Gần 10 giáo viên (GV) trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ, gặp PV Thanh Niên bày tỏ nỗi bức xúc về việc chậm lương, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của gia đình họ. Cô giáo Nguyễn Thị Liên cho biết, lần nhận lương gần đây nhất là ngày 10.4.2009 với mức lương 2,4 triệu đồng. “Nghe nói Nhà nước tăng lương tối thiểu từ tháng 5 nhưng đến nay tôi vẫn chưa biết lương mới như thế nào” - cô Liên ấm ức. Chồng cô Liên cũng là GV trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn ở xã Bình Thuận bên cạnh. Hai vợ chồng sống chủ yếu nhờ vào lương, nhưng hai tháng qua phải vay mượn bên ngoài để chi tiêu.
Chiều qua 16.6, chúng tôi đã trao đổi với ông Lê Anh, Phó trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã Buôn Hồ. Ông Anh giải thích, nguyên nhân do thị xã Buôn Hồ vừa được tỉnh Đắk Lắk công bố thành lập cuối tháng 5.2009 (tách ra từ huyện Krông Búk cũ), các thủ tục giấy tờ chuyển từ “huyện Krông Búk” sang “thị xã Buôn Hồ” chưa làm kịp.
Ông Nguyễn Văn Luyện, Giám đốc Kho bạc Nhà nước thị xã Buôn Hồ, cho rằng: việc chậm lương cho GV trước hết do Phòng GD-ĐT thị xã chưa làm kịp thời thủ tục cần thiết là công nhận các chủ tài khoản ở các trường học theo đơn vị hành chính mới là “thị xã Buôn Hồ”, chứ không phải “huyện Krông Búk” (cũ). “Rõ ràng về thủ tục, không thể một đơn vị thuộc “thị xã Buôn Hồ” rút tiền mà chủ tài khoản vẫn còn do “huyện Krông Búk” bổ nhiệm” – ông Luyện giải thích.
Ông Nguyễn Văn Lai, Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Buôn Hồ phân trần, việc chậm làm thủ tục công nhận lại chủ tài khoản (hiệu trưởng hoặc hiệu phó) và kế toán các trường là do “nằm trong bối cảnh mới thành lập địa bàn hành chính mới và chờ luân chuyển, ổn định cán bộ quản lý các trường trong dịp hè này”. Ông Lai cho biết, Phòng GD-ĐT thị xã đang gấp rút lập danh sách xác nhận chủ tài khoản của 42 trường chuyển sang Kho bạc để cố gắng sớm có lương cho hơn 1.300 GV.
Trần Ngọc Quyền
Bình luận (0)