Hôm qua 30.5, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009 – 2014.
Trong đề án này, Chính phủ đã kiến nghị 8 nhóm giải pháp đổi mới cơ chế tài chính giáo dục. Nhóm giải pháp thứ nhất là đổi mới phương thức xây dựng và giao kế hoạch ngân sách, cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước cho các mục tiêu giáo dục. Ở nhóm giải pháp thứ hai, Chính phủ cho biết sẽ xác định trách nhiệm và quyền hạn hợp lý của các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương trong việc lập và thực hiện kế hoạch ngân sách giáo dục. Sáu nhóm giải pháp tiếp theo, lần lượt là: xây dựng cơ chế thích hợp để huy động các nguồn lực cho giáo dục; đổi mới chính sách học phí và hỗ trợ người học; chính sách đối với giáo viên; trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong quản lý tài chính; giám sát tài chính giáo dục; xác định học phí và hỗ trợ của Nhà nước và địa phương.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, đề án đưa ra mức học phí phân biệt giữa các chương trình đào tạo đại trà và chương trình đào tạo chất lượng cao. Đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông (trung học cơ sở và trung học phổ thông), Phó thủ tướng khẳng định: “Học phí không là gánh nặng tài chính đối với gia đình người học, đảm bảo học phí và các khoản chi cần thiết cho việc học tập không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình”. “Với các hộ dân có thu nhập rất thấp, nếu 6% thu nhập chưa đảm bảo chi đủ cho các nhu cầu như dụng cụ học tập, sách giáo khoa, quần áo đồng phục... thì Nhà nước hỗ trợ thêm, ngoài việc miễn học phí” – Phó thủ tướng nói.
Với các hộ dân có thu nhập rất thấp, nếu 6% thu nhập chưa đảm bảo chi đủ cho các nhu cầu như dụng cụ học tập, sách giáo khoa, quần áo đồng phục… thì Nhà nước hỗ trợ thêm, ngoài việc miễn học phí
|
|
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân |
Đề án cũng cho biết, trong một tỉnh có các vùng có mức thu nhập khác nhau có thể có mức học phí khác nhau. Chẳng hạn như một tỉnh có 3 vùng (đô thị, các huyện đồng bằng, các huyện miền núi), tương ứng với 3 vùng đó là ba mức thu nhập bình quân trên đầu người khác nhau, lần lượt là 800.000 đồng/tháng, 650.000 đồng/tháng và 400.000 đồng/tháng. Ở trường hợp này, Phó thủ tướng cho biết: “Với vùng đô thị, mức học phí cơ bản cho đa số học sinh là 35.000 đồng/tháng. Đối với những hộ gia đình có mức thu nhập dưới mức 800.000 đồng/tháng/người tới 650.000 đồng/tháng/người được đóng một mức học phí được giảm là 17.000 đồng/tháng”. Theo đề án, vào đầu năm học, những hộ nào cho rằng con mình xứng đáng được hưởng chế độ học phí 17.000 đồng/tháng thì làm đơn xin giảm học phí có xác nhận của địa phương về mức thu nhập bình quân đầu người của gia đình. Trường hợp gia đình có xác nhận là thu nhập dưới 650.000 đồng/tháng/người sẽ không phải đóng học phí. Nếu thu nhập dưới 508.000 đồng/tháng/người thì được hỗ trợ 13.000 đồng/tháng.
Chính phủ đề nghị, học phí đối với giáo dục nghề nghiệp từ bậc sơ cấp đến bậc trung cấp, cao đẳng và đại học được thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí giữa Nhà nước và người học, học phí phải đảm bảo đủ bù đắp chi phí tiền lương, từng bước đảm bảo chi thường xuyên.
Phó thủ tướng cam kết: “Mức học phí đào tạo tăng hằng năm không tạo ra sự tăng đột ngột, gây khó khăn cho người học. Mức tăng học phí năm 2010 so với năm 2009 và của các năm sau so với năm trước liền kề cho sinh viên đại học là dưới 33%”.
Đề án đề xuất: “Mức học phí ở các trường phổ thông chuyên thực hiện theo quy định chung của địa phương, không cao hơn các trường phổ thông đại trà khác trên địa bàn. Các trường dân tộc nội trú được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ toàn bộ chi phí hoạt động, người học không phải đóng học phí”. Đối với “học phí đào tạo hệ vừa làm vừa học phải đảm bảo bù đắp chi phí thường xuyên tối thiểu và không vượt quá 150% mức học phí chính quy cùng cấp học và các nhóm ngành nghề đào tạo”. Về học phí của các cơ sở giáo dục ngoài công lập và của nhà đầu tư nước ngoài, Phó thủ tướng nói: “Các cơ sở này được tự quyết định mức thu học phí, nhưng phải thực hiện 3 công khai: chất lượng đào tạo, nguồn lực đào tạo và tài chính đóng thuế theo quy định”.
Trong đề án, Chính phủ yêu cầu, hằng năm cơ sở đào tạo công lập, ngoài công lập phải công bố mức học phí cho người học biết trước khi tuyển sinh.
Khi trình bày tại hội trường, Phó thủ tướng đã dành thời gian thích đáng để giải thích những ý kiến khác nhau trong quá trình góp ý cho đề án. Theo Phó thủ tướng: “Quan điểm của đề án về công bằng xã hội trong việc đóng học phí đối với giáo dục phổ thông và mầm non là gia đình có thu nhập thấp thì đóng góp ít hơn là gia đình có thu nhập cao nhưng đều không vượt quá 6%”. Giải thích về việc vì sao không miễn học phí cho giáo dục trung học cơ sở, trong khi tiểu học lại được miễn phí, Phó thủ tướng cho rằng: “Nếu miễn hết học phí cho học sinh trung học cơ sở thì sẽ hụt chi giáo dục trung học cơ sở khoảng 2.046 tỉ đồng. Tức là nếu miễn hết học phí trung học cơ sở trong điều kiện ngân sách giáo dục không tăng tương ứng thì quy mô giáo dục trung học cơ sở sẽ giảm 852.000 học sinh”. Vẫn theo Phó thủ tướng, việc tăng thêm 75.000 đồng (từ 180.000 đồng lên 255.000 đồng/tháng) vào học kỳ I năm học 2009 – 2010 thực ra mới bằng ½ mức mất giá của đồng tiền vào năm 2008 so với năm 2009. Và “nếu Nhà nước tăng mức cho sinh viên vay để học từ 800.000 đồng/tháng lên 900.000 đồng/tháng thì sinh viên có thể trả được mức tăng học phí này mà không gây xáo động về tài chính” – Phó thủ tướng trấn an.
Khung học phí đại học trần của các nhóm ngành đào tạo đại trà giai đoạn 2009 – 2014 Đơn vị: Nghìn đồng/tháng/sinh viên |
Khung học phí của trung cấp nghề và cao đẳng nghề trần của các nhóm nghề đào tạo đại trà giai đoạn 2010 – 2014 Đơn vị: Nghìn đồng/tháng/học sinh |
Báo cáo thẩm tra của UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: 6% là khá cao và không phù hợp với thực tế Sinh viên đóng học phí tại trường ĐH Sư phạm TP.HCM Ảnh: Đ.N.T X.T |
Xuân Toàn
Bình luận (0)