Tranh luận về quyền mua nhà, đất của Việt kiều

02/06/2009 23:08 GMT+7

* Lo lắng về tình trạng "cưỡng bức" trùng tu Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung điều 126 Luật Nhà ở và điều 121 Luật Đất đai đề xuất Việt kiều chỉ được sở hữu một căn hộ hoặc nhà gắn liền với quyền sử dụng đất để phục vụ nhu cầu ở. Thế nhưng trong phiên họp toàn thể thảo luận về dự luật hôm qua, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên gợi ý các đại biểu cho ý kiến về việc "chủ thể nào mua một nhà, chủ thể nào mua nhiều nhà".

Việt kiều nên được mua nhà như công dân trong nước

Ông Phạm Xuân Thường, Phó trưởng đoàn ĐBQH Thái Bình tuyên bố: "Chúng tôi đề nghị QH nghiên cứu cho phép công dân VN ở nước ngoài được quyền mua nhà như công dân trong nước". Lý do mà ông Thường đưa ra để thuyết phục QH: Chính sách của VN nhất quán là tạo điều kiện thuận lợi nhất để cho người VN ở nước ngoài được về thăm quê hương và công dân của chúng ta ở nước ngoài được thực hiện quyền và nghĩa vụ phù hợp với điều kiện sống xa Tổ quốc. Ngoài ra, Hiến pháp, Luật Quốc tịch đều khẳng định người VN ở nước ngoài nhưng có quốc tịch VN cũng là công dân VN, có quyền và nghĩa vụ như công dân trong nước.

ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) đồng quan điểm này. Còn Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch nói thêm: "Ở các tỉnh khác tôi không biết nhưng với giá nhà đất ở TP.HCM và Hà Nội, nếu bán nhà ở California mà sang đây mua thì thiệt lắm, vì giá ở đây đắt hơn và chưa phải là hấp dẫn".

Ngoài ra, cũng theo ông Phạm Xuân Thường, quy định chỉ cho phép sở hữu một nhà để "sử dụng cho bản thân và gia đình ở" là hoàn toàn không có tính khả thi. "Tôi đặt giả thiết là người ta không chấp nhận cái đó thì chế tài chúng ta xử lý việc này như thế nào. Theo tôi chúng ta không xử lý được, chúng ta không thể buộc công dân của chúng ta có nhà không ở thì bán cho người khác hoặc chúng ta tịch thu".

So với Điều 126 của Luật Nhà ở hiện hành, dự án Luật sửa đổi đã tách đối tượng người VN định cư ở nước ngoài nói chung thành hai dạng là người có quốc tịch VN và người gốc VN nhằm mở rộng đối tượng. Ngoài ra, dự thảo luật cũng mở rộng thêm 2 đối tượng được sở hữu nhà ở tại VN là người có kỹ năng đặc biệt và người có vợ hoặc chồng là công dân VN sinh sống ở trong nước.

Nhưng cũng có ý kiến lo lắng, như của Phó trưởng đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh: "Việc cho nhiều người VN định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại VN như đề xuất trong dự thảo sẽ làm xuất hiện một số trường hợp đầu cơ mua đi, bán lại nhà ở nhằm kiếm lời, dẫn đến tác động không tốt đến nhu cầu thực sự về nhà ở của người nghèo, người có thu nhập thấp trong nước".

Tại sao phải hạn chế quyền của Việt kiều?

Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH, ông Ngô Đức Mạnh có vẻ ủng hộ quan điểm chỉ cho sở hữu một nhà, nhưng lại không đồng ý hạn chế quyền sở hữu ấy. "Tôi nghĩ rằng một khi người ta đã quyết định đầu tư và bỏ tiền để mua nhà ở thì quyền sở hữu nhà ở rõ ràng gắn liền với quyền sử dụng đất. Rõ ràng họ phải có những quyền dân sự như chuyển quyền sử dụng đất khi bán, tặng, cho, thế chấp nhà ở", ông Mạnh nói. Theo quan điểm của ông Mạnh thì người ta có quyền sở hữu nhà nghĩa là có quyền định đoạt tài sản, do vậy không có lý do gì để hạn chế quyền của người sở hữu nhà, dù đó là Việt kiều. ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề nghị : "Theo tôi, căn cứ vào pháp luật dân sự thì quyền thế chấp, quyền bảo lãnh bằng tài sản nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở đều là những quyền dân sự, việc thế chấp bảo lãnh đều là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Vì vậy, tôi đề nghị QH nên xem xét và quy định cho phép người VN định cư ở nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo quy định ở Điều 126 đã sửa đổi, bổ sung của Luật Nhà ở và điều 121 đã được sửa đổi, bổ sung của Luật Đất đai, có quyền bảo lãnh bằng tài sản là nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất cho phù hợp với pháp luật dân sự VN".

Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH, ông Trần Thế Vượng thì "ôn hòa" hơn, đề nghị cần phải có sự phân biệt các đối tượng cho quyền thế chấp tài sản. Ví dụ: Nhà khoa học 1 năm vào VN giảng dạy một vài ngày rồi lại về, tháng sau, quý sau lại vào giảng dạy một vài giờ thì không nhất thiết phải có quyền thế chấp nhưng "đối với người về đầu tư trực tiếp ở VN thì điều đó là cần thiết", ông Vượng nói. Ông Trần Du Lịch cũng phản đối việc không cho Việt kiều có quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất trọn vẹn: "Người ta mua nhà, mua đất mà bây giờ giải tỏa thu hồi, không có đền bù thì không được".

Lo lắng về tình trạng "cưỡng bức" trùng tu

 
Cùng ngày, QH đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản. Các đại biểu lo lắng về tình trạng di tích bị "cưỡng bức" trùng tu. ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) cho rằng: "Dự án luật cần quy định chặt chẽ để ngăn chặn thói quen là ai và bất cứ ở đâu cứ có tiền là có thể dỡ đình, sửa chùa, tô tượng, bất chấp các quy tắc tối thiểu về tu bổ, phục hồi và bảo quản di tích". ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai - ảnh) kiến nghị: "Tôi nghĩ rằng trong luật nên đưa vào một khái niệm là quy hoạch khảo cổ học, thì những công trình xây dựng sẽ không ảnh hưởng đến khảo cổ, đến di tích, công trình triển khai cũng thuận lợi. Lấy ví dụ như ở khu nhà máy Trần Hưng Đạo cũ, ai cũng biết đó là đàn Nam Giao của kinh thành Thăng Long xưa nhưng vì chúng ta hoàn toàn không chủ động nên đến lúc xây dựng rồi mới phát hiện ra dưới lòng đất có dấu tích và phải dừng công trình lại, gây tổn thất và tạo ra cảm giác xung đột lợi ích giữa xây dựng, phát triển và bảo tồn".

X.Toàn - L.Q.P

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.