Phong trào giải phóng đồng bằng sông Niger (MEND) đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ nổ một đường ống vận chuyển dầu chính tại cảng Forcados của hãng Shell, xảy ra vào 8 giờ 30 phút sáng 17.6 (theo giờ Nigeria).
Báo cáo tuần được Bộ Năng lượng Mỹ công bố ngày 17.6 cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ trong tuần vừa qua (tính tới ngày 12.6) tiếp tục giảm thêm 3,87 triệu thùng, xuống còn 357,7 triệu thùng.
Giá dầu thô giao tháng 7 tại Sở giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) chốt phiên ngày 17.6 ở mức 71,03 USD/thùng, tăng 56 cent so với phiên trước đó. Sáng và trưa nay, giá dầu tại đây tiếp tục tăng.
Lúc 10 giờ sáng nay (giờ VN), giá dầu này ở mức 71,16 USD/thùng. Mức giá cao nhất ghi nhận được trong sáng nay là 71,58 USD/thùng. Hiện giá dầu thô tại New York cao hơn 60% so với hồi đầu năm.
Giá dầu Brent giao tháng 8 tại London (Anh) chốt phiên ngày 17.6 ở mức 70,85 USD/thùng, tăng 61 cent so với phiên trước đó. Lúc 7 giờ 47 phút sáng nay, giá dầu này nhích tiếp lên mức 71,12 USD/thùng.
* Theo thông tin từ Chính phủ Mỹ, kế hoạch cải tổ ngành y tế, chăm sóc sức khỏe của Ủy ban tài chính Thượng viện Mỹ có thể sẽ hoàn tất vào tháng 7 tới. Ủy ban này đang cố gắng để giảm chi phí của kế hoạch cải tổ xuống dưới mức 1.000 tỉ USD và đạt được sự đồng thuận giữa hai chính đảng Mỹ. Thông tin này giúp thị trường chứng khoán Mỹ khởi đầu khá suôn sẻ trong phiên giao dịch ngày 17.6 (kết thúc rạng sáng nay, 18.6, theo giờ VN).
Tuy nhiên, ở nửa sau phiên giao dịch, động thái của hãng đánh giá tín dụng độc lập của Mỹ Standard & Poor’s (S&P) hạ định mức tín dụng của 18 ngân hàng Mỹ đã khiến thị trường đi xuống. Kết thúc phiên giao dịch, các chỉ số chứng khoán Mỹ dao động nhẹ so với mức chốt phiên ngày 16.6.
Cổ phiếu của Pfizer, hãng dược phẩm lớn nhất thế giới, tăng 3%, cổ phiếu của công ty sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe Johnson & Johnson tăng 1,1%, cổ phiếu của Watson Pharmaceuticals Inc. tăng 5%.
Cổ phiếu của Wells Fargo giảm hơn 5,3% sau khi S&P nhận định tương lai không mấy khả quan đối với ngân hàng này. Cổ phiếu của một số ngân hàng khác cũng giảm, như: BB&T Corp giảm 2,9%, KeyCorp, ngân hàng lớn nhất vùng Ohio, giảm 7,8%. Chỉ số KBW Bank của 23 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ giảm 3,3%, mức giảm mạnh nhất trong gần 3 tuần qua.
Chỉ số S&P 500 trong phiên này giảm 0,1% xuống còn 910,71 điểm; hai phiên liền trước đó, chỉ số này đã giảm tới 3,6%. Chỉ số Dow Jones Industrial giảm 7,49 điểm xuống còn 8.497,18 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq Composite tăng nhẹ 0,7% lên mức 1.808,06 điểm.
Chứng khoán châu u trong phiên này cũng giảm điểm. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 50,11 điểm xuống còn 4.278,46 điểm, CAC 40 của Pháp giảm 52,81 điểm xuống còn 3.161,14 điểm, DAX của Đức mất tới 90,74 điểm xuống còn 4.799,98 điểm.
Chứng khoán châu Á trong phiên cùng ngày ghi nhận sự tăng trở lại của chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản với mức tăng 0,9% lên thành 9.840,85 điểm. Chỉ số HSI của Hồng Kông tiếp tục giảm nhưng với mức độ nhẹ hơn những phiên trước đó, mất 80,9 điểm xuống còn 18.084,6 điểm.
* Giá vàng tại sàn NYMEX tiếp tục tăng trong mấy ngày trở lại đây, dù mức độ tăng khá nhẹ. Giá vàng giao tháng 8 chốt phiên ngày 17.6 ở mức 936 USD/ounce, tăng 3,8 USD/ounce, tương đương 0,4%.
Lúc 10 giờ 4 phút sáng nay, giá vàng tại đây tiếp tục tăng lên mức 940,9 USD/ounce. Mức giá cao nhất ghi nhận được trong sáng nay là 944 USD/ounce.
* Lúc 10 giờ 9 phút sáng nay, tỷ giá trao đổi giữa dollar Mỹ, yen Nhật và euro là 1 EUR đổi 1,3968 USD; 1 USD đổi được 95,82 JPY.
Thu Hạnh
(Theo Bloomberg, Reuters)
Bình luận (0)