Vi phạm Luật Cạnh tranh?
Theo một cán bộ điều tra, vấn đề đụng phải lại nằm ở chỗ, ngoài SCR chỉ có 5 chi tiết bảo hộ kiểu dáng công nghiệp thì xe Spacy đã hết thời hạn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Trong khi đó, theo Luật Sở hữu trí tuệ, sau 2 năm, nếu doanh nghiệp không đăng ký lại về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp thì coi như sản phẩm (SP) hết thời hạn bảo hộ. Vấn đề được đặt ra, trong trường hợp hai mẫu xe (SCR và Spacy) của hãng Honda không bảo hộ kiểu dáng công nghiệp hoặc hết thời hạn bảo hộ kiểu dáng thì có thể xử lý được xe nhái kiểu dáng y hệt không?
Nếu xác định nhái kiểu dáng y hệt là vi phạm Luật Cạnh tranh thì hãy thử điểm lại trên thị trường có biết bao nhiêu SP nhái kiểu của các SP chính hãng lớn, từ Ipod của Apple đến hàng loạt điện thoại như model 7610 Super Nova, 8800 Arte, 6303 của Nokia hay Sony Ericsson S500, W580... gần như được khai thác triệt để. Và quan trọng hơn, những SP này vẫn đang bày bán tràn lan. Liệu hiện tượng này có vi phạm Luật Cạnh tranh không? Câu trả lời vẫn còn để ngỏ.
Quảng cáo “lách luật”
Hiện tượng na ná nhau về kiểu dáng SP và những chiêu quảng cáo “lách luật” đang ngày càng trở nên phổ biến. Người tiêu dùng ở giữa tưởng như là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất vì được sử dụng những SP có bề ngoài y hệt SP của những hãng tên tuổi mà giá cả lại rẻ hơn nhiều lần. Tuy nhiên, ngoài chuyện các SP nhái vi phạm Luật Cạnh tranh vì “copy” kiểu dáng, liệu các SP này có vi phạm Luật Quảng cáo khi đã quảng cáo quá nhiều tính năng cho SP mà chất lượng thì vẫn còn là câu hỏi! Ví dụ, điện thoại Nokia 8800 Arte đã bị một thương hiệu điện thoại nhái y hệt với giá bán chỉ bằng gần 1/10 và SP này được quảng cáo có gần như đầy đủ tính năng của điện thoại chính hãng. Nhưng chất lượng của những tính năng này ra sao thì trong quảng cáo tất nhiên không hề nhắc đến.
Tưởng như Luật Cạnh tranh chỉ là “sân chơi” dành cho các doanh nghiệp và luật pháp nhưng chính người tiêu dùng lại là đối tượng trực tiếp chịu tác động của việc vi phạm luật này.
Kết quả nghiên cứu do ban tổ chức chương trình “Hãy là người tiêu dùng thông minh” vừa tiến hành đối với người tiêu dùng TP.HCM là một hồi chuông cảnh báo cho nhiều người. Trong 75 người có chưa đến 50% khách hàng hài lòng với chọn lựa của mình, có đến 19% hoàn toàn không hài lòng với hàng không phải thương hiệu nổi tiếng. Trong khi gần 100% khách hàng hài lòng với việc chọn lựa những dòng hàng danh tiếng. Chỉ 4% trong số khảo sát cho biết hài lòng với chất lượng của những SP có thương hiệu lạ. Không chỉ thế, 29% người được hỏi đã phải chịu lỗ trên 70% sau một năm sử dụng SP mang thương hiệu như thế. Chính vì những kinh nghiệm đó, đến 73% khách hàng nói sẽ cân nhắc nhiều hơn về hệ thống bảo hành, linh kiện khi chọn mua. Đó cũng là lý do khiến cho đến 100% người trả lời nếu mua mới sẽ chỉ chọn mua hàng chính hãng.
Theo nhận định của bà Đinh Thị Mỹ Loan, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, số lượng người tiêu dùng khiếu nại về chất lượng hàng hóa, dịch vụ đang ngày càng tăng lên, hành vi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng ngày càng trở nên phức tạp. Do đó, câu chuyện của Luật Cạnh tranh lại quay về với ý thức của người tiêu dùng. Hãy tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để trở thành người tiêu dùng thông minh và tỉnh táo nhé!
Đọc bài Hàng thời trang nhái trên mục “Hãy là người tiêu dùng thông minh” của Báo Thanh Niên tôi thật sự thấy tâm đắc. Cũng như tất cả mọi người tiêu dùng khác, tôi rất bức xúc trước hiện tượng hàng nhái, hàng giả tràn lan như hiện nay. Chẳng hạn sau 2 tháng trời thắt lưng buộc bụng, tôi mới dám sắm cho mình một chiếc quần jeans trong một shop có tiếng của thị xã với giá 600.000 đồng. Mua xong chiếc quần, mấy ngày sau tôi còn cảm thấy áy náy vì nó quá đắt. Tôi cất giữ, giặt giũ chiếc quần thật cẩn thận. Chỉ khi nào đi đâu chơi hoặc có việc quan trọng tôi mới đụng đến nó. Vậy mà mới mặc đến lần thứ 3, vải quần đã co lại, màu vải phai đi nhiều so với khi mới mua. Chỉ đến khi có người em họ ở thành phố lên chơi tôi mới biết rằng quần của tôi là quần nhái. Em tôi bảo với chiếc quần của tôi, em tôi nhập về chỉ với giá 80.000 đồng và bán độ 120.000 - 150.000 đồng! Vàng, thau, thật, giả lẫn lộn. Nhất là giữa lúc hàng nhiễm chất độc từ Trung Quốc đang trà trộn vào thị trường như hiện nay. Không chỉ riêng tôi mà tôi biết còn rất nhiều người tiêu dùng đã bị tiền mất tật mang vô lý như vậy. Vậy mà, người mua vẫn mua, người bán vẫn bán... Dương Thị Ngọc |
Trương Nhi
Bình luận (0)