Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự luật có 8 chương và 81 điều. Khoản 11 Điều 5 Dự án Luật quy định: cấm "công chức, viên chức y tế thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý điều hành bệnh viện (BV) tư nhân, BV thuộc các hình thức sở hữu khác, trừ trường hợp công chức, viên chức y tế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành BV thuộc các hình thức sở hữu khác mà Nhà nước có phần góp vốn tại BV đó".
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết điều này "phù hợp với quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở nước ta”.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, hiện nay, đời sống của thầy thuốc, nhân viên y tế làm việc trong khu vực Nhà nước còn gặp rất nhiều khó khăn, cán bộ y tế có tay nghề cũng muốn làm thêm (cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) và người dân cũng thật sự có nhu cầu. Do vậy, nên cho phép họ được thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý điều hành các hình thức hành nghề KCB tư nhân khác để tận dụng chất xám, kinh nghiệm và phát huy năng lực chuyên môn của thầy thuốc, nhân viên y tế, đáp ứng với nhu cầu KCB ngày càng cao của nhân dân; đồng thời giúp họ có điều kiện tăng thêm thu nhập cho gia đình, yên tâm công tác, góp phần nâng cao y đức và hạn chế việc dịch chuyển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao từ khu vực Nhà nước sang khu vực tư nhân.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho biết, về quy định công chức, viên chức y tế hành nghề KCB tư nhân, khi Ủy ban thẩm tra dự luật, có 2 loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất: Nhất trí với dự thảo Luật, quy định chỉ cấm “Công chức, viên chức y tế thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý điều hành BV tư nhân”. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị quy định như Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân hiện hành (cấm cán bộ, công chức đăng ký hành nghề y, dược tư nhân từ ngày 31.12.2010), với lý các do: nếu tiếp tục để cán bộ y tế Nhà nước vừa làm công vừa làm tư như hiện nay sẽ tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa y tế Nhà nước và tư nhân. Những cơ sở KCB tư nhân sẽ rất khó khăn trong việc cạnh tranh với cơ sở y tế nửa công nửa tư như hiện nay. Và quy định như vậy có nghĩa là không cấm cán bộ y tế nhà nước làm thêm ngoài giờ để tận dụng chất xám của cán bộ y tế trong việc KCB, vì họ vẫn được hành nghề tại các cơ sở KCB tư nhân trên cơ sở hợp đồng lao động.
Điều 25 Dự án Luật quy định: thẩm quyền cấp mới, cấp lại, gia hạn và thu hồi chứng chỉ hành nghề là Bộ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế và quy định việc thành lập Hội đồng tư vấn với sự tham gia của đại diện của tổ chức xã hội nghề nghiệp về y, hội luật gia, cơ sở đào tạo y khoa, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và một số tổ chức xã hội khác để tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế trong việc cấp mới, cấp lại, gia hạn, thu hồi chứng chỉ hành nghề.
Theo Báo cáo thẩm tra, cũng có hai loại ý kiến về vấn đề này. Loại ý kiến thứ nhất: Đồng ý với Dự luật. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị thành lập Hội đồng hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, Hội đồng này được Bộ trưởng Bộ Y tế giao quyền thực hiện việc cấp mới, cấp lại, gia hạn, thu hồi chứng chỉ hành nghề.
Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH đề nghị Ban soạn thảo làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn của việc lấy mốc 100 giường bệnh trở lên (đối với bệnh viện tư nhân) làm cơ sở cho thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ trưởng Bộ Y tế. ”Dự thảo Luật đã giao cho Sở Y tế được quyền cấp giấy phép cho BV tuyến tỉnh (nhiều BV có tới gần 1.000 giường), vậy lý do gì BV tư nhân hơn 100 giường lại phải trình Bộ Y tế ?” - Chủ nhiệm Trương Thị Mai đặt câu hỏi.
Ngoài ra, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH còn đề nghị Dự luật nên quy định tiêu chuẩn quốc gia về chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thống nhất trong cả nước; trên cở sở các tiêu chuẩn quốc gia, Bộ trưởng Bộ Y tế và Giám đốc Sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề. Như vậy chứng chỉ có giá trị toàn quốc.
Theo chương trình, chiều ngày 4.6, QH sẽ thảo luận tại tổ về dự án luật trên.
Xuân Toàn
Bình luận (0)