Mặc dù GERD là một bệnh hoàn toàn thuộc về đường tiêu hóa, nhưng đôi khi người bệnh đi khám vì các biểu hiện ngoài đường tiêu hóa. Trong tình huống như vậy, họ có thể được chẩn đoán nhầm với các bệnh tai mũi họng, tim mạch và hô hấp.
Bệnh dạ dày lại khám phổi!
Bà T.T.M., 60 tuổi, bị bệnh tăng huyết áp khoảng mười năm qua, uống thuốc hằng ngày nên huyết áp ổn định. Khoảng một tháng trước bà M. bị ho kéo dài nên đi khám phổi, tái khám đôi ba lần nhưng ho vẫn hoàn ho. Mấy hôm nay bà bị đau ngực và ợ nóng, nhờ thế nguyên nhân gây ho kéo dài của bà M. mới được xác định chính xác.
Tuy nhiên không phải ai bị GERD cũng dễ chẩn đoán như bà M.. Như trường hợp của cô T.N.A., đi khám bệnh vì lúc nào cũng có cảm giác như có cục gì đó ở họng. Chẩn đoán ban đầu của bác sĩ là do bướu cổ. Sau một thời gian điều trị bướu cổ thấy không bớt nên cô chuyển qua khám tai mũi họng, được chẩn đoán là viêm họng và loạn cảm vùng họng...
Các triệu chứng điển hình của GERD là ợ nóng, trớ, buồn nôn hoặc nôn. Nếu người bệnh có các triệu chứng này thì việc định bệnh sẽ dễ dàng.
Chất dịch dạ dày khi trào ngược vào thực quản sẽ kích thích các sợi thần kinh gây ra triệu chứng ợ nóng và đau. Cảm giác nóng đau thường nằm ở giữa ngực, đôi khi bắt đầu từ trên rốn lan lên cổ hoặc ra lưng. Một số bệnh nhân khác có cảm giác đau giống như cơn đau thắt ngực do bệnh mạch vành. Triệu chứng ợ nóng thường nặng hơn sau khi ăn no, khi đứng cúi người hoặc khi nằm. Chính vì thế mà ợ nóng thường xuất hiện về khuya và có thể làm người bệnh thức giấc.
Tuy nhiên không phải người bị GERD nào cũng có các triệu chứng điển hình như đã kể ở trên. Các triệu chứng không điển hình thường là lý do làm người bệnh hiểu nhầm và đi khám chuyên khoa khác. Khi chất dịch dạ dày trào ngược vào thực quản và lan lên tới vùng hầu họng sẽ gây ra các triệu chứng đau họng, hư răng, nấc cụt, khàn giọng, ho kéo dài, lên cơn khó thở như là suyễn. Nếu người bệnh hít phải chất dịch dạ dày có thể gây ra bệnh viêm phổi hít rất nguy hiểm. Ở trẻ nhỏ, chất dịch này có thể gây viêm xoang mũi, viêm tai giữa.
Thủ phạm thuốc lá
Nguyên nhân gây ra GERD rất phức tạp, nhiều khi trên cùng một người bệnh có thể có nhiều nguyên nhân phối hợp.
* Giữa dạ dày và thực quản có cơ vòng đóng vai trò như một cái van cho thức ăn đi xuống và ngăn không cho thức ăn hay dịch từ dạ dày trào ngược vào thực quản. Khi cơ này đóng mở không nhịp nhàng sẽ gây ra GERD.
* Bình thường dạ dày nằm ở bụng ngay dưới cơ hoành, khi dạ dày bị thoát vị hoành thì một phần dạ dày sẽ lên nằm ở lồng ngực và gây ra GERD.
* Khi ăn, cơ thực quản sẽ co thắt nhịp nhàng tạo làn sóng nhu động từ trên xuống dưới, đẩy thức ăn và nước bọt vào dạ dày và hạn chế sự trào ngược dịch dạ dày. GERD sẽ xảy ra khi sự co thắt thực quản bị rối loạn mà nguyên nhân thường là do thuốc lá. Ảnh hưởng của thuốc lá sẽ kéo dài trên sáu giờ kể từ khi hút điếu thuốc cuối cùng. Những người bị GERD có thói quen hút thuốc lá sau khi ăn nên sớm từ bỏ thói quen này.
* Phần lớn hiện tượng trào ngược xảy ra khi dạ dày bị căng quá mức, như sau bữa ăn thịnh soạn hoặc khi bị đầy bụng khó tiêu.
Thay đổi lối sống để ngừa bệnh
Những người có nguy cơ cao bị GERD là người bị béo phì, đái tháo đường, có thai, hút thuốc lá, khô miệng, suyễn, bệnh mô liên kết, bệnh dạ dày...
Nếu không điều trị GERD có thể dẫn đến các biến chứng ở thực quản như viêm, loét, chảy máu, chít hẹp thực quản làm nuốt nghẹn, ung thư thực quản (gặp ở 10% người bị GERD). Đồng thời GERD có thể gây ra các bệnh ngoài thực quản như đã mô tả ở trên.
GERD có thể điều trị được nhờ vào sự thay đổi lối sống, dùng thuốc và phẫu thuật khi có chỉ định.
Thay đổi lối sống bao gồm tránh ăn no quá mức, không nên nằm ngay sau khi ăn. Từ bỏ thuốc lá, tránh bia rượu, cà phê, sôcôla, kẹo bạc hà, các thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, tỏi, hành. Nằm đầu cao khi ngủ, giảm cân nếu béo phì...
Bs Nguyễn Thanh Hải/ Tuổi Trẻ
Bình luận (0)