Nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long như Kiên Giang, Đồng Tháp…, môn thi Ngữ văn chỉ đạt 20%-22% số bài làm có điểm 5 trở lên. Nghĩa là có khoảng 80% TS có điểm thi môn Văn dưới 5! Kết quả “bất ngờ” ấy đã khiến một số tỉnh ngỡ ngàng và chưa dám cho công bố điểm thi tốt nghiệp.
Ở đây ba khả năng có thể xảy ra: một là, trình độ học môn Văn của TS quá yếu; hai là, đề thi quá khó; và ba là, đáp án quá cứng nhắc, nói thẳng ra là phản lại bản chất “mềm” của văn học, lại được những người chấm bám quá sát, khiến bài thi bị cắt vụn và khô cứng, không phản ánh được thực chất bài làm của TS. Trong hai khả năng sau, thì khả năng đề thi quá khó đã được loại trừ, vì đề thi Văn năm nay rất vừa với trình độ trung bình của TS, và đề được ra khá hay, bám sát vào chương trình lớp 12. Khả năng đáp án “cứng nhắc” có thể xảy ra, nhưng không thể vì thế mà đưa đến một kết quả thi tiêu cực trên diện rộng đến như vậy! Theo tôi, cái “có vấn đề” đầu tiên nằm ngay ở cách dạy Văn và học Văn hiện nay.
Từ nhiều năm nay, Ngữ văn đã không còn là môn học hấp dẫn học sinh trong nhà trường. Không phải vì thiếu những bài văn hay trong sách giáo khoa để học sinh có hứng thú khi học, mà chính từ cách dạy văn theo kiểu xơ cứng, không chỉ “thầy đọc trò chép” một cách hoàn toàn thụ động, mà còn ở cách đánh giá bài tập làm văn (tự luận) của học sinh. Cách ra đề, đặt câu hỏi thường nhắm đến mục tiêu: đúng hay sai, chứ không phải: hay hoặc dở. Vì thế, có những bài văn học sinh viết rất hay, rất sáng tạo nhưng bị cho điểm kém với nhận xét: lạc đề! Từ chỗ bài giảng văn được dạy một cách khô cứng, ngày càng hướng đến một quy trình đánh giá theo kiểu trắc nghiệm, cứ đủ ý là được điểm, bất kể học sinh diễn đạt như thế nào, và điểm từng bài văn được chia nhỏ ra đến 0,25, cứ ngỡ như chính xác, nhưng thực ra đã biến bài văn thành cái xác khô. Trên nền dạy và chấm Văn như thế, nên những “bài văn mẫu” có đất tung hoành, và học sinh chỉ cần học thuộc lòng văn mẫu và áp dụng đúng vào bài thi là đạt kết quả tốt. Cái đó thực ra còn đáng sợ hơn cả con số 20% điểm Văn dưới trung bình!
Sự thiếu kiên nhẫn trong dạy Văn, sự khô cứng trong đánh giá bài văn, sự rập khuôn trong cách thành lập “chuẩn văn” đã dẫn tới sự lười biếng, thụ động và thiếu sáng tạo của học sinh khi học Văn. Chính vì thế, môn Văn ngày càng khiến học sinh chán học. May mà, vẫn có những ngoại lệ, khi có những thầy cô giáo dạy Văn bằng tất cả tâm hồn và sự đào sâu tìm hiểu, dạy với niềm cảm hứng trước tác phẩm, và những học sinh học Văn vì yêu thích những tác phẩm văn học, vì môn Văn mở cho các em những chân trời khác lạ của ước mơ, của niềm vui khám phá những bí ẩn của ngôn từ, vì học Văn là để tự thể hiện mình, trong một đề văn chung lại có bao nhiêu cách làm bài khác nhau, vì “mỗi người là một người”. Một bài văn, dù là văn học trò, vẫn phải có ý, có tứ, nhưng nếu ý và tứ không diễn đạt được bằng văn thì không thể coi đó là bài văn hay. Ngay những bài văn trung bình, vẫn rất nên chú ý đến yếu tố văn – nghĩa là cách diễn đạt - của bài, chứ không chỉ chăm chăm vào… ý. Cứ đủ ý là đủ điểm.
Với điểm số thấp đến kinh ngạc của môn thi Ngữ văn năm nay, theo tôi, có khi lại là điều tốt. Vì ngành GD-ĐT sẽ phải “giật mình” để đánh giá lại một cách nghiêm túc và toàn diện cách dạy Văn và học Văn trong nhà trường, cả cách chấm điểm Văn trong các kỳ thi, lý do vì sao học sinh không hào hứng học Văn, vì sao kết quả học môn Văn của học sinh lại kém bất thường như vậy? Có báo động để có thay đổi vẫn tốt hơn!
Thanh Thảo
Bình luận (0)