Các chuyên gia trong lĩnh vực tiêu dùng cho rằng để các mặt hàng không rõ nguồn gốc, chất lượng kém không còn đất sống, chính người tiêu dùng phải tính toán lại vấn đề ưu tiên khi mua hàng là giá cả hay chất lượng hàng hóa.
“Phù phép” xuất xứ hàng hóa
Tại một cửa hàng giày dép trên đường Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận (TP.HCM), khi được hỏi hàng bán trong tiệm là của công ty nào sản xuất, một nhân viên bán hàng ở đây thẳng thắn cho biết không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hầu hết các sản phẩm tại đây đều được dán nhãn tên cửa hàng, ngoài ra không có các thông tin nào khác. Mặc dù vậy, nếu xem kỹ người mua hàng có thể phát hiện một số sản phẩm có dòng chữ “made in China”. Tình trạng trên hiện xảy ra khá phổ biến ở rất nhiều mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép, túi xách... tại chợ tự phát, vỉa hè và ngay cả các cửa hàng lớn trên thị trường TP.HCM.
Theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, trong 627 vụ kiểm tra và bắt giữ đối với các loại hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ xuất xứ... mà đơn vị này thực hiện trong năm tháng đầu năm 2009, có một số vụ chứng từ hàng hóa không đúng với những mặt hàng bày bán trên thực tế. Một cán bộ của chi cục cho hay xuất xứ hàng hóa ghi trong hóa đơn nhập khẩu hàng một đằng nhưng hàng hóa các cơ sở kinh doanh bán lại có nguồn gốc khác. “Các vụ bắt giữ hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ đa số là hàng nhập chui, vì thế sẽ rất khó kiểm tra về chất lượng” - vị cán bộ này nhận xét. Thực tế phần lớn những vụ vi phạm này chủ yếu là hàng Trung Quốc, phổ biến ở nhiều mặt hàng tiêu dùng như hàng điện tử và linh kiện điện tử, hàng thực phẩm, quần áo, giày dép, tân dược, hóa chất...
“Cân” lại giá cả và giá trị hàng hóa
Một chuyên gia trong lĩnh vực tiêu dùng cho rằng lâu nay người tiêu dùng sử dụng hàng may mặc, đồ chơi trẻ em, giày dép... và nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc khác phần lớn là do giá rẻ. Tuy nhiên, trước thông tin về những loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng may mặc, vải xuất xứ từ Quảng Đông (Trung Quốc) có chứa chất formaldehyde ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, chuyên gia này cho rằng người tiêu dùng nên “cân” lại những thiệt - hơn, giữa việc mua những loại hàng hóa trên và mua hàng Việt. “Hiện nay nhiều doanh nghiệp may mặc trong nước đang đẩy mạnh đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng. Sản phẩm phong phú, đa dạng và giá cả có thể nhỉnh hơn một chút, đặc biệt người mua có thể an tâm hơn về chất lượng và độ an toàn” - chuyên gia này nói.
Ông Phạm Hữu Cát, phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng hàng hóa miền Nam, cho rằng những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ không có cơ sở để đánh giá về mặt chất lượng. Do đó, người tiêu dùng không vì giá rẻ mà mua những mặt hàng này. Thay vào đó có thể chọn mua hàng an toàn, chất lượng đảm bảo mà giá cả vẫn hợp lý. Đối với mặt hàng may mặc, ông Cát cho rằng hiện nay sản phẩm may mặc trong nước có rất nhiều loại đẹp, chất lượng đảm bảo. Và tại các khu vực đô thị lớn, các chuỗi cửa hàng bán lẻ của những đơn vị có uy tín khá nhiều, giá cả cũng rất hợp lý.
Trong khi đó, TS Vũ Thị Bạch Nga - trưởng ban bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) - cho biết cách tốt nhất để tự bảo vệ mình là người tiêu dùng không mua hàng không rõ nguồn gốc. Khi mua sắm, dù món đồ giá trị lớn hay nhỏ cũng cần phải đòi hỏi sản phẩm có đầy đủ các thông tin về nguồn gốc, hạn dùng, hướng dẫn sử dụng...
Thận trọng với hàng giá rẻ Theo ông Phạm Xuân Hồng - phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtek), sau sự kiện chất formaldehyde có trong vải nguồn gốc từ Quảng Đông (Trung Quốc), người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định chọn mua bất kỳ sản phẩm may mặc nào với giá quá rẻ. Tốt nhất nên chọn những doanh nghiệp có thương hiệu đã được thị trường chấp nhận, đến những cửa hàng chính thức của các doanh nghiệp có sản phẩm bày bán rộng rãi. Trong trường hợp mua phải các sản phẩm nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, tên doanh nghiệp sản xuất hoặc thương hiệu mơ hồ, cách tốt nhất người mua nên giặt ít nhất 3-4 lần trước khi sử dụng để giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn trong sản phẩm. T.V.N |
Theo Bạch Hoàn / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)