Giáo dục con: Học mới biết mình... sai!

17/06/2009 14:05 GMT+7

(TNO) Nghe nói tôi đi học dạy con, hầu như ai cũng cười, ngạc nhiên. Một người làm công việc rất gần với giáo dục; có hai con đều đã ở tuổi "teen" và đều được nhìn nhận là ngoan, học giỏi - sao còn phải đi học dạy con? Chính tôi, cũng vì suy nghĩ tương tự, đã lần lữa mãi mới quyết định dành thời gian cho lớp học này. Học xong, tôi thấy mình đã quá… sai!

Bỏ qua cơ hội

Khi tiếp nhận một nhu cầu của người khác, nếu ta không sắp xếp được thời gian để đáp ứng nhu cầu đó, thì có nghĩa là với ta, những việc khác đều quan trọng hơn việc làm thỏa mãn nhu cầu của người kia. Điều đơn giản ấy, mấy ai trong chúng ta có lúc tự rút ra ?! Đây cũng là bài học đầu tiên tôi được tiếp thu ở lớp học nói trên.

Nhớ lại, khi cuốn truyện Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn thiếu nhi Nguyễn Nhật Ánh vừa được phát hành tôi đã ngay lập tức mua cho con gái nhỏ. Đọc xong, con gái tôi bảo “Mẹ đọc đi”, tôi “ừ” rồi để đó. Ít ngày sau cháu hỏi đã đọc chưa, tôi trả lời “Mẹ chưa có thời gian”. Sau đó cháu còn hỏi thêm một – hai lần nữa, nhưng tôi vẫn “bận”. Mà tôi bận thật! 6 giờ sáng lật đật đi chợ về soạn sửa đồ ăn cho cả ngày, rồi nấu ăn sáng cho cả nhà, rồi tất bật đến cơ quan. Chiều 5-6 giờ mới về đến nhà sau khoảng 30 phút “đánh vật” với dòng xe và người cùng khói bụi, tiếng ồn trên đường, lại lao vào bếp cho bữa cơm chiều, sau đó là dọn dẹp nhà cửa, giặt - ủi đồ v.v… Thời gian còn lại trong ngày trước khi hai mắt díp lại, tôi tranh thủ xem một chương trình truyền hình, cũng chỉ được khoảng 30 phút. Hết thời gian! Vả lại, tôi nghĩ đơn giản, đó là một cuốn truyện dành cho thiếu nhi, con thưởng thức là được rồi, tôi không đọc cũng không sao. Nhưng tôi đã nhầm! 

Theo Sigmund Freud - bác sĩ thần kinh và tâm lý người Áo, lòng tin vào thế giới bên ngoài đã được thiết lập ngay từ năm đầu tiên của cuộc đời, đó là khi đứa trẻ khóc vì một lý do nào đó, nó được đáp ứng hoặc không. Khi được đáp ứng, trẻ sẽ tự tin hơn vào môi truờng. Khi không được đáp ứng, trẻ trở nên tự ti.

Đương nhiên, dạy con không phải là việc cha mẹ phải đọc tất cả những cuốn truyện dành cho trẻ con, nhưng qua phân tích của nhà chuyên môn, tôi mới hiểu rằng khi con tôi đề nghị mẹ đọc có nghĩa là nó muốn được tôi chia sẻ những cảm nhận về cuốn sách đó. Khi tôi không đáp ứng được nhu cầu của con, con tôi có thể đi tìm đối tượng khác để chia sẻ. Nếu chẳng may đối tượng mà nó tìm được cung cấp cho nó những nhận thức lệch lạc về vấn đề mà nó đưa ra, thì chẳng phải tôi đã gián tiếp hại con tôi sao! Mà cho dù không phải là điều xấu ấy, nó chia sẻ được với ba, với anh chị, với bạn bè tốt, thì tôi cũng đâu biết được con tôi nghĩ gì, nhận thức như thế nào về điều mà ban đầu nó định nói với tôi. Và nếu tôi cứ mãi “bận” kiểu như thế, rất có thể con tôi sẽ nghĩ rằng tất cả những việc mà tôi phải làm kia, với tôi, đều quan trọng hơn bản thân nó. Rồi tôi sẽ không còn là người mà con tôi nghĩ đến, tìm đến khi nó cần, khi nó gặp chuyện gì nữa. Rồi tôi sẽ đứng ngoài cuộc sống tinh thần của nó. Mà nếu không biết nó nghĩ gì thì làm sao tôi có thể biết nó đúng hay sai để khuyến khích hay chỉnh sửa ?!

Việc không đọc chung một cuốn sách với con nghe đơn giản thế (chắc không ít người cũng nghĩ như tôi), nhưng nếu hiểu được mỗi hành vi, dù là của người lớn hay trẻ con, đều mang những ý nghĩa nhất định, thể hiện một phần trong một diễn biến tâm lý hình thành nên tính cách hoặc hệ thống ứng xử của một con người, thì chắc chẳng cha mẹ nào còn dám… bỏ qua những đề nghị, dù nhỏ, của con cái. Bởi, bỏ qua việc tìm hiểu những nhu cầu của con cái đồng nghĩa với việc cha mẹ đã bỏ qua cơ hội hiểu con.

Sự lầm tưởng tai hại

Đánh là một biện pháp không nên áp dụng trong giáo dục trẻ. Điều này hầu như bậc làm cha mẹ nào cũng từng nghe. Nhưng trong thực tế, có những trường hợp ta có thể thấy rõ "hiệu quả" của hình thức giáo dục này.

