Béo phì được Tổ chức Y tế Thế giới coi là một thách thức của thiên niên kỷ và là một trong “tứ chứng nan y” của loài người: AIDS, ung thư, béo phì và ma túy. Điều này chứng tỏ đây là một bệnh khó trị.
Xu hướng toàn cầu
Béo phì hiện nay được coi là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng ở nhiều nước trên thế giới. Nước Mỹ giàu có nhất nhưng cũng đồng thời là nước có tỉ lệ béo phì cao đứng đầu thế giới. Tính chung, toàn nước Mỹ có khoảng 100 triệu người thừa cân, chi phí điều trị tốn kém khoảng 75 tỉ USD hằng năm. Nước Anh có 3/4 người trưởng thành thừa cân, béo phì. Chi phí điều trị hằng năm tốn 7,4 tỉ bảng Anh. Nước Pháp có khoảng 9 triệu người thừa cân, béo phì vào năm 1999, tới nay con số này đã tăng lên gấp 3 lần.
Ở châu Á, tỉ lệ thừa cân là 24,1%. Tại Nhật Bản, nếu tỉ lệ thừa cân vào năm 1980 là 16% thì năm 2000 đã tăng lên đến 24%. Tại Trung Quốc, tỉ lệ thừa cân từ 3,7% (năm 1982) đã tăng lên 19% (năm 2001), tương đương khoảng 60 triệu người bị thừa cân. Tại VN, tỉ lệ người thừa cân, béo phì đã tăng lên hơn gấp đôi từ 1999 đến 2002 (từ 2% lên 5,7%). Riêng tại TPHCM, có 6% trẻ dưới 5 tuổi thừa cân, béo phì. Tỉ lệ này ở học sinh cấp 1 là 22,7%.
Ở người trưởng thành, người ta coi bắt đầu béo phì khi chỉ số khối cơ thể BMI vượt quá 24 ở nữ, quá 25 ở nam. Từ 40 trở lên là béo phì nặng. Đây là chỉ số tương quan giữa chiều cao và trọng lượng, được tính bằng trọng lượng (kg) chia cho chiều cao (m) bình phương. Ở trẻ em, do chiều cao chưa ổn định nên bắt buộc phải chọn các chuẩn mức có liên quan đến chiều cao, còn gọi là cân nặng tùy theo chiều cao. Nếu cân nặng/chiều cao quá 120% là béo phì, còn quá 140% là béo phì nặng. Người ta cũng có thể tính theo BMI cho trẻ, nhưng theo bảng phân loại riêng.
Bé gái tích mỡ sớm hơn
Theo chiều hướng tự nhiên, ngay từ 4-5 tuổi trở đi, con gái có khuynh hướng tự nhiên tích tụ mỡ dự trữ nhiều hơn con trai và đó là đặc điểm của nữ tính. Trong khoảng thời gian 15 năm từ lúc mới sinh tới tuổi “trăng tròn”, cơ thể con người trải qua hai đợt tăng trưởng. Về cân nặng: Có hai đợt tăng trưởng nhanh là vào lúc 1-2 năm đầu đời và vào 2-3 năm của tuổi dậy thì, con gái dậy thì sớm hơn con trai 2-3 năm, nhưng cũng đạt số cân trưởng thành sớm hơn. Về chiều cao: Con gái thường đến 18 tuổi thì hết tăng trưởng chiều cao, còn con trai có thể tiếp tục cao tới 25 tuổi. Người ta nhận thấy nhu cầu năng lượng giảm dần theo tuổi. Nếu chúng ta tiếp tục cung cấp số năng lượng cho trẻ như khi còn bú sữa thì ắt là có nguy cơ “ sổ sữa”, tức là bị béo phì!
Khó phân biệt được đâu là ảnh hưởng do yếu tố di truyền hay do môi trường sống, thói quen về ăn uống trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, chế độ ăn và lối sống có liên quan trực tiếp đến béo phì như: ít nuôi con bằng sữa mẹ, cách sống “thời đại công nghiệp” và các loại thực phẩm công nghiệp, dùng thực phẩm nhanh như bột dinh dưỡng ăn liền, snack, kem, nước ngọt,... Bữa ăn gia đình nhiều khi bị truyền hình chi phối, vừa ăn vừa xem tivi hay ăn mọi lúc mọi nơi cũng là một nguyên nhân.
Phát hiện và điều trị sớm trẻ béo phì; cải thiện, điều trị khỏi các biến chứng nhằm sớm đưa trẻ về cuộc sống bình thường. Trước tiên, phải thay đổi hành vi ăn uống và sinh hoạt, khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, dinh dưỡng hợp lý... Trong học tập nên kết hợp với việc rèn luyện thân thể, nên ngủ sớm và đầy đủ vì yếu tố tăng trưởng tiết ra nhiều trong lúc ngủ say và ngủ sâu. Chú trọng đến việc giảm cân như: giảm 500 g/tháng nếu trẻ béo phì nặng hoặc duy trì cân nặng hiện tại để chờ trẻ phát triển chiều cao trong quá trình tăng trưởng. Chúng ta thường có thói quen điều trị bệnh bằng thuốc, tuy nhiên chỉ dùng thuốc khi trẻ béo phì nặng có nguy cơ bị các biến chứng, không nên dùng ở trẻ em do ảnh hưởng đến giai đoạn dậy thì và làm rối loạn hành vi ăn uống.
Cách giữ trọng lượng cân đối cho trẻ
Để điều trị béo phì, cần sự kết hợp của gia đình, nhà trường kèm giáo dục dinh dưỡng, thay đổi nếp sống và ăn uống, vận động hợp lý. Nên cải thiện nếp sống của cả gia đình, nhất là thói quen ăn uống cần điều chỉnh sao cho trẻ tăng chiều cao hơn là cân nặng. Thân thiện, yêu thương trẻ, tránh chọc ghẹo, dè bỉu với trẻ béo phì. Đối xử với tình thương pha chút hài hước, không bắt trẻ nhịn ăn vì như thế sẽ làm trẻ ăn theo kiểu “trả thù” khi trẻ quá đói. Không bày thức ăn cám dỗ trước mắt trẻ, không cho trẻ ăn vặt, dùng các thức ăn lành mạnh theo tháp dinh dưỡng. Khuyến khích trẻ vận động chân tay, chơi thể dục thể thao. Giới hạn thời gian xem tivi, ngồi máy vi tính, chơi game... Đặc biệt, trẻ trên 1 tuổi không uống sữa tươi nguyên chất quá 0,5 lít/ngày.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê
(Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM/Người Lao Động)
Bình luận (0)