Chưa được... khai sinh
Hiện tại, công tác CH-CN trên địa bàn TP rất đa dạng, nhiều ngành thực hiện theo từng lĩnh vực mình phụ trách nhưng đáng lo là thiếu một đơn vị chủ trì có thể cùng một số sở, ngành tạo thành một với ê kíp thường trực CH-CN.
Cần thiết có một quy chế phối hợp về CH-CN trên địa bàn TP nhằm chỉ rõ nhiệm vụ của từng đơn vị để phối hợp nhịp nhàng, chủ động xử lý các tình huống CH-CN. Đồng thời, phải quy định rõ chức năng nhiệm vụ của đơn vị chủ trì cũng như trang bị đủ các phương tiện chuyên dụng đáp ứng được yêu cầu của công tác CH-CN trên địa bàn TP.
Theo thói quen, mỗi khi gặp phải các sự cố, tai nạn, người dân thường gọi 114 - nhờ sự can thiệp của Sở Cảnh sát PCCC TPHCM. Đơn vị này, từ khi được thành lập (tháng 10-2006) đến nay đã xử lý 158 vụ CH-CN, cứu 41 người đang bị đe dọa đến tính mạng, cứu sống 50 người trong cơn bão số 9 (năm 2006), lặn tìm 73 thi thể nạn nhân ở các sông…
Như vậy, ngoài nhiệm vụ PCCC và CH-CN trong đám cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC thực hiện đồng thời công tác CH-CN trong một số trường hợp khác.
Theo thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy, CH-CN (Sở Cảnh sát PCCC TP), dù lực lượng của sở đã thực hiện hàng trăm vụ CH-CN nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản pháp luật nào quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn… của lực lượng CH-CN. Rõ ràng, lực lượng này đang thiếu hẳn cơ sở pháp lý để hoạt động “danh chính ngôn thuận”.
Không chỉ thiếu cơ sở pháp lý, lực lượng CH-CN thuộc Sở Cảnh sát PCCC còn thiếu cả số lượng lẫn chất lượng các phương tiện chuyên dùng cho CH-CN trên cao, dưới nước, cứu sập.
Toàn Sở Cảnh sát PCCC có… 1 xe cứu hộ, 1 xe cứu thương tập trung ở Đội CH-CN (Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy). Còn 13 tiểu đội (khoảng 7 người/tiểu đội) CH-CN thuộc các phòng cảnh sát PCCC quận, huyện và Phòng Cảnh sát PCCC trên sông thì không có xe cứu hộ, xe cứu thương mà chỉ có một số phương tiện CH-CN tối thiểu như khí tài phòng độc, dụng cụ thủy lực, đệm hơi, quần áo lặn…
Hơn nữa, số lượng các Phòng Cảnh sát PCCC quận, huyện còn thiếu, chưa phủ khắp các quận, huyện trên địa bàn TP nên lực lượng CH-CN phải “ôm” nhiều địa bàn, mất nhiều thời gian di chuyển đến những địa bàn ở xa trụ sở.
Trong khi đó, chế độ, bồi dưỡng cho lực lượng CH-CN cũng chưa có; Sở Cảnh sát PCCC phải vận dụng chế độ cho CB-CS đi chữa cháy để bồi dưỡng cho anh em CH-CN.
Chưa thống nhất, đồng bộ
TPHCM chưa có một đơn vị sở ngành nào chịu trách nhiệm CH-CN và làm đầu mối, chủ trì việc CH-CN khi có liên quan đến nhiều ban, ngành nên khi xảy ra sự cố nghiêm trọng, có liên quan đến nhiều ngành, cần nhiều lực lượng cùng tham gia thì công tác phối hợp giữa các lực lượng CH-CN của các ban ngành bộc lộ nhiều hạn chế.
Ngày 30-12-2008, công trình xây dựng cao ốc văn phòng CR4-1 (quận 7) xảy ra sập giàn giáo của tầng thứ 5 khi đang đổ bê tông. Nhận được tin báo, Sở Cảnh sát PCCC xuất quân đi CH-CN, đồng thời báo cáo với lãnh đạo TP.
Tại hiện trường, ngoài lực lượng CH-CN của Cảnh sát PCCC thì chưa thấy cơ quan ban ngành nào tham gia. Trước tình hình đó, lãnh đạo TP giao Sở Cảnh sát PCCC làm đơn vị chủ trì, huy động cần cẩu, máy khoan… của khu đô thị Phú Mỹ Hưng và các đơn vị khác để cứu người bị thương và đưa 2 thi thể nằm sâu dưới đống bê tông dày gần 2m ra ngoài.
Trước đó, ngày 20-11-2008, tấm ô văng của chung cư – Trung tâm thương mại Eden (quận 1) đổ sập xuống lề đường. Vụ việc được coi là nhiệm vụ của ngành xây dựng nhưng người dân lại gọi lực lượng CH-CN của Sở Cảnh sát PCCC nên đơn vị này… làm luôn!
Ngoài ra, trong các sự cố tại cầu Chợ Đệm (Bình Chánh), sập cần cẩu ở công trình xây dựng Center Tower (quận 1)… cũng vậy.
“Do chưa có quy chế quy định rõ ràng nên khi nhận được yêu cầu can thiệp của người dân, chúng tôi đều xuất quân đi, đồng thời báo cáo với lãnh đạo TP. Sau đó, lãnh đạo TP sẽ phân công một đơn vị nào đó - như Sở Cảnh sát PCCC chẳng hạn - đứng ra làm đầu mối, tham mưu, chịu trách nhiệm chính thực hiện CH-CN. Lúc đó, Sở Cảnh sát PCCC mới có thể huy động lực lượng, phương tiện của các đơn vị khác như công an, y tế, hội chữ thập đỏ, giao thông, xây dựng… cùng CH-CN. Hiện tại, không có chỉ đạo của TP thì sẽ không biết đơn vị nào chủ trì. Các sở ngành đều ngang hàng nhau, không ai “chỉ đạo” được ai. Như vậy sẽ rất hạn chế trong việc phối hợp CH-CN, thậm chí có thể rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc” và ảnh hưởng đến tiến độ CH-CN” - thượng tá Lê Tấn Bửu, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP, chia sẻ.
Theo Đường Loan / Sài Gòn Giải Phóng
Bình luận (0)