Nhếch nhác giao thông Sài Gòn: Xe nhiều, bãi đậu ít

26/06/2009 23:39 GMT+7

Lượng xe cá nhân tại TP.HCM không ngừng tăng như một con ngựa bất kham, trong khi đó, việc xây dựng các bãi đậu xe cứ ì ạch hết năm này qua năm khác.

Bùng nổ xe cá nhân

Theo thống kê mới nhất của Ban An toàn giao thông TP.HCM, hiện toàn TP có hơn 3,8 triệu xe gắn máy và 383.000 ô tô cá nhân, trung bình mỗi ngày TP lại tăng thêm hơn 1.000 xe gắn máy và 130 ô tô. Chưa kể hằng ngày có khoảng 1 triệu xe gắn máy và 60.000 ô tô các tỉnh vào TP.HCM làm việc, học tập, vận chuyển hàng hóa. Số lượng phương tiện cá nhân đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2000 kéo theo nhu cầu đậu, đỗ xe tại TP rất lớn, nhất là ở khu vực trung tâm.

Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai (Đại học Bách khoa TP.HCM), lượng xe gắn máy tại TP.HCM đã ở mức báo động, cứ 1.000 người dân thì có 515 xe gắn máy, trong khi tỷ lệ này ở Hà Nội và các TP khác trên thế giới thấp hơn rất nhiều. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản (đường riêng, chỗ đậu xe) cho xe máy cũng cao gấp 6 lần so với phương tiện công cộng. Ông Mai tính toán tổng thiệt hại kinh tế do sự phụ thuộc xe máy của TP lên đến hơn 14.300 tỉ đồng/năm, trong đó có các thiệt hại do đầu tư bất hợp lý, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, lãng phí tiêu hao nhiên liệu và lãng phí sử dụng đất.

Trong khi đó, TS Khuất Việt Hùng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển giao thông vận tải lưu ý một loại phương tiện cá nhân khác cũng đang có mức tăng báo động, đó là ô tô con. Theo ông Hùng, tốc độ gia tăng sở hữu ô tô con rất nhanh, bình quân khoảng 32,5%/năm.

Có thể thấy hiện nay ô tô con xuất hiện với mật độ ngày càng cao không những trong dòng giao thông động mà còn trong giao thông tĩnh (chiếm dụng lòng đường làm chỗ đậu xe), tạo nên những nút thắt cổ chai trên đường, gây ách tắc giao thông. Chẳng hạn, không ít người bức xúc trước cảnh ô tô xếp hàng dài dọc hai bên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (đoạn từ Thảo Cầm Viên đến đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.1). Hay trên đường Nguyễn Văn Thủ, Bùi Thị Xuân, Sương Nguyệt Ánh, Lê Lai (Q.1), Nguyễn Đình Chiểu (Q.3)... ô tô nối đuôi đặc kín trước cửa các nhà hàng, khách sạn, trường học làm thu hẹp quỹ đường dành cho giao thông vốn ít ỏi của TP.

Đủng đỉnh xây bãi đậu xe

Diện tích bãi đậu xe tại TP “khiêm tốn” ở mức 0,1% suốt nhiều năm qua, thấp hơn 20 - 25 lần so với tiêu chuẩn và chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu. Từ năm 2004, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương quy hoạch 8 vị trí xây dựng bãi đậu xe ngầm tại khu trung tâm Q.1, gồm: Công trường Lam Sơn, Công viên Chi Lăng, Công viên Bách Tùng Diệp, Công viên Lê Văn Tám, sân vận động Hoa Lư, sân bóng đá Tao Đàn, đại lộ Nguyễn Huệ và 116 Nguyễn Du. Tuy nhiên, hầu hết các dự án này đều lần lượt đi vào bế tắc. Theo một số chủ đầu tư, nguyên nhân là do VN chưa có tiền lệ cũng như tiêu chuẩn về xây dựng hầm ngầm làm bãi đậu xe và dịch vụ nên gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đồng thời kéo dài thời gian triển khai dự án.

Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư bãi đậu xe ngầm còn quá nhiêu khê, trong khi các dự án này lẽ ra phải được khuyến khích, ưu đãi và rút ngắn thủ tục đầu tư. Chẳng hạn, chủ đầu tư bãi đậu xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám, Công ty cổ phần đầu tư phát triển không gian ngầm IUS, đã mất gần 6 năm, với hàng trăm văn bản từ nhiều cấp chính quyền, ban ngành... từ Trung ương đến địa phương chỉ để thực hiện các thủ tục pháp lý cho dự án. Cụ thể, từ tháng 7.2003, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất khâu thủ tục vì còn chờ Bộ KH-ĐT cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Các giải pháp về chỗ đậu xe khác như bãi đậu xe nhiều tầng, dàn đậu xe tự động... vẫn đang được các Sở GTVT, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở KH-ĐT nghiên cứu. Mới đây, để "chữa cháy" cho tình trạng thiếu chỗ đậu xe tại trung tâm, UBND TP quy định đối với các công trình cao tầng đang lập dự án, yêu cầu Sở Xây dựng trong quá trình thẩm định thiết kế cơ sở phải đảm bảo đúng diện tích để ô tô theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng. Đồng thời, Sở Xây dựng nghiên cứu để ban hành quy định tạm thời về số chỗ đậu xe máy tối thiểu của các công trình cao tầng, thương mại dịch vụ, văn phòng cao cấp, chung cư cao cấp...

Năm 2003, TP.HCM tạm ngừng đăng ký xe gắn máy với người dân ở một số quận nội thành nhằm hạn chế số lượng xe gắn máy, tiến tới giảm kẹt xe, tai nạn. Tuy nhiên, quy định này có hiệu lực nhưng không có hiệu quả. Vì trên thực tế, người dân vẫn "lách luật" bằng cách “mua tên” người khác để đăng ký xe, phát sinh nhiều tiêu cực...

Từ năm 2007 đến nay, đã có ít nhất 4 lần các cơ quan chức năng đề xuất thu phí để hạn chế xe cá nhân. Tuy nhiên, các giải pháp này đều vấp phải phản đối mạnh mẽ của dư luận lẫn các cấp lãnh đạo. Theo TS Khuất Việt Hùng, nguyên nhân là do cơ quan đề xuất chưa làm tốt công tác nghiên cứu cơ bản, do đó, cấp lãnh đạo chưa thực sự tin tưởng và không thể cam kết mạnh mẽ với những giải pháp, còn người dân không nhìn thấy lợi ích của họ từ việc tham gia thực hiện các giải pháp đó.

Kết quả, phản ứng của lãnh đạo là không phê duyệt, phản ứng của người dân là không đồng tình.

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.