Nhiều hệ lụy nếu bác sĩ “công” quản lý phòng khám tư

31/05/2009 01:05 GMT+7

Một trong những nội dung quan trọng mà Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật khám chữa bệnh, trình QH ngày hôm qua 30.5 đưa ra là làm rõ hơn về quy định “ chân trong chân ngoài ” của công chức, viên chức y tế.

Giải trình về quy định này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho rằng, cho phép bác sĩ được thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý điều hành các hình thức hành nghề khám - chữa bệnh (KCB) tư nhân sẽ tận dụng được chất xám, kinh nghiệm và phát huy năng lực chuyên môn của thầy thuốc, nhân viên y tế, đáp ứng với nhu cầu KCB ngày càng cao của nhân dân, mặt khác giúp họ có điều kiện tăng thêm thu nhập cho gia đình, yên tâm công tác, góp phần nâng cao y đức và hạn chế việc dịch chuyển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao từ khu vực Nhà nước sang khu vực tư nhân. 

Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên, Ủy viên UBTVQH - Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Đào Trọng Thi cho biết: “Các cơ sở KCB rất phong phú và đa dạng, có nhiều cơ sở KCB quy mô không khác gì so với bệnh viện, nếu quy định như dự luật sẽ không thuận lợi, công việc của bác sĩ ở bệnh viện sẽ bị ảnh hưởng vì phải tham gia quản lý ở phòng khám, rồi phòng khám chữa bệnh sẽ ăn theo bệnh viện”.

Theo ông Thi, nhập nhằng ở chỗ họ có thể lấy tư cách bác sĩ ở trong bệnh viện để đưa bệnh nhân của bệnh viện ra khám ở phòng khám của mình, và cũng có thể đưa bệnh nhân ở phòng khám của họ vào bệnh viện để sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao (trong bệnh viện, chắc chắn thiết bị tốt hơn). Như vậy nó tạo ra một quan hệ không rõ ràng, minh bạch giữa phòng khám của tư nhân với cơ sở y tế mà họ là cán bộ. 

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.