Sau 3 tiếng đếm của trọng tài, người chủ thả gà vào cuộc. Thế nhưng, con “khét” chỉ gắng gượng lảo đảo từng bước về phía đối thủ để rồi tiếp tục lãnh những vết cựa chí mạng... Trận đấu kết thúc khi con “khét” giãy chết đành đạch. Lúc chủ gà thất vọng ôm xác gà rời cuộc chơi thì trên khắp khán đài, biện và các con bạc bắt đầu cuộc chung, chi. Trong sân đấu, nhân viên trường gà nhanh nhảu lau dọn sạch những vết máu để bắt đầu một cuộc tỷ thí khác...
“Luật chơi” muôn mặt
Trên đây là một trận đấu thắng thua rõ ràng. Có những trận đấu đôi gà đâm nhau nát mình, thậm chí đổ gục trên xác nhau vẫn bất phân thắng bại. Khi ấy, trọng tài dùng tấm kính trong ngăn giữa đường biên xem gà nào còn gượng đứng được thì tuyên bố thắng cuộc theo luật “gà đứng ăn gà nằm”. Tuy nhiên, không hiếm những trường hợp cả hai gà chiến đều không thể đứng dậy. Và như thế, để đảm bảo phân định nhiều tình huống khó xử trên sân đấu, các điều luật đã được vạch ra...
Ở nhiều trường gà, “luật” được thể hiện trên những tấm bảng quy định thắng thua, với những điều khoản ràng buộc đối với tất cả những người trong cuộc. Trong đó, đề cập rõ ràng những tình huống có thể xảy ra trong lúc gà giao đấu và tối đa hóa quyền hạn của trọng tài, như trong... bóng đá.
Khác với một số trường gà “chui” ở Việt Nam, trọng tài ở những trường gà này rất chuyên nghiệp, được một nhóm người có uy tín bầu lên. Trọng tài được chủ trường trả lương hậu để không phải tham gia cá độ, làm mất tính công minh khi điều hành cuộc chơi.
Tuy có trọng tài hẳn hoi, nhưng trong quá khứ đã có rất nhiều gian lận xảy ra trong môi trường đỏ đen này. Sau nhiều phen phát hiện các chủ gà thông đồng với nhau để đá “gà cặp” (gà thua độ, bị phá hư chân để khi đá chắc chắn thua trận. Sau đó móc nối để cáp đá độ với gà lành lặn. Chuyện thắng thua đã được dàn xếp trước để gá bạc), nhiều trường gà đã quy định gắt gao để tránh gian lận, nhằm thu hút nhiều hơn khách đến chơi.
Tại trường gà Tà Mau, nếu bị phát hiện “gà cặp” thì chủ gà bị phạt ngay 20 triệu đồng. Ở đây nổi tiếng với nhiều khoản phạt, thậm chí, còn quy định những mức phạt... ở bên ngoài sàn đấu.
Nếu như tại trường Chrey Thum, việc cấm mang camera, vũ khí, ma túy vào trường gà được in hình ở trước cửa ra vào thì ở trường Tà Mau, điều này được cụ thể hóa bằng những tấm bảng to treo khắp nơi: “ai quay phim, chụp ảnh phạt 10 triệu” (ai bắt gặp được thưởng 1 triệu)...
Ở mỗi trường gà đều có đông đảo lực lượng vệ sĩ để bảo an và quan sát những ai mà họ cho là có dấu hiệu bất thường. Bước vào trường Tà Mau, khi chúng tôi vừa đưa chiếc điện thoại lên tai thì lập tức có người nhắc nhở: “Đừng có chụp hình, bị lấy máy bây giờ”...
“Chuyển nhượng” gà đá
...Thất vọng bỏ xác gà vào giỏ đệm, chủ gà L. vẫn còn hậm hực: “Mới bắt nó về với giá 5 chai. Hôm qua nó còn “xổ” được lắm, vậy mà ra trường đấu lại bị phản”.
Một người tự an ủi: “Thì nó đấu banh xác còn gì. Thua cũng đáng đồng tiền”. Xác con gà 5 triệu lập tức được một người đến dạm mua với giá... 100 ngàn. Chủ gà ném một câu chửi thề rồi quẳng giỏ, bỏ đi.
Một cậu bé người Campuchia thoa nghệ khắp người con gà vừa thắng độ cho “săn thịt” |
Mua được gà xác, gã thanh niên nhanh chân chạy ra bờ sông. Tại đây, gần khu nhà vệ sinh công cộng ở Chrey Thum, bên bãi đậu của những chiếc xe Lexus, Camry, Land Cruise... đời mới, là một bãi lông gà to đùng. Chưa quá 5 phút, gã đã vặt lông nhẵn nhụi con gà “khét”, cho vào thùng rồi lại tiếp tục chờ chực để “săn” xác gà về bán quán nhậu. Khi chúng tôi hỏi, gã không quên tiếp thị quán với những món đặc sản gà đá vừa ngon vừa rẻ “bảo đảm gà nòi vì một trăm phần trăm được mua từ trường gà đem về”.
...Vài phút trước, con “cú chân xanh” được đưa ra so cựa với con “điều” đã được nhiều biện gà đưa ra tỷ lệ cược khá điên khùng: 10 ăn 5! C., một thanh niên ở Chợ Mới nách gà “chạy nhộn” qua đây giải thích: “Cú chân xanh thuộc dạng hiếm, người ta tin dữ lắm!”. Thế nhưng, chỉ sau vài phút oanh liệt thu hút vài trăm triệu tiền đá, con cú “hàng hiếm” đã nằm run run. Thua đau, chủ gà không màng đến cái xác ngất ngư, ném phắt nó vào một góc khán đài. Khi C. tiếc hùi hụi, tìm xem con cú còn sống không để dạm mua với giá 300 ngàn thì đã muộn. Ở ngoài bãi lông, gã chủ quán đã nhổ trụi con gà hiếm...
Hằng ngày, mỗi trường gà có từ 50 đến 70 cặp gà đá. Có ít nhất phân nửa số trận đó, các “đấu sĩ” kết thúc số phận của mình bởi những nhát cựa sắt chí mạng. Khi bị dính cựa, những con gà bị thương nhẹ được chủ đem về dưỡng, đợi ngày tái xuất giang hồ, số tử thương thì trở thành mồi nhậu. Đời gà đá vẫn như vậy từ xưa đến nay, khi thắng trận thì được tài chủ cưng như vàng, nhiều tài chủ còn thuê hẳn người chăm sóc, bảo vệ theo vào đấu trường, giữ gà kè kè để khỏi bị thuốc, bị phá... Nhưng nếu bại trận, gà vàng, gà bạc phút chốc còn rẻ hơn gà thịt ở chợ.
Trong một buổi chiều, người chủ quán nhậu hí hửng vớ được nhiều con gà xác giá rẻ. Cũng trong một buổi chiều, chủ của những “đấu sĩ” trở thành... món nhậu ấy sống trong tâm trạng sầu nẫu ruột! Không thể đếm hết bao nhiêu con bạc “phóng” cùng những “chiến binh” thua trận đã thất thần cạn túi. Và cũng trong một buổi chiều ấy, có những cuộc giao dịch khác. Nhiều con gà chiến thắng, vừa rời sân đấu, ngay lập tức đã nhận được những yêu cầu chuyển nhượng với giá trên trời. Chủ gà vừa thắng bạc, lại bán được gà với giá gấp nhiều lần tiền mua, phơi phới rủ nhau về bên kia biên giới nhậu một trận đã đời. (Còn tiếp)
Phóng sự của Tiến Trình
Bình luận (0)