|
Doanh nhân xã hội (DNXH) là một khái niệm khá mới mẻ. Theo những người thực hiện chương trình Hỗ trợ DNXH Việt Nam, có thể định nghĩa một cách tương đối, đó là người sử dụng những phẩm chất, kỹ năng của doanh nhân để gây dựng và quản lý các tổ chức hoặc doanh nghiệp nhằm giải quyết một vấn đề xã hội hay môi trường cụ thể.
Giống như các doanh nhân kinh tế, DNXH cũng tạo lập và điều hành những tổ chức hay doanh nghiệp xã hội để tạo ra những sản phẩm hay dịch vụ nhằm giải quyết các vấn đề xã hội hay môi trường ở các cấp độ khác nhau. Nhưng, khác với doanh nhân kinh tế - sự thành công được đánh giá qua lợi nhuận thu được; sự thành công của DNXH được nhìn nhận qua những tiến bộ xã hội mà họ đóng góp.
Một nhân vật được biết đến khá nhiều vì những đóng góp mang tính giải pháp xã hội là chị Nguyễn Thị Vân Anh (được gọi là một DNXH). Chị Vân Anh hiện là Chủ tịch hội đồng quản trị Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA). Hơn 10 năm trước, khi còn làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, chị nhận thấy có rất nhiều chị em phụ nữ bị bạo lực gia đình không nhận được sự giúp đỡ. Năm 1997, chị thành lập đường dây điện thoại tư vấn về tâm lý và tình cảm đầu tiên trong khu vực, tư vấn và giúp đỡ chị em vượt qua khủng hoảng cả về thể chất và tinh thần. Hiện, đường dây này đã hoạt động hiệu quả tại 22 tỉnh thành, xử lý hàng trăm cuộc gọi mỗi ngày. Đến năm 2001, chị thành lập CSAGA nhằm thúc đẩy việc sử dụng phương pháp tiếp cận văn hóa và áp dụng nghệ thuật trong việc phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống buôn bán phụ nữ và chống trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ em. Đây là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận hoạt động vì quyền lợi và sự tiến bộ của phụ nữ và trẻ em. Hiện CSAGA là đối tác của 18 tổ chức quốc tế có chương trình hoạt động rộng khắp Việt Nam.
Một DNXH khác - chị Võ Thị Hoàng Yến, người sáng lập và điều hành Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) tại TP.HCM. Đây cũng là một tổ chức phi lợi nhuận, các hoạt động nhằm thúc đẩy sự tham gia và tạo cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật trong mọi lĩnh vực xã hội...
Phát biểu tại Lễ phát động chương trình Hỗ trợ doanh nhân xã hội Việt Nam 2009 (tổ chức tại TP.HCM hôm 2.6), nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Trần Thị Thanh Thanh, thành viên Hội đồng tư vấn CSIP cho biết: “Trên thế giới, hoạt động của các DNXH và các tổ chức hỗ trợ họ không còn xa lạ. Tại Việt Nam, khái niệm này dù còn khá mới mẻ nhưng cũng đã có nhiều đóng góp tích cực, hoạt động gây được sự chú ý trong xã hội”. |
Chương trình Hỗ trợ DNXH Việt Nam tập trung hỗ trợ DNXH thực hiện các giải pháp mới, góp phần giải quyết nguyên nhân căn bản của các vấn đề xã hội trong các lĩnh vực như giảm nghèo, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường thông qua việc bảo đảm quyền của những nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người già, người nhập cư, đồng bào thiểu số và các nhóm yếu thế khác trong xã hội.
Chương trình sẽ hỗ trợ về kinh phí và bồi dưỡng kỹ năng quản lý doanh nghiệp xã hội. Về kinh phí, có hai mức cho hai cấp độ. Cấp độ thứ nhất dành cho các DNXH đang trong giai đoạn xây dựng, thử nghiệm các ý tưởng/đề án mới, với số tiền VND tương đương từ 3.000 đến 5.000 USD trong 12 tháng. Cấp độ thứ hai, cho DNXH đã triển khai các dự án có kết quả xã hội bước đầu và đang có kế hoạch phát triển hay mở rộng dự án để tăng cường tác động với xã hội, với số tiền VND tương đương trong khoảng từ 20.000 - 30.000 USD trong 24 tháng.
Liên hệ đăng ký tham gia qua email: Dangkydnxh2009@gmail.com. Thời hạn nộp: trước 17 giờ ngày 30.6.2009.
K.Hoa
Bình luận (0)