Nghề cõng hàng lên đỉnh Phanxipăng

14/06/2009 11:39 GMT+7

Ngày càng có nhiều người chinh phục đỉnh Phanxipăng, nóc nhà Đông Dương. Trong hành trình đó, không thể nào thiếu porter - những người vừa làm nghề khuân vác vật dụng nặng cho du khách vừa là bạn đồng hành trong suốt chặng đường khám phá.

Không ai rõ nghề porter có từ bao giờ. Những người làm công việc này lâu đời nhất áng chừng khoảng năm 1988-1990, khi những đoàn khách đầu tiên từ châu u đến Sa Pa và muốn khám phá nóc nhà Đông Dương này. Lúc đó, đỉnh Phanxipăng còn là nơi hoang vắng, chưa nhiều người lui tới, đường mòn chưa có, những người ham thích khám phá đó đã tìm kiếm những thanh niên có sức khỏe, sống quen với rừng núi để vừa giúp họ tìm đường đi, vừa giúp họ khuân vác những vật dụng nặng nhọc bảo đảm đủ đồ dùng cho nhiều ngày trên núi.

Quen sống với núi rừng, chịu được gian khổ và vất vả, sức lực lại dẻo dai để có thể đi suốt chặng hành trình, thế là những thanh niên người Mông được mời vào cuộc, trở thành những porter đầu tiên ở nơi này.

Chỉ đủ sống

Trách nhiệm của porter là phải vác tối đa 25kg vật dụng cho khách, nặng nhọc nhưng ai cũng quen nên chịu được. Những porter chuyên nghiệp mỗi tháng có được dăm bảy tour, mỗi ngày được 100.000 đồng, cộng với tiền thưởng của khách cũng đủ trang trải cuộc sống. Những porter mới, trẻ hơn thì ít được gọi đi tour hơn nhưng mỗi tháng cũng kiếm được 1-2 triệu đồng.

Nghề nhọc nhằn

Tôi gặp anh Mã A Dũng trong một lần khám phá Phanxipăng. 37 tuổi, anh đã làm nghề porter gần 20 năm, là một trong những porter đầu tiên và lành nghề nhất ở đây. Một lần, khoảng năm 1989 có người đến hỏi “có khuân vác đồ và cùng tìm đường lên Phanxipăng vài ngày với một đoàn khách châu u được không?”.  Anh gật đầu, đi chuyến đầu tiên ấy rồi trở thành porter chuyên nghiệp kể từ đó.

Gần 20 năm làm porter, Mã A Dũng đã đi lên đi xuống ngọn núi cao nhất Đông Dương này tính bằng cả ngàn lần. Anh thuộc từng gốc cây ngọn cỏ, từng con dốc, từng mỏm đá cánh rừng. 20 năm trước, tiền công anh đi mỗi ngày 100.000  đồng thì 20 năm sau tiền công vẫn vậy, không đổi, thậm chí mùa ế khách còn bị giảm có khi chỉ 70.000 - 80.000 đồng/ngày. 20 năm, không kể hết biết bao gian khổ, có lần phải… ngủ đứng trong rừng vì mưa gió như trút nước, không có chỗ khô ráo để dựng trại, cũng không thể đi tiếp. Có lần nằm trong lán trại đến sáng thì không thể dậy vì ngã bệnh nặng. Sau 20 năm làm công việc nặng nhọc đó, anh cũng chỉ xây được một căn nhà mái ngói cho vợ con, ngoài ra chẳng mua sắm thêm được tài sản gì.

Tôi cũng gặp anh Sáu, một porter lành nghề với tuổi nghề đã lên đến 20 năm như Mã A Dũng. Không chỉ là người thông thạo đường, giỏi vác nặng, anh còn là một đầu bếp nhà nghề. Hôm đó có vài đoàn khách cùng dừng lại một lúc, bếp không đủ nấu nên anh Sáu một tay kiêm luôn chế biến thức ăn cho các đoàn. Anh thoăn thoắt gọt, cắt, xào rau củ quả, thịt, cá khô, khoai tây chiên... lần lượt phục vụ từng đoàn một. Anh nói sẽ còn làm đến già vì yêu thích nghề nhọc nhằn này.

Trách nhiệm và chuyên nghiệp

Các porter lành nghề hầu như ai cũng từng gặp trường hợp lúc lên thì cõng hàng, lúc xuống đôi khi phải... cõng khách, do khách bị kiệt sức sau khi đến đỉnh, không thể tiếp tục đi. Phần lớn những vị khách đó là nữ. Mỗi tháng vài trăm khách chinh phục Phanxipăng, không phải khách nào cũng đến nơi dễ dàng. Có khách đi nửa đường bỏ cuộc quay về, có khách đến nơi nhưng lúc về kiệt sức. Những lúc này, một anh porter nhỏ bé, nhẹ cân, chừng 40-50kg vẫn ngoan cường cõng một vị khách nặng 70-80kg lần xuống núi. Nguy hiểm hơn cả là có khi phải đi trong bóng tối của núi rừng khi trời sụp tối, chỉ có ánh sáng của chiếc đèn pin leo lét.

Cũng có khi cùng lúc nhiều đoàn khách chinh phục Phanxipăng, chỗ ngủ có mái che trong lán trại không đủ, thế là porter phải nhường chỗ cho khách, mấy chục anh em tìm chỗ kín gió lót lá tre nằm, ôm nhau cho ấm. Nhiệt độ ở Phanxipăng về đêm rất thấp, xuống đến 5-60C, những ngày đông có khi còn buốt giá hơn, đến 00C. Sáng hôm sau lại phải dậy sớm, chuẩn bị bữa sáng cho khách trước khi tiếp tục hành trình.

Một porter nói với tôi: nghề này nặng nhọc, vất vả nhưng hình như ông trời thương, mấy chục năm qua hàng trăm người làm porter đi lên đi xuống ngọn núi cao ngất này nhưng chưa hề có ai bị tai nạn, bị thương, bị ngã trên núi. Tất cả đều bình an. Có lẽ người Mông thông thạo núi rừng. Nhưng chắc chắn vì một điều: nghề nhọc nhằn và nguy hiểm nên những porter hành nghề với một tinh thần trách nhiệm cao và chuyên nghiệp.

Dẫu không phải là một nghề của số đông người trong xã hội, cũng không được công nhận là một nghề trong danh mục các nghề nghiệp của VN, nhưng cõng hàng và làm bạn đồng hành cho tour khám phá nóc nhà Đông Dương vẫn là nghề của những chàng trai dũng cảm và dẻo dai của núi rừng Tây Bắc.

Dũng cảm, đa năng, đa nghệ

Có hơn 120 người đang làm nghề porter ở Phanxipăng và tất cả đều là thanh niên Mông. Những người làm porter không chỉ giỏi về khuân vác, băng rừng vượt suối mà còn là những người bạn đường, hướng dẫn hành trình cho du khách và đặc biệt là có khả năng dẫn dắt đoàn hành trình vượt qua các trở ngại, nhất là khi gặp nguy hiểm. Họ cũng kiêm luôn nhiệm vụ đầu bếp, chuẩn bị lương thực và thức ăn cho khách khi đến bữa, mà mỗi bữa đều là một bữa ăn thật sự tươm tất chứ không thể qua loa

 
(ảnh).

Đặc biệt, do khách đến từ khắp nơi trên thế giới nên porter cũng phải là một đầu bếp chuyên nghiệp, có thể chế biến được các món ăn từ u tới Á…

Mỗi cuộc hành trình với họ giờ đây ngắn nhất là một ngày, dài có thể 3-5 ngày/chuyến.

Huỳnh Thu Dung/ Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.