Sông Mekong đang bị đe dọa. Đó là thông điệp đầu tiên mà Liên minh cứu trợ sông Mekong (Save the Mekong Coalition - SMC) đưa ra để nói về việc chính phủ các nước Thái Lan, Lào, Campuchia lên kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện trên dòng chảy chính của con sông chảy xuyên Đông Nam Á này.
Trong số này, 7 điểm dự tính xây đập thủy điện là ở Lào, 2 ở biên giới Thái-Lào và 2 ở Campuchia. Và nếu sông Mekong bị chặn, nó sẽ ảnh hưởng đến sự di cư của các loài thủy sinh vật, tác động đến dòng chảy tự nhiên và đặt hàng triệu người sống phụ thuộc vào sông Mekong vào tình thế nguy cấp về lương thực và thu nhập. Bà Premrudee Daorung, đồng Giám đốc Quỹ Phục hồi sinh thái đặt tại Bangkok, cho phóng viên Báo Thanh Niên hay các dự án thủy điện trên chưa được xây dựng nhưng một số dự án đã bắt đầu quá trình tìm thị trường.
Sông Mekong cung cấp một lượng thủy sản nước ngọt thuộc loại lớn, nuôi sống khoảng 60 triệu người, theo số liệu của SMC. Sản lượng thủy sản ở khu vực này đem lại khoảng 3 tỉ USD/năm. Sông Mekong còn sở hữu sự đa dạng thủy sinh học lớn thứ 2 trên thế giới, sau sông Amazon ở Nam Mỹ. Trong đó có 2 loài trong diện bị đe dọa và có nguy cơ tuyệt chủng là cá tra dầu khổng lồ và cá heo nước ngọt Irrawady.
Chưa kể khi lượng nước từ thượng nguồn đổ về hạn chế thì nước biển từ ngoài sẽ xâm thực vào, cộng với việc nước biển dâng cao do tình trạng Trái đất ấm dần lên sẽ làm đất ở ĐBSCL bị ngập mặn Tiến sĩ Ngô Xuân Quảng, quyền Trưởng phòng Công nghệ & Quản lý môi trường thuộc Viện Sinh học Nhiệt đới VN |
Cũng theo bà Premrudee, nguy cơ đầu tiên mà sông Mekong có thể hứng chịu nếu dòng chảy chính bị chặn đó là sự di cư của các loài thủy sinh vật. Cụ thể, tại biển hồ Tonle Sap ở Campuchia, 70% thủy sinh vật thường di cư ngược dòng Mekong lên hướng Lào và ngược lại. Và nếu dòng Mekong bị chặn, sự di cư của các loài thủy sinh vật bị ảnh hưởng, kéo theo tác động đến cuộc sống của hàng triệu người sống phụ thuộc vào dòng sông này. Tại khu vực hạ Lào và Campuchia, có 5 vị trí mà người ta dự định xây dựng đập thủy điện. Theo bản đồ của SMC, nhiều đập nước ở vùng thượng lưu sông Mekong bên phía Trung Quốc đã, đang và sắp được xây dựng. Tuy nhiên, chiến dịch kêu gọi lần này chỉ thấy gói gọn trong các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Từ tháng 3.2009, một chiến dịch đã được SMC khởi xướng bằng cách thu thập hàng ngàn chữ ký trên các bưu thiếp mang thông điệp cứu sông Mekong. Tính đến nay, 16.380 chữ ký đã được thu thập, trong đó có 4.015 chữ ký trên mạng. Các nước trong khu vực sông Mekong chảy qua (bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và VN) thu thập được 11.757 chữ ký. Tất cả những chữ ký này sẽ được gửi đến chính phủ các nước Thái Lan, Lào, Campuchia và VN như một kiến nghị thư kêu gọi hãy để dòng Mekong được chảy tự do vì cuộc sống hôm nay và mai sau. Từng ấy chữ ký tuy chưa nhiều, nhưng theo bà Premrudee, đó là bước khởi đầu để bảo vệ con sông.
