Lời nói thẳng về mỹ thuật Việt

26/06/2009 00:36 GMT+7

Những nhà nghiên cứu nước ngoài về mỹ thuật Việt Nam không nhiều, trong đó, nữ giáo sư người Mỹ Nora Annesley Taylor là một gương mặt quen thuộc, từng xuất bản sách và tham dự nhiều sự kiện mỹ thuật Việt Nam. Vừa rồi, trả lời một hãng tin nước ngoài, bà có “khuyên” các họa sĩ Việt Nam đừng “ích kỷ”, đừng “nghĩ tới tiền bạc nhiều quá” mà hãy “đóng góp nhiều hơn cho văn hóa”.

Họa sĩ Việt Nam từng phải sống rất khó khăn trong thời kỳ bao cấp: thiếu nguyên vật liệu để vẽ, thiếu những điều kiện sáng tác… Bán tranh lại càng khó khăn hơn. Họa sĩ Đỗ Quang Em hiện nay “đắt hàng” là thế, nhưng vào thập niên 1990, triển lãm tranh mà bán được một bức là đã mừng rơn. Giờ thì chúng ta đã có khá nhiều “tỉ phú tranh”: Nguyễn Thanh Bình, Hồng Việt Dũng, Thành Chương, Lê Thanh Sơn, Đinh Quân, Bùi Hữu Hùng, Phạm Luận, Đào Hải Phong… Quan niệm họa sĩ đồng nghĩa với sự nghèo khó xem ra không còn hợp thời nữa. Suy nghĩ một cách tích cực, họa sĩ sống được bằng nghề là rất tốt chứ sao! Đó cũng là thước đo của sự thành công.

Nhưng đó là nói chuyện trong nước với nhau, chứ ra nước ngoài là thấy “hụt hẫng” ngay. Giá tranh các họa sĩ đương đại ở ta chỉ từ 1.500 - 7.000 USD, trong khi họa sĩ Indonesia có giá tranh lên đến hơn 100.000 USD. So với Indonesia là vì họ cũng là quốc gia  khu vực Đông Nam Á, không có gì quá “vượt tầm” so với chúng ta. Nhưng họa sĩ của họ có phong cách thực sự độc đáo, tác phẩm có dấu ấn riêng biệt. Nghĩa là họ đặt yếu tố sáng tạo lên hàng đầu, còn giá tranh chỉ là sự trân trọng đối với phong cách và khám phá của họa sĩ.

Họa sĩ chúng ta thì, nếu có một “phong cách” giúp bán được tranh thì họ sẽ mãi “chung thủy" với phong cách đó. Thậm chí, có họa sĩ còn sẵn sàng nhân bản nếu có tác phẩm được yêu thích!  Đó thường là những đề tài quen thuộc, cộng với cách vẽ bắt mắt, một vẻ đẹp có tính trang trí. Người nước ngoài mua tranh Việt Nam, nhìn vào sẽ cho rằng, đó chính là Việt Nam. Liệu những dòng tranh như vậy có thực sự tiêu biểu cho mỹ thuật đương đại Việt Nam?

Khi đã xem tiền bạc là mục đích thì con người bắt đầu đánh mất mình. Nhận xét của giáo sư Nora Annesley Taylor xem ra vẫn còn “ngoại giao” lắm. Nhưng từ lời nói thẳng của một “người ngoài” như thế, có lẽ họa sĩ Việt Nam nên khe khắt với bản thân mình hơn.

Q.Thi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.