Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII: Rút ngắn thủ tục đầu tư xây dựng

28/05/2009 23:34 GMT+7

* Đấu thầu và chỉ định thầu * Đề nghị cấp một giấy chứng nhận cho cả nhà và đất Hôm qua 28.5, Chính phủ đã trình QH dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến các luật đầu tư xây dựng cơ bản (gồm Luật Xây dựng, Đấu thầu, Doanh nghiệp, Bảo vệ môi trường, Đất đai và Luật Nhà ở).

Mục đích nhằm tháo gỡ vướng mắc gây trở ngại cho công tác đầu tư xây dựng cơ bản. Với sửa đổi này, Chính phủ đề nghị phân cấp mạnh cho chủ đầu tư trong đấu thầu, mở rộng diện chỉ định thầu và cấp một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, thay cho “sổ đỏ” và “sổ hồng”.

Để tìm hiểu thêm ý nghĩa của việc sửa đổi lần này, phóng viên Thanh Niên đã trao đổi với ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH về các nội dung sửa đổi dự án luật trên.

Ảnh: N.Đ.Toán

“Chỉ định thầu hay đấu thầu thì vấn đề cốt lõi nhất vẫn là trách nhiệm và lương tâm của mỗi cá nhân, còn nếu mà trách nhiệm và lương tâm của mỗi tổ chức, cá nhân không đầy đủ thì chỉ định thầu cũng phát sinh nhiều vấn đề và đấu thầu cũng phát sinh nhiều vấn đề” - Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên
* Thưa ông, lần sửa đổi này có giải quyết được tận gốc vấn đề cải cách thủ tục trong lĩnh vực đầu tư xây dựng?

- Cái gốc thì có thể chưa giải quyết dứt điểm được vì nó còn tùy thuộc vào việc bố trí cán bộ, tổ chức bộ máy của các địa phương. Cải cách thủ tục hành chính là một cái chung, lần sửa luật này chỉ tập trung đến cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Ví dụ như trong khâu tổ chức đấu thầu, trước đây thủ tục có thể nhiều, nay rút gọn. Khi chưa sửa luật, người quyết định đầu tư mới có quyền điều chỉnh dự án, nguyên thủ tục lập rồi trình báo đến người có quyền quyết định đã là bao nhiêu thời gian nhưng nay cho phép chủ đầu tư được điều chỉnh dự án, trừ những trường hợp điều chỉnh có ảnh hưởng lớn đến dự án thì người quyết định đầu tư mới phê duyệt. Chỉ một việc như thế đã là tiết kiệm được biết bao thời gian rồi.

* Phát biểu trên hội trường, có đại biểu cho biết, từ khâu chuẩn bị đến khi khởi công một dự án phải có đủ 41 con dấu. Lần sửa đổi này có khắc phục được tình trạng này?

- Những con số cụ thể như vậy còn phụ thuộc vào từng dự án, nhưng mà với quy định chỉnh sửa thì thủ tục chuẩn bị đầu tư hay đấu thầu sẽ được đơn giản hóa đi rất nhiều.

Ảnh: Thanh Sơn

“Quan điểm của tôi là phải đấu thầu rộng rãi, chỉ định thầu chỉ áp dụng cho các trường hợp thật đặc biệt, xử lý tình huống. Không nên lạm dụng chỉ định thầu” - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng

* Vì sao trong phiên họp gần đây nhất của Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ không trình nội dung cấp một giấy chứng nhận thay cho “sổ đỏ” và “sổ hồng”, nhưng hôm nay (28.5) Chính phủ lại đưa nội dung này xin ý kiến QH?

- Ban đầu muốn sửa đổi tập trung cho những nội dung liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến cho rút gọn lại các nội dung trình. Nhưng nhận thấy, việc cấp một giấy thay cho hai giấy là vấn đề đã được QH ra nghị quyết cách đây gần hai năm, bản thân nó cũng liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, liên quan đến xác định giá trị đất đai, tài sản, liên quan đến việc thực hiện quyền thế chấp của chủ sở hữu. Đưa điều này vào dự án là phù hợp, xét ở cả hai phương diện liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản và thực hiện Nghị quyết của QH và đây là chủ trương mà nhân dân đang mong muốn.

* Nếu được QH thông qua, việc gộp hai giấy thành một giấy có được triển khai ngay hay lại giống như việc QH đã có nghị quyết cách đây hai năm nhưng hiện tại vẫn giậm chân tại chỗ?