VN bị ảnh hưởng
Đoạn cuối của dòng Mekong chảy qua đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ở VN trước khi chia làm 9 nhánh đổ ra biển. Không có một dự án đập thủy điện nào tại khu vực này nhưng VN cũng sẽ gặp nhiều nguy cơ nếu dòng Mekong bị chặn.
Có mặt tại buổi lễ phát động chiến dịch “Hãy cứu sông Mekong” tại Bangkok hôm 18.6, Tiến sĩ Ngô Xuân Quảng, quyền Trưởng phòng Công nghệ & Quản lý môi trường thuộc Viện Sinh học nhiệt đới VN, trao đổi kỹ hơn với phóng viên Thanh Niên về vấn đề này.
Ông Quảng nói nguy cơ mà VN gặp phải là rất lớn vì nước ta ở cuối dòng của sông Mekong, gần như sẽ chịu tất cả mọi tác động từ thượng nguồn. ĐBSCL trù phú được như hiện nay, với sản lượng lớn về gạo và thủy sản, là nhờ vào dòng sông này. Nếu dòng sông bị ngăn đập thì hạn chế đầu tiên là nước. Thứ nhất, phù sa cung cấp hằng năm cho ĐBSCL sẽ giảm. Đất ruộng cũng sẽ bị axít hóa nếu thiếu nước rửa phèn. Lượng cá từ thượng nguồn đổ về cũng sẽ ít đi, ảnh hưởng đến bà con sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản, buộc họ phải chuyển nghề.
“Đó là chưa kể khi lượng nước từ thượng nguồn đổ về hạn chế thì nước biển từ ngoài sẽ xâm thực vào, cộng với việc nước biển dâng cao do tình trạng Trái đất ấm dần lên sẽ làm đất ở ĐBSCL bị ngập mặn”, ông Quảng giải thích.
Các tác động tiềm ẩn của việc chặn dòng sông Mekong cũng có thể kể đến như việc làm biến đổi dòng chảy, phá vỡ hệ sinh thái và làm sụt lún, xói lở ven bờ, đáy sông bị tụt xuống cũng khiến các mạch nước ngầm bị đẩy xuống sâu hơn. Nguồn nước cung cấp cho cư dân khi đó sẽ thiếu, theo ông Quảng.
Tuy nhiên, ở VN, chiến dịch cứu sông Mekong có vẻ như chưa được tuyên truyền sâu rộng. Nếu như ở Campuchia có 2.673 người tham gia ký tên kêu gọi bảo vệ dòng Mekong, ở Lào là 611 và ở Thái Lan là 7.756 thì ở VN chỉ có 337 chữ ký (trong đó trên mạng là 97 chữ ký). Tác động của việc ngăn dòng chảy sông Mekong, thiết nghĩ, cần được sự quan tâm sâu rộng hơn nữa.
Cá heo sông Mekong sắp tuyệt chủng Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) vừa cho hay loài cá heo nước ngọt Irrawaddy ở sông Mekong có nguy cơ sắp tuyệt chủng khi số lượng cá thể loài này chỉ còn từ 64 đến 76, theo AFP. Nguyên nhân dẫn đến mối nguy này được cho là các chất độc được thải trên sông. Trong hơn 50 cá thể chết từ năm 2003, người ta đã tìm thấy dư lượng thuốc trừ sâu, thủy ngân và các chất ô nhiễm khác trong cơ thể chúng. WWF cũng tin rằng mức độ thủy ngân cao được tìm thấy trong cơ thể những con cá heo chết có thể xuất phát từ các hoạt động đào vàng. Cá heo Irrawaddy sinh sống tập trung ở khu vực sông Mekong đoạn giữa Lào và Campuchia |
Việt Phương (tường thuật từ Bangkok)
Bình luận (0)