Phản biện xã hội

08/06/2009 00:47 GMT+7

Chương trình đối thoại Nói và làm do HĐND và Đài truyền hình TP.HCM tổ chức hôm qua 7.6 đã gây sự chú ý của dư luận, với chủ đề: Nâng cao vai trò của phản biện xã hội trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Phản biện xã hội, theo các đại biểu tham gia chương trình, là vấn đề không mới, diễn ra trong cuộc sống hằng ngày của xã hội, song thực tế lâu nay vẫn có người xem là “nhạy cảm”.

Trong xã hội, người quản lý đưa ra các luật lệ, chủ trương, chính sách và các nhà khoa học, trí thức, người dân có thể sử dụng phương pháp khoa học, lý luận để góp ý kiến của mình về những vấn đề đó. Người dân phát biểu ý kiến và người lãnh đạo sàng lọc, phân tích, tiếp thu những ý kiến đúng để bổ sung hoặc sửa đổi những chủ trương, chính sách chưa hợp lý, “phản biện không phải là phản bác”, như lời của giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật TP.HCM.

Nếu chính quyền tổ chức tiếp thu, phân tích tốt thì sẽ xử lý các vấn đề tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Và thực tế đã chứng minh như vậy. Điển hình là chủ trương cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM); tiếp thu các ý kiến tâm huyết của giới trí thức, Mặt trận Tổ quốc, báo chí… UBND TP.HCM đã quyết định dừng cổ phần hóa bệnh viện này. Tiếp đó, sau khi nhận được ý kiến phản ánh, UBND TP đã cho thu hồi các dự án sân golf chậm triển khai, gây lãng phí trên địa bàn. Gần đây nhất, khi có ý kiến về những tác hại của việc bê tông hóa vỉa hè, chính quyền TP.HCM cũng đã kịp thời chấn chỉnh… Đây là một động thái tích cực, thể hiện rõ sự tôn trọng người dân của chính quyền TP.

Trong khi nhiều ý kiến cho rằng cần luật hóa nhằm giúp người dân thực hiện tốt quyền phản biện của mình, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điện lại cho rằng điều này không cần thiết. Bởi theo vị tiến sĩ luật học, tất cả những quyền đó đã được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật, đặc biệt là trong Quy chế dân chủ cơ sở trong các cơ quan nhà nước và Quy chế dân chủ ở cơ sở. “Quy định đã có, giờ đòi hỏi chúng ta làm thế nào thực thi tốt những quy định đã có để phản biện xã hội phát triển”, tiến sĩ Điện nói. Theo các đại biểu, để làm tốt công tác phản biện xã hội thì cần có sự hợp tác giữa người quản lý và người phản biện.

Một vấn đề được dư luận quan tâm là cơ quan, tổ chức nào sẽ là nơi tiếp nhận những ý kiến phản biện của người dân? Ngoài các cơ quan của Quốc hội, HĐND, các đại biểu kiến nghị cần phát huy vai trò của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, vai trò của báo chí… trong việc tiếp thu các ý kiến phản biện của các tầng lớp quần chúng nhân dân. Đã đến lúc, các cấp chính quyền cần tạo điều kiện hơn nữa để người dân góp ý; từ đó tạo thói quen để người dân mạnh dạn hơn trong việc góp ý phản ánh, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác phản biện xã hội.

Sự phản biện từ phía dư luận xã hội là một trong những cơ sở thông tin quan trọng giúp chính quyền có những quyết sách phù hợp với thực tiễn xã hội, hợp lòng dân. Vì vậy, trong thời gian tới, chính quyền các cấp cần tạo điều kiện, mở thêm nhiều kênh công khai để người dân, đại diện các tổ chức có điều kiện góp ý, phản biện các vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh, nhằm tập hợp được sức mạnh cộng đồng để giải quyết các vấn đề xã hội.

Minh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.