Qua cầu là đường cụt
Cầu Thủ Thiêm (nối giao lộ Ngô Tất Tố - Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh với đường Lương Định Của, Q.2) được xem là một trong những công trình tiên phong mở hướng về Đông, góp phần thúc đẩy khu đô thị mới Thủ Thiêm phát triển. Cầu khởi công vào tháng 4.2005, tổng vốn đầu tư 1.099 tỉ đồng từ ngân sách TP.HCM. Được mong chờ là thế, nhưng từ khi thông xe đầu năm 2008 đến nay, cây cầu hoành tráng dài 1,2 km, rộng 6 làn xe này lúc nào cũng chỉ loe hoe vài chiếc xe lưu thông. Hình ảnh thường thấy trên cầu những đám đông tụ tập ngắm cảnh, cùng đội ngũ bán hàng rong ngồi la liệt, dưới chân cầu phía Q.2 thì nhộn nhịp trẻ em thả diều.
Nguyên nhân là do các cơ quan chức năng mải xây cầu mà "quên" mất các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá kết nối với cầu. Đường Lương Định Của phía đầu Q.2 rộng chỉ 6 mét nên không thể cho xe lớn lưu thông. Do đó, cầu được thiết kế với trọng tải 30 tấn nhưng đến nay chỉ cho phép xe 2 bánh và ô tô dưới 1,5 tấn chạy qua. Còn ở phía Q.1, các nút giao chưa hoàn thiện cũng khiến việc lưu thông từ Q.2, qua cầu Thủ Thiêm vào trung tâm TP.HCM phải đi vòng vèo xa hơn 2 km so với đi bằng phà Thủ Thiêm, đồng thời còn dễ bị kẹt xe trên đường Nguyễn Hữu Cảnh và nút giao Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng. Thế nên, ngay cả người điều khiển xe 2 bánh cũng ít khi chọn cây cầu này để đi lại mà vẫn sử dụng phà như trước.
Không riêng cầu Thủ Thiêm, nhiều cây cầu vừa thông xe mới đây cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Cầu Chữ Y thông xe cuối tháng 4 vừa qua sau hơn 2 năm xây mới để đồng bộ với dự án Đại lộ Đông - Tây. Thế nhưng, cây cầu này hiện cũng cấm xe khách trên 6 chỗ và xe tải trên 1 tấn vì đường Nguyễn Biểu (Q.5) bị "lô cốt" thuộc dự án Cải thiện môi trường nước choán hết mặt đường. Còn các đường phía Q.8 cũng hết sức "hom hem", không đáp ứng nổi xe lớn.
Cầu Nguyễn Văn Cừ có vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra hướng giao thông mới, nối các quận trung tâm TP với Q.4, Q.8, khu đô thị mới Nam Sài Gòn và rút ngắn thời gian lưu thông giữa các khu vực này. Sau nhiều lần lỗi hẹn, cầu cũng được thông xe dịp lễ 30.4 vừa qua. Thế nhưng, ở hai đầu cầu đều treo biển cấm xe trên 13 tấn rẽ về phía Q.4. Nguyên nhân là bởi đường dẫn vào cầu phía Q.4 vẫn chưa hoàn thành, khiến cây cầu tải trọng 30 tấn này đến nay vẫn chưa phát huy hết hiệu quả.
Lưu thông tạm bợ
TP.HCM đang đầu tư nhiều công trình băng sông Sài Gòn, nối trung tâm hiện hữu với khu đô thị mới Thủ Thiêm, thế nhưng mạng lưới đường phía Q.2 vẫn đang "ngủ quên", rất hiếm các công trình kết nối với cầu Thủ Thiêm hiện hữu và hầm Thủ Thiêm trong tương lai. Đã hơn 13 năm từ khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, giấc mơ "phố Đông" của TP.HCM dường như còn rất xa vì "căn bệnh" giao thông cầu đường thiếu đồng bộ. |
Do đó, sau khi thông xe, xe cộ qua cầu Phú Mỹ phải đi theo lộ trình tạm: từ đường Nguyễn Văn Linh (Q.7) theo đường Nguyễn Lương Bằng, ra đường Huỳnh Tấn Phát, lên cầu Phú Mỹ, xuống Q.2, đi liên tỉnh lộ 25B để ra xa lộ Hà Nội. Điều đáng lo là liên tỉnh lộ 25B hiện đang quá tải vì mặt đường rộng chỉ 8m (đủ hai làn xe lưu thông), trong khi lưu lượng xe trên tuyến đường này rất lớn, nhất là xe container ra vào cảng Cát Lái. Do đó, không khó để dự đoán, sau khi thông xe cầu Phú Mỹ, nhiều nguy cơ xảy ra tắc nghẽn trầm trọng tại liên tỉnh lộ 25B và nút giao Cát Lái.
Nếu các dự án kết nối xong kịp thời, xe cộ từ các tỉnh miền Tây đi miền Đông, miền Trung và miền Bắc có thể đi thẳng từ đường Nguyễn Văn Linh, qua nút giao thông khu A Nam Sài Gòn, lên đường trên cao, qua cầu Phú Mỹ, đi tiếp vào đường vành đai phía Đông để ra xa lộ Hà Nội. Như vậy, lưu lượng xe trên quốc lộ 1A cũng như đi xuyên qua trung tâm TP sẽ giảm đáng kể. Tuy nhiên, chính vì thiếu đồng bộ nên sắp tới dù có thông xe thì cầu Phú Mỹ vẫn chưa thể phát huy vai trò giải tỏa giao thông, chưa kể còn dồn thêm áp lực xe cộ lên các đường vốn đã quá tải như liên tỉnh lộ 25B, Huỳnh Tấn Phát...
Lãng phí
Lãng phí dễ thấy nhất là việc đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để xây những cây cầu quy mô hoành tráng, tải trọng hàng chục tấn, nhưng mục tiêu giải quyết giao thông chưa tương xứng với số tiền bỏ ra. Đó là chưa kể vì thiếu đường kết nối nên thời gian qua, TP.HCM phải chi thêm hàng trăm tỉ đồng để xây đường tạm, cầu tạm chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn rồi tháo bỏ. Chẳng hạn, ở dự án cầu Thủ Thiêm, phải xây đường tạm nối từ cầu Thủ Thiêm đến đường Trần Não (Q.2), với chi phí hơn 121 tỉ đồng. Đường này được làm tạm trên bề mặt đại lộ Đông - Tây đang được thi công, trong đó xây thêm cầu Cá Trê chỉ dùng tạm 5 năm. Tuy nhiên, đường tạm cũng chỉ cho xe loại nhỏ lưu thông hướng từ đường Trần Não về cầu Thủ Thiêm, và do đó cầu Thủ Thiêm vẫn cấm xe lớn đi qua.
Trong khi đó, "lối ra" thực sự của cầu Thủ Thiêm là dự án Đại lộ Đông Tây dự kiến sẽ thông xe trong năm 2010. Chỉ khi hoàn thành đại lộ này và hoàn chỉnh nút giao thông phía Q.Bình Thạnh thì cầu Thủ Thiêm mới đảm đương nổi lưu lượng xe cộ lớn. Tương tự, cầu Phú Mỹ chỉ "cất cánh" khi thông suốt với các công trình kết nối, còn từ giờ cho đến khi đó, cây cầu dây văng lớn nhất TP.HCM này sẽ chỉ đảm nhận vai trò của một cây cầu bình thường.
Phương Thanh
Bình luận (0)