Trái cây Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam

31/05/2009 23:00 GMT+7

Tại các chợ ở Hà Nội, trái cây Trung Quốc được bày bán khá nhiều, đặc biệt là các mặt hàng như táo, lê, dưa hấu, nho, lựu. Thế nhưng phần lớn đều được giới thiệu là trái cây trong nước hoặc nhập từ Thái, Mỹ...

Tại chợ Trung Hòa, khi chúng tôi hỏi xuất xứ, các chủ hàng đều trả lời: “Hàng miền Nam chuyển ra chứ ở đâu? Làm gì có hàng Trung Quốc mà lấy”. Nhưng theo quan sát của chúng tôi, trái cây “miền Nam” lại được chứa trong những chiếc thùng xốp có dán nhãn mác Trung Quốc. Tại cửa hàng trái cây trên phố Nguyễn Thị Định (Trung Hòa, Nhân Chính), người bán hàng nói thẳng: “Làm gì có táo Niu-zi-lân này nọ, Trung Quốc hết, cũng từ chợ Long Biên mà ra cả”.

Tại chợ đầu mối Long Biên, từ thùng chứa hàng cho tới băng dính dán lên trên, tất cả đều in tiếng Trung Quốc. Ở các dãy bán cam, loại trái cây này được bày trên những chiếc hộp các-tông mác Trung Quốc nhưng lại được chủ hàng giới thiệu là cam Vinh, cam Sài Gòn. Chị Lưu Hải An (nhân viên Công ty Cargill Việt Nam) đi mua hàng tại chợ này, lo ngại: “Người ta cứ nói là từ vùng này, tỉnh kia chuyển ra nhưng nhìn cái thùng đựng cam, ngay đến băng dính niêm phong cũng toàn tiếng Tàu thì sao mà mình tin được”.

Một trong những lý do khiến các loại trái cây của Trung Quốc phải đội lốt hàng Việt Nam, Thái, Mỹ... theo lý giải của một số chủ sạp là do nếu quảng cáo là của Trung Quốc thì bán sẽ rất chậm. Trong thời gian gần đây, người mua đang có xu hướng chọn mua các loại trái cây nội địa hoặc có nguồn gốc từ các nước khác như Mỹ, Thái (măng cụt, xoài, chôm chôm...).

Nhận xét về các nguy cơ từ hoa quả Trung Quốc, chị N.T.L - bán trái cây tại chợ Ngọc Khánh cho biết: “Độc hại nhất trong tất cả các loại quả Trung Quốc thời điểm này là lê, vì lê được bày bán hiện nay đều là từ năm trước được ủ thuốc. Nếu không thì không bao giờ tươi ngon như thế”.

Trong khi khảo sát thị trường, chúng tôi gặp hai vợ chồng đến mua quà biếu cho người ốm. Anh chồng định chọn táo đỏ mọng và lê vàng để biếu nhưng khi biết là của Trung Quốc, chị vợ nói: “Táo đỏ mọng, lê vàng nhìn thích mắt thật đấy nhưng khi bổ ra không khéo lại thối hết ruột. Hàng Trung Quốc bị ngâm thuốc nên mới thế, ăn độc lắm”. Ngay sau đó, hai người quyết định chọn trái cây nội đi biếu cho an toàn, dù không đẹp mắt nhưng tốt cho sức khỏe người ốm !

Người tiêu dùng cảnh giác

Trước hàng loạt thông tin cảnh báo về chất bảo quản trên trái cây Trung Quốc, người tiêu dùng đã bắt đầu cảnh giác với trái cây Trung Quốc. Không ít người vì sợ trái cây Trung Quốc có chứa chất độc hại nên chuyển sang tiêu thụ trái cây nội địa. Anh Hoàng, nhà ở quận 3 (TP.HCM), kể: “Ngày rằm hay đầu tháng, tôi luôn mua trái cây về chưng bàn thờ. Đợt rồi, ghé sạp trái cây gần nhà mua 5 trái lê vỏ trắng mọng nước về chưng, giá rất rẻ. 3- 4 ngày sau để ý thấy màu sắc của nó vẫn không thay đổi. Tôi để thêm 10 ngày, rồi 15, 20 ngày... vẫn thế. Đến khi tôi đem ra cắt thì thấy có màu nâu sẫm ở giữa ruột”. Anh kết luận: “Lâu nay nghe trái cây Trung Quốc ngâm hóa chất để giữ tươi, tôi không tin. Mấy đứa nhỏ ở nhà thích ăn lê, táo, vì dòn và mọng nước. Bây giờ, có mua để chưng bàn thờ tôi cũng không dám!".

Tại quầy trái cây của hệ thống siêu thị Co-op Mart, đa số khách hàng không chọn trái cây Trung Quốc. Anh Trần Châu Minh Thượng - chủ hệ thống cửa hàng yaourt Yowapa ở TP.HCM kể: “Sản phẩm của tôi sử dụng nhiều loại trái cây nhưng từ khi nghe thông tin trái cây Trung Quốc có chất độc hại, tôi không dám mua hàng có xuất xứ từ nước này nữa”. Khi được hỏi về vấn đề này, chị D.T.T (Q.5) cũng lo lắng: “Tôi thường hay mua loại táo gần giống táo Trung Quốc nhưng bé hơn, có người gọi là táo mèo. Ai ngờ có lần đứa em lấy một quả để ở bàn vi tính ngắm, để hơn 1 tháng mà vẫn nguyên vẹn như lúc mới mua, thậm chí cái cuống cũng không hề héo. Tôi lo là có chất bảo quản nên từ đó không dám ăn nữa”.

Bà Dương Thị Quỳnh Trang - Giám đốc đối ngoại của hệ thống siêu thị Big C cho biết: “Hiện chúng tôi chỉ cung cấp 2 loại là táo Fuji và lê đường có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng số lượng rất ít, chỉ chiếm khoảng 4% trong tổng số trái cây nhập khẩu trong hệ thống. Mặc dù vậy, yêu cầu của chúng tôi đối với nhà cung cấp cũng rất chặt chẽ, đó là phải có chứng từ nguồn gốc xuất xứ, phải bảo đảm điều kiện về vận chuyển và bảo quản. Thật sự là trước những mối e ngại của người tiêu dùng về chất lượng của trái cây Trung Quốc, hệ thống của chúng tôi cũng rất ít chú trọng đến hàng trái cây có xuất xứ từ thị trường này”. Bà Trần Thanh Thủy - Giám đốc truyền thông hệ thống siêu thị Metro cũng nói: “Chúng tôi chủ yếu cung cấp các loại trái cây xuất xứ từ Mỹ, Úc, New Zealand... còn trái cây Trung Quốc chỉ có một loại là táo Fuji, nhưng tình hình tiêu thụ cũng rất chậm vì người tiêu dùng không ưa chuộng”.

Q.Thuần - N.Trần Tâm

Trần Đan - Thanh Lan - Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.