Hiện trường cho đến ngày hôm qua vẫn được Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn Vĩnh Cửu bảo vệ khá nghiêm ngặt, ngay cả báo chí cũng không được vào với lý do "ảnh hưởng đến công tác điều tra". Phải nhờ sự can thiệp của một lãnh đạo Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu, cánh cổng của Trạm kiểm lâm Suối Kốp mới mở ra cho xe chúng tôi vào hiện trường.
Tại hiện trường, xác 2 con voi nằm chết cách nhau trên 3 mét, đầu cùng quay về hướng đông, xác đã thối rữa, lộ ra 2 bộ xương to tướng. Theo Hạt kiểm lâm Vĩnh Cửu, trong khoảng 1 tháng (từ 10.5 đến 10.6) đàn voi ở xã Phủ Lý không xuất hiện quấy phá dân làng đồng thời có tin đồn voi chết trong rừng, nên Hạt kiểm lâm Vĩnh Cửu cùng Hạt kiểm lâm khu bảo tồn tổ chức tìm kiếm, nhưng không phát hiện được gì. Đến 11 giờ ngày 15.6, Hạt kiểm lâm nhận được tin báo phát hiện 2 con voi đã chết tại khoảnh 1, tiểu khu 59. Chứng kiến hiện trường, nhiều cán bộ kiểm lâm đã loại bỏ thông tin “voi bị sát hại bằng cách cắt cổ”. "Vì đầu voi vẫn còn nguyên vẹn không có dấu hiệu đứt lìa. Hơn nữa voi sống theo bầy đàn, nếu như có việc sát hại thì rất dễ dẫn đến hiện tượng trả thù con người" - một cán bộ kiểm lâm cho biết.
Còn ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu nghiêng về khả năng voi bị ngộ độc thực phẩm vì trong bao tử vẫn còn sót lại nhiều hạt xoài. "Có khả năng người dân đã dùng thuốc bảo vệ thực vật xịt cho xoài nên khi voi ăn vào bị ngộ độc" - ông Mùi nói. Bàn về việc voi chết do con người sát hại, ông Mùi nói: "Khó xảy ra vì hiện trường không thể hiện đã xảy ra cuộc săn, 2 con voi chết đều chưa có ngà, 8 cái chân vẫn còn nguyên vẹn". Còn khả năng “đầu độc trực tiếp voi” thì vẫn chưa được xác nhận và Công an tỉnh Đồng Nai đang điều tra làm rõ.
Trước đó, vào ngày 17.6, Phòng An ninh điều tra (PA 24) đã phối hợp với Phòng Kỹ thuật hình sự (PC 21) Công an tỉnh Đồng Nai tiến hành khám nghiệm hiện trường, phát hiện trên đầu một con voi có vết nứt chân chim, trong dạ dày của 2 con đều có nhiều cỏ và hạt xoài... Đặc biệt, công an phát hiện 6 đế chân voi nằm cách vị trí 2 xác chết từ 2,2m đến 2,6m (2 cái còn lại thì nằm sát vị trí voi chết). Với hiện trường như vậy, cũng không loại trừ khả năng voi bị sát hại. Hiện công an đã thu giữ 8 đế chân voi và hạt xoài trong bao tử để xét nghiệm.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, tiến sĩ Phan Việt Lâm, Phó giám đốc Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho biết, nếu voi ngộ độc do ăn phải xoài có thuốc trừ sâu thì phải ăn số lượng lớn trái cây vừa mới được phun thuốc trừ sâu. Còn nếu ăn ít (voi không thích loại trái cây này vì axít cao) hoặc phun thuốc đã lâu thì rất khó tử vong. Nói chung, phải xét nghiệm thức ăn trong bao tử mới biết được nguyên nhân có phải ngộ độc hay không. Đế chân voi được dân gian lưu truyền làm đồ mỹ nghệ, hoặc là thực phẩm bổ dưỡng nên có giá trị cao. Cho nên dân săn voi sẽ không bao giờ bỏ lại đế chân voi. |
Hoàng Tuấn
Bình luận (0)