 
Tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của trẻ cần được tôn trọng như với người lớn - Ảnh: K.H

Khi con gái nhỏ của tôi học lớp 1, một hôm cháu mang về nhà một món đồ chơi không phải của nó. Tôi hỏi nguồn gốc của món đồ chơi, mới đầu cháu nói là của bạn cho, sau đó lại nói là nhặt được. Qua thái độ của con, tôi biết con chưa nói thật, vì thế tôi nói rằng sẽ cho thêm một ngày để "suy nghĩ". Hôm sau, cháu nhận là đã lấy của bạn khi bạn đi ra ngoài chơi. Tôi đã đánh con hai roi (với tất cả sự khiêm khắc có thể), và giải thích rõ đây là hình phạt cho hai tội: lấy đồ của người khác và nói dối. Sau lần đó, tôi cũng đã theo dõi và thấy hành vi này không còn xảy ra nữa, mừng thầm!

Hai năm sau, khi cháu học lớp 3, một lần người nhà kể lại rằng thấy con tôi bị hai vệt đỏ ở đùi, hỏi thì cháu cho biết đó là do cháu tự đánh mình. Câu chuyện được kể lại: Hôm thi môn toán học kỳ một, khi tôi hỏi cháu có làm được bài không, cháu nói "dạ được", nhưng thực ra cháu đã làm sai 1 bài nhỏ. Cháu "tâm sự" với người nhà rằng: "Con sợ mẹ buồn nên đã nói dối mẹ. Con nhớ mẹ đã đánh con về tội nói dối. Nhưng bây giờ nói thật thì con không dám nên con tự phạt mình". Nghe chuyện, tôi vừa thương con nhưng lại vừa thấy mừng, với suy nghĩ rằng như vậy là con tôi đã biết tự răn mình khi trót làm một việc không nên. Tuy nhiên, sau khi nghe phân tích của nhà chuyên môn, tôi biết mình lại... sai!

Việc con tôi tự trừng phạt mình khi nói dối mẹ chẳng có gì đáng mừng như tôi tưởng, rằng đó là ý thức tự rèn mình. Cháu đã "học" ở tôi cách xử lý vấn đề rất phi nhân văn: hành hạ thể xác để ngăn chặn hành vi. Còn may mắn cho tôi, việc mới dừng lại ở đó, 4-5 năm qua con tôi không lặp lại chuyện này. Nhưng nếu tôi tiếp tục dùng những hình phạt tương tự cho những lỗi lầm của con trẻ, nếu con tôi tiếp tục "thấm nhuần" phương pháp giáo dục này của tôi, thì thân xác nó - thứ mà tôi đã nâng niu từ khi còn là một bào thai, thứ mà tôi đã dày công và sẽ còn tiếp tục vun bồi cho đến khi không thể - sẽ còn chịu biết bao đau đớn, thiệt thòi một cách vô lý và vô ích !? Bởi vì, việc con tôi không tiếp tục nói dối chỉ vì sợ bị đau đớn về thể xác khác hẳn với việc nó (được giải thích để) hiểu được rằng nói dối có thể trở thành một thói quen, mà người có thói quen không thành thật sẽ rất khó nhận được sự chấp nhận, giúp đỡ của những người xung quanh.

Ngoài ra, theo tâm lý học, việc sử dụng hình phạt để buộc trẻ chấm dứt mắc lỗi vô tình người lớn đã tạo cho trẻ ý thức rằng cách tốt nhất để đạt được cái mình muốn là cưỡng bức. Điều này, chắc chẳng phụ huynh nào muốn dạy con...

oOo

Tôi còn “ngộ” ra nhiều điều nữa, từ sự chia sẻ và phân tích của những người hướng dẫn lớp học nói trên. Họ không dạy tôi cách đối phó với những tình huống cụ thể, họ chỉ phân tích diễn biến tâm lý ở từng độ tuổi. Nghe ra mới thấy, mình đã thật có lỗi với con khi cứ muôn “nhào nặn” nó theo ý mình, trong khi nó cũng là một cá thể với những tâm tư, nguyện vọng hết sức riêng tư cần được tôn trọng…

Trong bài phát biểu tại một hội thảo về sức khỏe tinh thần trẻ em diễn ra tại TP.HCM cuối tháng 12.2008, cố Thạc sĩ Phát triển cộng đồng Nguyễn Thị Oanh đã nhận định, tình hình sức khỏe tinh thần trẻ em hiện đang rơi vào mức báo động đỏ; và sự thiếu hiểu biết trầm trọng về tâm sinh lý con người đã vô tình dẫn đến tình trạng này. Theo đó, bà “đề nghị Nhà nước, nhất là ở cấp thành phố có sự quan tâm đến sự phát triển của khoa học xã hội và nhân rộng các lớp kỹ năng làm cha mẹ”. 

Phần mình, đứng ở góc độ "người tiêu dùng", tôi mong những người đã và sắp làm cha mẹ sớm nhận ra rằng, những kiến thức về tâm sinh lý đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục con cái. Bỏ qua mười mấy năm đầu đời của con, như tôi, là trễ! 

K.Hoa

>> Nỗi ân hận của mẹ
>> Trẻ bị rối loạn cảm xúc: Hậu quả khôn lường!
>> Đồng minh con
>> "Uốn nắn" con trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.