Chính phủ đề nghị tăng mức trần học phí đại học

30/05/2009 10:53 GMT+7

* Chính phủ trình Quốc hội Đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục (TNO) Trong Đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009 - 2014 trình bày trước Quốc hội (QH) sáng nay (30.5), Chính phủ đề nghị tăng mức trần học phí ĐH năm 2009 từ 180.000 đồng lên 255.000 đồng/tháng; còn ở bậc giáo dục phổ thông và mầm non, mức đóng góp tùy theo thu nhập của gia đình nhưng không vượt quá 6% thu nhập.

8 nhóm giải pháp đổi mới về tài chính

Chính phủ đã đưa ra 8 bất hợp lý của cơ chế tài chính để thuyết phục QH cho được thay đổi, đó là: Ngành giáo dục không có điều kiện đánh giá hiệu quả chi ngân sách của Nhà nước cho giáo dục, các cơ quan quản lý giáo dục và nhân dân không đánh giá được chất lượng giáo dục tương quan với chi của Nhà nước và người dân cho giáo dục. Ở bất cập này, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Các trường không công khai cam kết chất lượng giáo dục, không công bố đánh giá thực tế chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục đào tạo”.

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bất cập thứ hai là định mức phân bổ ngân sách cho giáo dục chưa gắn chặt với các tiêu chí đảm bảo chất lượng đào tạo, chưa làm rõ trách nhiệm chia sẻ chi phí đào tạo giữa Nhà nước và người học ở giáo dục nghề, về cơ bản vẫn mang nặng tình bình quân.

Bất hợp lý thứ ba được Chính phủ cho là, trong 10 năm qua từ 1999 - 2008, tổng sản phẩm nội địa bình quân đầu người ở nước ta tăng 4,7 lần; lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước tăng 1,86 lần và ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục tăng 5,8 lần; quy mô học sinh học nghề, trung cấp chuyên nghiệp, sinh viên cao đẳng, đại học tăng 2,3 lần, chỉ số giá cả tiêu dùng tăng gấp 2 lần. Do mất giá của đồng tiền, nên học phí đại học 180.000 đồng/tháng năm 2008 chỉ có giá trị 90.000 đồng/tháng so với năm 1998 khi khung học phí được ban hành. “Khung học phí 10 năm không thay đổi dẫn đến hậu quả tổng nguồn lực của đất nước huy động cho giáo dục và đào tạo vẫn rất hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, gây bất hợp lý thêm trong hệ thống giáo dục” - người đứng đầu ngành giáo dục cho biết…

Chính phủ lập luận: “Với mức học phí đại học 180.000 đồng/tháng, chi phí đào tạo cho 4 hoặc 5 năm học, người học phải trả là 7,2 triệu đến 9 triệu đồng, trong khi ra trường ngay năm đầu tiên đi làm, thu nhập đã từ 1,2 triệu - 3 triệu đồng/tháng. Sau khi ra trường, chỉ từ 3 đến 8 tháng lương đã bằng toàn bộ học phí”…

Chính phủ trình QH 8 nhóm giải pháp đổi mới cơ chế tài chính giáo dục: Nhóm giải pháp thứ nhất là đổi mới phương thức xây dựng và giao kế hoạch ngân sách, cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước cho các mục tiêu giáo dục. Ở nhóm giải pháp thứ hai, Chính phủ cho biết sẽ xác định trách nhiệm và quyền hạn hợp lý của các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương trong việc lập và thực hiện kế hoạch ngân sách giáo dục.

Sáu nhóm giải pháp tiếp theo, lần lượt là: xây dựng cơ chế thích hợp để huy động các nguồn lực cho giáo dục; đổi mới chính sách học phí và hỗ trợ người học; đổi mới chính sách đối với giáo viên; trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong quản lý tài chính; giám sát tài chính giáo dục; xác định học phí và hỗ trợ của Nhà nước và địa phương.

