Luật Giao thông đường bộ bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) đối với trẻ em không chỉ khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy mà còn cả khi đi xe đạp máy (loại xe thô sơ 2 bánh có lắp động cơ, và cả xe đạp điện). Chính vì vậy, càng đến gần thời điểm 1.7.2009, thị trường MBH cho trẻ em càng trở nên “nóng”.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, từ thời điểm nửa cuối tháng 5.2009, nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân khi chọn MBH làm quà tặng trẻ em nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6... đã làm cho thị trường sôi động.
Hiện không có một tài liệu chính thức nào kết luận rằng phần cổ của trẻ em sẽ bị tổn thương nếu trẻ đội MBH được thiết kế đúng quy chuẩn.
|
|
PGS Trương Văn Việt - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy |
Siêu nhẹ hay siêu rẻ?
Đến thời điểm này, giá bán một chiếc MBH trẻ em dao động từ 60.000 - 200.000 đồng, tùy chất lượng, mẫu mã của nhiều hãng sản xuất trong nước. Đặc biệt, MBH trẻ em của hãng Protec có trọng lượng siêu nhẹ (từ 250 - 450 gr) dành cho lứa tuổi từ 14 tuổi trở xuống, kể cả cho trẻ từ 1 - 3 tuổi, giá bán từ 98.000 - 205.000 đồng/chiếc.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh (Giám đốc điều hành phía Nam của Công ty Protec), giá khác nhau là do kiểu dáng, màu sơn “chứ về chất lượng thì tất cả MBH cho trẻ em dù giá cao hay thấp đều như nhau”. Những chiếc mũ sơn 1 màu rẻ hơn mũ có nhiều màu sắc họa tiết, và thường thì trẻ nhỏ rất thích những chiếc mũ có hoa văn trang trí.
Quỹ AIP thiết lập một đường dây nóng của Cảnh sát trưởng tí hon (08.62991409) giúp các bé có thể gọi để đặt các câu hỏi, chia sẻ những câu chuyện liên quan đến MBH. Ngoài ra, một bộ phim hoạt hình về Cảnh sát trưởng tí hon đang được xây dựng và hơn 10.000 chiếc mũ có in hình Cảnh sát trưởng tí hon đã được trao tặng cho một số trường tiểu học trên cả nước từ tháng 3 - 4.2009. (M.V) |
Ngoài ra, khi chọn MBH cho trẻ, các phụ huynh cần lưu ý đến kích cỡ sao cho vừa với vòng đầu của trẻ, trọng lượng phải nhẹ, phù hợp với lứa tuổi của trẻ em. “Công nghệ mới hiện nay cho phép nhà sản xuất có thể làm ra những chiếc mũ nhẹ cho trẻ nhờ dùng loại xốp nhẹ, nhưng có độ nén cao”, ông Anh nói.
Theo quy định hiện hành, tất cả MBH, dù là mũ người lớn hay trẻ em, đều có chung Tiêu chuẩn QCVN 2:2008 và đều được dán tem CR (cơ quan chức năng gọi là dấu hợp quy, thay cho tem CS trước đây).
Theo ông Vũ Văn Diện (Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), để có được tem này, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu MBH phải được một trong 5 tổ chức được chỉ định cấp giấy chứng nhận hợp quy và cho phép sử dụng dấu hợp quy CR trên sản phẩm MBH trước khi lưu thông trên thị trường.
Bao nhiêu tuổi thì nên đội?
Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) khuyến cáo rằng, tất cả trẻ em trên 6 tháng tuổi cần được đội MBH khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy. Đối với trẻ em dưới 6 tháng tuổi không nên ngồi trên xe gắn máy khi tham gia giao thông.
Nhóm Khuyến khích đội MBH Việt Nam - mô hình kết hợp giữa các tổ chức và doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của MBH - cho biết, tỷ lệ đội MBH ở trẻ em ở Việt Nam còn rất thấp, chính vì vậy nhóm đang triển khai khởi động chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về MBH dành cho trẻ em từ tháng 2.2009. Các thành viên tích cực ủng hộ chiến dịch của nhóm bao gồm: Quỹ AIP; Tổ chức Hỗ trợ phát triển Úc (AusAID); Đại sứ quán Đan Mạch, Quỹ Liên đoàn Mô tô quốc tế (FIA Foundation); Ủy ban ATGT quốc gia (NTSC),Tổ chức ATGT cho trẻ em toàn cầu (Safe Kids Worldwide); Công ty Talisman Việt Nam; Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Đại sứ quán Mỹ, Ngân hàng Thế giới (World Bank); Tổ chức Y tế thế giới (WHO). |
AIP khẳng định đội MBH là cách duy nhất bảo vệ trẻ khỏi các chấn thương sọ não do tai nạn xe máy gây ra. Theo AIP, đa phần MBH trên thế giới đều được thiết kế cài khóa dưới cằm, không phải ở ngay trên cằm. Các nghiên cứu về tai nạn giao thông (TNGT) cho thấy chấn thương cổ trong các vụ TNGT do dây MBH gây ra là vô cùng hãn hữu. Chấn thương cổ tùy thuộc vào cơ chế chấn thương, chứ không phải do có hay không đội MBH. Trên thực tế, những nghiên cứu này cho thấy tình trạng của các vết thương ở vùng đầu thường nặng hơn khi quai của MBH không được cài đúng cách hoặc cài lỏng, hậu quả là MBH bị văng ra khỏi đầu khi xảy ra tai nạn, dù ở bất cứ tốc độ nào.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, MBH làm giảm nguy cơ chấn thương đầu và chấn thương sọ não 69%, giảm nguy cơ chấn thương sọ não nghiêm trọng tới 79%. Kết quả này đúng cho mọi lứa tuổi, kể cả trẻ nhỏ. Không có thuốc nào chữa được chấn thương sọ não. Một khi thảm kịch này xảy ra, trẻ sẽ tử vong hoặc tàn phế suốt đời. "Các bậc cha mẹ phải hiểu rằng, MBH được coi như là liều vắc-xin hữu hiệu nhất để phòng ngừa chấn thương sọ não cho trẻ khi tham gia giao thông. Không có sự khác biệt giữa đầu người lớn và đầu trẻ em khi TNGT xảy ra" – AIP nhấn mạnh.
Một hoạt động tuyên truyền về đội MBH cho trẻ em của Quỹ AIP và Ban An toàn giao thông TP.HCM - Ảnh: M.Vọng |
PGS Trương Văn Việt - nguyên Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Hiện không có một tài liệu chính thức nào kết luận rằng phần cổ của trẻ em sẽ bị tổn thương nếu trẻ đội MBH được thiết kế đúng quy chuẩn và được cấp giấy chứng nhận chất lượng. MBH cho trẻ em đạt tiêu chuẩn QCVN 2:2008 đều rất nhẹ và được thiết kế bảo vệ não cho trẻ em một cách tối ưu nhất. Trong một TNGT, các tổn thương xảy ra là do cơ chế chấn thương chứ không phải do MBH. Tất cả trẻ em trên 6 tháng tuổi cần được đội MBH khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy. Đây là một thông lệ quốc tế chứ không riêng ở VN”.
Phạt đến 200 ngàn đồng! Thái Sơn |
Tem CR dỏm? Đình Mười |
Mai Vọng
Bình luận (0)