Xạ trị điều trị ung thư vú

12/06/2009 14:44 GMT+7

Xạ trị là sử dụng máy phát ra các chùm tia có năng lượng rất cao, như tia X, tia phóng xạ để chiếu vào vùng bướu nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư.

Theo bác sĩ Cung Thị Tuyết Anh (Bệnh viện Ung bướu TP.HCM), nếu ung thư vú được phát hiện ở giai đoạn tương đối sớm, bướu vú và hạch nách có thể phẫu thuật được, bệnh nhân thường được chỉ định mổ đoạn nhũ (cắt bỏ toàn bộ tuyến vú) và nạo hạch vùng nách. Xạ trị sau mổ sẽ được thực hiện nếu kích thước khối bướu lớn trên 2cm, hoặc hạch vùng nách bị di căn, hoặc diện cắt còn mô bướu. Xạ trị được thực hiện sau khi bệnh nhân đã hoàn tất các chu kỳ hóa trị. Xạ trị thường kéo dài 5-6 tuần lễ, mỗi tuần độ 5 lần. Trong thời gian xạ trị, bệnh nhân vẫn có thể tắm rửa bình thường, nhưng tránh kỳ cọ mạnh vùng xạ trị.

Xạ trị có gây biến chứng gì không?

Vùng được chiếu tia là thành ngực (sau phẫu thuật đoạn nhũ) hoặc tuyến vú (sau phẫu thuật cắt rộng bướu), hố nách cùng bên (nếu có nhiều hạch nách bị di căn), chuỗi hạch vú trong, hố trên xương đòn cùng bên.

Nhiều bệnh nhân lo ngại xạ trị sẽ làm nám da ngực, nhưng theo bác sĩ Cung Thị Tuyết Anh thì liều xạ trị cho UTV thường chỉ làm đỏ nhẹ da vùng xạ, giống như sau một lần tắm nắng. Hiện tượng viêm da nhẹ này sẽ hết khoảng 2 tuần sau khi kết thúc xạ trị. Người bệnh cần lưu ý về biến chứng phù cánh tay sau phẫu thuật và xạ trị. Tỷ lệ phù tay gặp ở khoảng 10-15% bệnh nhân sau điều trị ung thư vú; không nên xách nặng ở tay cùng bên vú bệnh; tránh để trầy xước, tránh tiêm chích, cắt lể, cắt da, làm móng ở tay bên này. Nếu thấy tay có dấu hiệu sưng nhẹ nên trở lại bệnh viện để được xử trí đúng.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.