Dựa trên ý tưởng của ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao TP Hội An, nhạc sĩ Phùng Tấn Đông đưa ra kịch bản tái hiện đời sống thanh bình vùng sông nước hạ lưu Thu Bồn, những hi sinh mất mát những can trường trong chiến tranh, để rồi tạo điểm nhấn ở khát vọng vươn lên của quê hương Quảng Nam giàu mạnh.
“Sân khấu mở” lại được sử dụng như trong đêm khai mạc, nhưng lần này không phải là đền tháp trầm mặc mà là những hoạt cảnh, tiểu cảnh ngư dân giăng câu, cất vó… trên mặt sông Hoài.
Sân khấu chính là phối cảnh hai di sản Hội An và Mỹ Sơn, được kết nối với nhau bằng cây cầu Cửa Đại trong tương lai - cây cầu đi lên cùng sự phát triển của Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung.
Nếu trong đêm khai mạc tại Mỹ Sơn, người xem đã được mãn nhãn với những vũ điệu khắc họa hai di sản văn hóa thế giới là khu đền tháp Mỹ Sơn và Hội An, thì ở đêm bế mạc, tổng đạo diễn Huỳnh Trần Huy Thịnh lại tập trung vào ý tưởng “Hoài niệm những làng quê - nơi dòng sông gặp biển” tái hiện dòng sông mát lành của đôi lứa hẹn hò, của cuộc sống lao động tảo tần với ruộng vườn, trai chăm cày cuốc, thả lưới giăng câu, gái ươm tơ, dệt lụa và “Khát vọng đôi bờ” mở ra một tương lai thịnh vượng và phát triển, khi cây cầu Cửa Đại thành hình nối Duy Xuyên và Hội An, những vùng đất giàu bản sắc văn hóa và tiềm năng kinh tế.
Cũng trong chương trình, các tiết mục đoạt giải tại liên hoan nghệ thuật quần chúng dân ca - dân vũ - dân nhạc Bắc Trung Nam càng khiến đêm giã bạn thêm quyến luyến.
Sau đêm bế mạc, ngày mai, Ngày hội làng chài của ngư dân Quảng Nam tiếp tục diễn ra ở bãi biển Cửa Đại với các hoạt động thi đan lưới, đua thuyền cạn, xây lâu đài cát, thả diều dành cho người dân và du khách tham gia.
Bên lề đêm bế mạc, các tác phẩm sắp đặt lung linh trong đêm |
Trẻ em vui đùa thắp nến hoa đăng |
Theo quan niệm người phố Hội, thắp hoa đăng là nguyện cầu cho hòa bình, an lạc |
Thiếu nữ làng lụa Duy Xuyên trong đêm bế mạc |
Quảng Nam trong thời kỳ đấu tranh hào hùng
|
Bài, ảnh: Nguyễn Tú
Bình luận (0)