- Cái đó còn tùy thuộc vào khâu tổ chức thực hiện. Luật sửa đổi cũng đã thiết kế theo hướng, sau khi được QH thông qua thì được thực hiện ngay. Ví dụ như việc giao cho cơ quan làm đầu mối cấp giấy đã được ghi rất rõ trong luật. Cơ quan đầu mối có trách nhiệm hướng dẫn trực tiếp việc triển khai thực hiện.

Chế tài trong xây dựng cơ bản chưa đủ mạnh

 Ảnh: L.Q.P

“Về nguyên tắc, sửa đổi luật là để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Chắc chắn các điều luật liên quan sau lần sửa đổi này sẽ thông thoáng hơn, đó là điều tốt. Nhưng có thể nó cũng sinh ra những vấn đề chẳng hạn như tham ô, lãng phí, thất thoát, rút ruột công trình. Cái này thì phải có chế tài để quản lý, chúng ta có nhiều quy định rồi, nhưng chưa đủ mạnh để buộc cho các chủ đầu tư cũng như nhà thầu phải có trách nhiệm trong đấu thầu, chỉ định thầu, thi công và bảo dưỡng công trình, tránh trường hợp những người kiểm soát việc đấu thầu, thi công và nghiệm thu công trình có những động cơ thiếu trong sáng. Tôi cho lần sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản lần này là rất cần thiết, vì yêu cầu thực tiễn cấp bách lắm rồi. Chẳng hạn, hiện tại người ta tính ra để cho một dự án xây dựng hoàn chỉnh thì phải cần đến 33 loại thủ tục và thời gian hoàn chỉnh có khi phải mất đến 3 năm. Tuy nhiên, đây là một việc làm không dễ dàng vì nó động chạm đến nhiều luật khác quá. Lúc đầu, Quốc hội dự định là sửa 15 luật liên quan, nhưng sau đó thì chỉ xem xét có 6 luật thôi” - ĐB Lê Quốc Dung, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH

L.Q.P (ghi)

Không sửa gốc, thì ngọn không sửa được!

 Ảnh: L.Q.P

“Xây dựng cơ bản thường đi qua ba công đoạn cơ bản đó là chuẩn bị dự án, triển khai xây dựng và hoàn công, quyết toán công trình. Công đoạn đầu tiên là tắc nghẽn nhất, gồm từ trình duyệt dự án, chọn được nhà thầu. Quy trình này vướng ở hai luật là Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu. Lần sửa này tập trung vào hai luật này. Từ những cái sửa này mới dẫn đến những nghị định liên quan. Ngoài ra, các địa phương còn ban hành một loạt các quy định nữa.

Những cái gì vướng luật phải sửa trước, không sửa gốc, thì ngọn không sửa được. Tôi cho rằng, nếu được thông qua và áp dụng từ 1.8.2009 sẽ tạo nhiều thuận lợi cho lĩnh vực này. Sửa luật lần này mới tập trung công đoạn đầu đó là thủ tục, rút ngắn thủ tục; còn những vấn đề liên quan đến các công đoạn sau chưa làm ngay được, chắc là phải chuẩn bị một thời gian nữa. Chúng ta đang gỡ, và gỡ thì phải đi liền với tăng cường quản lý”TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh.

L.Q.P (ghi)

Giấy tờ cũ vẫn có giá trị

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: “Tất cả những gì là tinh túy của Luật Đăng ký bất động sản đều đã đưa cả vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản”.

Bộ trưởng Cường cho biết, hiện nay các cơ quan đã bắt tay vào việc xây dựng mẫu sổ mới, nếu được QH thông qua sẽ ban hành ngay. Khi cấp một giấy chứng nhận thay cho “sổ đỏ” và “sổ hồng” thì “tất cả các giấy tờ từ trước đến nay vẫn có nguyên giá trị pháp lý. "Luật có quy định, khi tài sản được mang ra giao dịch thì người nhận chuyển nhượng được cấp theo quy định mới (1 giấy thay cho 2 giấy - PV)” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói. (X.T)

Phân định trách nhiệm về  nội dung phim truyền hình

Cùng ngày 28.5, QH đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh và thảo luận tổ về dự án Luật Di sản văn hóa. Ở Luật Điện ảnh, các ĐBQH đã tập trung thảo luận về quy định nhập khẩu phim nước ngoài, phân định trách nhiệm quản lý nội dung phim phát sóng trên truyền hình.

Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị, dự luật cần phải làm rõ được trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc quản lý phim phát sóng. (X.T)

Xuân Toàn (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.