Học phí phổ thông không vượt quá 6% thu nhập

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, mức học phí được phân biệt giữa các chương trình đào tạo đại trà và chương trình đào tạo chất lượng cao. Cụ thể, đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông (trung học cơ sở và trung học phổ thông), Phó thủ tướng khẳng định: “Học phí không là gánh nặng tài chính đối với gia đình người học, đảm bảo học phí và các khoản chi cần thiết cho việc học tập không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình”. “Với các hộ dân có thu nhập rất thấp, nếu 6% thu nhập chưa đảm bảo chi đủ cho các nhu cầu như dụng cụ học tập, sách giáo khoa, quần áo đồng phục… thì Nhà nước hỗ trợ thêm, ngoài việc miễn học phí” - Phó thủ tướng cho biết.

Học phí đối với giáo dục nghề nghiệp từ bậc sơ cấp đến bậc trung cấp, cao đẳng và đại học được thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí giữa Nhà nước và người học, học phí phải đảm bảo đủ bù đắp chi phí tiền lương. Đề án đề xuất: “Mức học phí ở các trường phổ thông chuyên thực hiện theo quy định chung của địa phương, không cao hơn các trường phổ thông đại trà khác trên địa bàn. Các trường dân tộc nội trú được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ toàn bộ chi phí hoạt động, người học không phải đóng học phí”.

Chính phủ cũng đề nghị, học phí đào tạo hệ vừa làm vừa học phải đảm bảo bù đắp chi phí thường xuyên tối thiểu và không vượt quá 150% mức học phí chính quy cùng cấp học và các nhóm ngành nghề đào tạo. Học phí của các cơ sở giáo dục ngoài công lập và của nhà đầu tư nước ngoài, Phó thủ tướng nói: “Các cơ sở này được tự quyết định mức thu học phí, nhưng phải thực hiện 3 công khai: chất lượng đào tạo, nguồn lực đào tạo và tài chính đóng thuế theo quy định”.

Trong Đề án, Chính phủ yêu cầu, hàng năm cơ sở đào tạo công lập, ngoài công lập phải công bố công khai cho người học biết trước khi tuyển sinh.

Trong khi trình bày Đề án, Phó thủ tướng đã dành nhiều thời gian để giải thích những ý kiến khác nhau trong quá trình góp ý cho Đề án. Phó thủ tướng cho biết: “Quan điểm của Đề án về công bằng xã hội trong việc đóng học phí đối với giáo dục phổ thông và mầm non là gia đình có thu nhập thấp thì đóng góp ít hơn là gia đình có thu nhập cao nhưng đều không vượt quá 6%”.

Giải thích về việc không miễn phí hết học phí cho giáo dục trung học cơ sở, trong khi tiểu học lại được miễn phí, Phó thủ tướng cho rằng: “Nếu miễn hết học phí cho học sinh trung học cơ sở thì sẽ hụt chi giáo dục trung học cơ sở khoảng 2.046 tỉ đồng. Tức là nếu miễn hết học phí trung học cơ sở trong điều kiện ngân sách giáo dục không tăng tương ứng thì quy mô giáo dục trung học cơ sở sẽ giảm 852.000 học sinh”.

Phó thủ tướng cũng cho biết, việc tăng thêm 75.000 đồng (từ 180.000 đồng lên 255.000 đồng/tháng) vào học kỳ I năm học 2009 - 2010 thực ra mới bằng ½ mức mất giá của đồng tiền vào năm 2008 so với năm 2000. Và “nếu Nhà nước tăng mức cho sinh viên vay để học từ 800.000 đồng/tháng lên 900.000 đồng/tháng thì sinh viên có thể trả được mức tăng học phí này mà không gây xáo động về tài chính” - Phó thủ tướng trấn an.

Khung học phí đại học trần của các nhóm ngành đào tạo đại trà giai đoạn 2009 - 2014

Đơn vị: Nghìn đồng/tháng/sinh viên

 

Khung học phí của trung cấp nghề và cao đẳng nghề trần của các nhóm nghề đào tạo đại trà giai đoạn 2010 - 2014

Đơn vị: Nghìn đồng/tháng/học sinh

 

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.