh đẹp trong vũ trụ nhưng chưa hoàn hảo. Hình ảnh này cũng như các em bé bị bại liệt, khuyết tật. Nhóm mong muốn có thể giúp đỡ, bù đắp lại phần bị khuyết ấy cho các em" - Đó là lý do mà nhóm sinh viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội đặt tên đội tuyển của mình là MiMaS khi tham gia cuộc thi Imagine Cup VN 2009 do Hội Tin học VN và Microsoft tổ chức. MiMaS gồm 4 thành viên: Trần Tuấn Anh, Tạ Quang Dũng, Ngô Văn Mạnh (khoa Công nghệ thông tin) và Phạm Quốc Vinh (khoa Điện tử viễn thông).

Toàn bộ hệ thống được chia thành 4 phân hệ con: phân hệ dành cho bệnh nhân, phân hệ dành cho bác sĩ, phân hệ dành cho gia đình bệnh nhân và phân hệ dành cho cộng đồng xã hội. Hệ thống này có thể quan sát được tình trạng bệnh nhân liệt 24/24, giúp họ điều khiển các thiết bị điện tử phục vụ sinh hoạt một cách tự động bằng ý nghĩ, hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán và theo dõi chăm sóc bệnh nhân từ xa, cảnh báo các trường hợp bất thường của bệnh nhân với gia đình và bác sĩ, tạo cộng đồng chia sẻ thông tin giúp đỡ với bệnh nhân...

Quá trình thực hiện đề tài của nhóm diễn ra trong vòng 6 tháng với lịch làm việc khá căng thẳng và khẩn trương vì có rất nhiều vấn đề cần phải vừa tìm hiểu vừa thực hiện. Do hệ thống đòi hỏi nhiều kiến thức y sinh nên nhóm gặp nhiều khó khăn ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ về mặt ý tưởng và kỹ thuật của các chuyên gia nên mọi công việc cũng dần ổn định.

Nhắm mắt thì đèn sẽ tắt...

Một ý tưởng đặc biệt trong hệ thống chăm sóc sức khỏe trẻ em liệt mà nhóm MiMaS tập trung nghiên cứu là phát triển hệ thống thu nhận tín hiệu từ sóng não và phân tích suy nghĩ của con người. Từ đó có thể cho phép con người điều khiển thiết bị điện tử, robot... thông qua ý nghĩ. Nhóm MiMaS thừa nhận đây là một thử thách lớn đối với nhóm và cũng là một vấn đề khó đang được nghiên cứu trên thế giới. "Tuy nhiên, bằng việc kết hợp các lý thuyết về sóng não, nhóm hoàn toàn tự tin trong việc có thể sử dụng ý nghĩa của các sóng não giúp người dùng điều khiển các thiết bị điện tử. Hiện tại, nhóm đã có thể điều khiển tắt mở đèn, hay đóng mở nguồn điện thông qua các sóng não từ việc quy định với người dùng về ý nghĩa của các "key" (khóa), ví dụ: mỗi khi nhắm mắt thì đèn sẽ tắt, mở mắt thì đèn sẽ bật" - Tạ Quang Dũng, thành viên của nhóm cho biết.

Trong cuộc thi Imagine Cup toàn cầu sắp tới, nhóm dự định mở rộng khả năng xử lý của hệ thống bằng việc nắm bắt nhiều "key" hơn để thiết lập các giá trị hành động tương ứng. Hiện tại, một hệ thống thử nghiệm hoàn chỉnh đã được hoàn thành, nhưng vì giá thành các linh kiện tốt rất đắt nên các thiết bị mới chỉ triển khai với các linh kiện rẻ tiền. MiMaS mong muốn: "Có thể áp dụng thực tế thì cần thêm sự đầu tư, giúp đỡ của các đơn vị liên quan, để hệ thống sẽ tiếp tục được phát triển hoàn thiện đúng như với cái tên và mục đích ban đầu của nhóm".

Và trước cuộc thi Imagine Cup toàn cầu, một lần nữa nhóm MiMaS phải "chiến thắng chính mình" để bước qua thành công ban đầu và chinh phục những đỉnh cao mới...

Tố Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.