NSND Thanh Tòng ấp ủ ước mơ này từ rất lâu. Ông hãnh diện vì dòng họ của ông đã 5 đời giữ lấy nghiệp tổ, dù nghèo giàu, dù gian truân, oan ức, vẫn không ai muốn bỏ nghề. Tại sao không có một lần tôn vinh, cũng là nhắc nhở con cháu luôn trân trọng sân khấu, nơi đã nuôi mình khôn lớn? Cho nên ông trút hết sức lực làm tổng đạo diễn một đêm gọi là Dòng nghề - Tâm sử.
5 đời nghệ sĩ lần lượt được giới thiệu. Đời thứ nhất là cô đào hát Vĩnh Xuân đã truyền nghề hát bội cho con mình là Nguyễn Văn Thắng. Lớn lên, ông lập gánh mới gọi là gánh hát bội Bầu Thắng đóng đô tại đình Cầu Quan (đường Yersin, quận 1, TP.HCM). Ông có 8 người con, 3 người đi kháng chiến chống Pháp, còn 5 người nối nghiệp sân khấu, là đời thứ ba: Minh Tơ, Khánh Hồng, Huỳnh Mai, Bạch Cúc, Đức Phú. Đến Minh Tơ, ông lại có 9 người con theo nghiệp tổ (đời thứ tư): Xuân Yến, Thanh Tòng, Thanh Loan, Minh Tâm, Công Minh, Xuân Thu, Thanh Sơn, Tuấn Minh, Quế Phương.
Chi tộc của Huỳnh Mai và chồng là NSND Thành Tôn cũng không kém, sinh ra một loạt tên tuổi: Bạch Liên, Bạch Lê, Bạch Lựu, Bạch Lý, Bạch Long và NSƯT Thành Lộc. Chi tộc Bạch Cúc có đạo diễn Phượng Hoàng nổi tiếng trong lĩnh vực phim video suốt thập niên 90 (thế kỷ 20). Đúng hơn, lĩnh vực nào cũng có người của dòng họ này. Đức Phú, Minh Tâm chuyên về nhạc. Công Minh chuyên về trang phục.
Bên cạnh đó, đêm diễn cũng công bố những hình ảnh, những đoạn phim tư liệu còn lưu giữ được liên quan đến dòng họ ông bầu Thắng, quả là quý giá cho những ai hâm mộ cải lương, những ai muốn sưu tầm, nghiên cứu... |
Thanh Sơn là giảng viên trường Sân khấu TP.HCM. Bạch Lê dạy diễn xuất tại Pháp. Tuấn Minh dạy vũ đạo và võ thuật tại Hoa Kỳ. Bạch Long lập Ban Đồng ấu là cái nôi cho nhiều tài danh sau này. Đời thứ 5 có Quế Trân, Xuân Trúc, Trinh Trinh, Tú Sương, Thanh Thảo, Ngọc Nga là con của Thanh Tòng, Xuân Yến, Thanh Loan. Đó là chưa kể hết những dâu rể của cả dòng tộc này cũng đều là nghệ sĩ như Bảy Sự, Trường Sơn, Can Trường…
Hiện nay dòng họ ông bầu Thắng chỉ còn lại 38 người sống tại VN, nhưng cũng đủ làm nên một chương trình xôm tụ. Họ xuất hiện trong các trích đoạn Hát đại bội cúng đình, Quan Công phó hội Châu Du, Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, Tào Tháo tam ban Đổng Quí Phi, Quan Công phò nhị tẩu, Lý Đạo Thành xử án Thượng Dương, Thánh Gióng… rất chuẩn mực và hết lòng. Nhìn các nghệ sĩ này diễn xuất, mới hiểu câu "con tằm đến thác cũng còn vương tơ". Thanh Tòng, Trường Sơn, Thanh Loan, Xuân Yến, Chí Bảo đều đã U.70 nhưng phải biểu diễn vũ đạo và nhập vai tính cách căng thẳng.
Quế Trân, Trinh Trinh, Tú Sương cũng mướt mồ hôi với những nhân vật đòi hỏi vũ đạo và tâm lý. NSƯT Thành Lộc thì duyên dáng trong nét hài kịch với cậu bé Thánh Gióng. Thật sự, các nghệ sĩ đều phải biết ca cải lương lẫn hát bội, cộng với những làn điệu hồ quảng, như vậy mới làm nên một thể loại đặc biệt là "cải lương tuồng cổ" thu hút khán giả suốt nửa thế kỷ. Đó cũng là điểm nổi bật nhất của dòng tộc này - khai sinh ra một thể loại sân khấu mới, dung nạp những tinh hoa của nghệ thuật dân tộc và của nước ngoài. NSND Thanh Tòng chính là người chủ soái, có công lớn nhất.
Ông từng bị tiếng oan, nhưng nay đã được công nhận. Và có lẽ khán giả cũng công nhận quá trình phát triển của nghệ thuật cải lương đã phải đi qua những chặng đường gian khó chống lại văn hóa ngoại lai bằng cách dung nạp và đồng hóa dần những yếu tố của nước ngoài. Và sân khấu đã "trả công" cho những nỗ lực đó bằng rất nhiều giải thưởng, huy chương vàng trong các cuộc thi Trần Hữu Trang và hội diễn sân khấu. Thôi, thế cũng đã yên lòng vị chủ soái Thanh Tòng!
Đêm diễn khép lại với một bất ngờ… Cô bé đóng vai Thánh Gióng chính là Hồng Quyên, con của Tú Sương, mới 5 tuổi đã tỏ rõ năng khiếu diễn xuất lẫn vũ đạo. Khán giả vỗ tay muốn vỡ rạp. Và cậu bé Minh Khang cháu nội của Thanh Tòng cũng múa thương thật dẻo, giọng lảnh lót y như hát bội. Phải chăng dự báo cho thế hệ thứ 6 sẽ tiếp tục rạng ngời sau cánh màn nhung?
Hoàng Kim
Bình luận (0)