Gần trung tâm luyện thi đối diện Đại học Sư phạm xuất hiện khá nhiều quảng cáo có phòng trọ cho thuê. Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm đến hỏi, tất cả chủ nhà trọ đều báo hết phòng. Chủ nhà số 11A, tổ 53, phường Dịch Vọng Hậu cho biết, khu trọ có gần hai chục phòng nhưng chỉ còn duy nhất một phòng trống. Theo quan sát của chúng tôi, diện tích phòng trọ chỉ khoảng 7m2, kê vừa đủ một giường đơn, có một lối nhỏ làm lối đi nhưng chủ nhà “hét” giá lên tới 600.000đ/tháng/người chưa kể điện nước. Trong khi ngày thường, căn phòng như vậy có giá không quá 400.000đ/tháng.
“Tìm sớm không tìm, để “nước đến chân mới nhảy” thì phải chịu thôi. Đây là giá chung rồi. Không có ai cho thuê rẻ hơn đâu”, bà chủ nhà gay gắt. Thực ra, đó cũng chỉ là một trong vài phòng trọ hiếm hoi còn sót lại trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng” này. Trên thực tế, có nhiều sĩ tử rơi vào cảnh "dở khóc dở mếu" vì không tìm được phòng chứ chưa nói tới chuyện đắt hay rẻ. Có người khăn gói lên Hà Nội từ cách đây hàng tuần nhưng vẫn rong ruổi đi tìm nhà trọ.
Trần Thị Thúy Anh (THPT Lương Thế Vinh, H. Vụ Bản, Nam Định) “đánh mối” nhờ người quen trên Hà Nội nhắm sẵn cho một phòng trọ bình dân cách đây gần một tháng. Thế nhưng, lúc chuẩn bị lên Hà Nội ôn thi, Thúy Anh nhận được “hung tin”: không tìm được phòng. Mất hai ngày mệt lử đạp xe đi tìm nhà trọ mà không được, Thúy Anh đành ở nhờ phòng trọ cùng với bạn và chị gái của bạn. Phòng rộng chưa đầy 15m2, chứa tới bốn người, lại ở tận Trung Hòa, cách trung tâm luyện thi hơn 6 km. Ngày nào, Thúy Anh và bạn cũng đèo nhau đi học bằng xe đạp giữa cái nắng chang chang với nhiệt độ ngoài đường lên tới hơn 400C. “Có phòng mà ở là tốt rồi. Chật chội tí, xa xôi tí cũng không sao cả...”, Thúy Anh cho biết.
Cũng do “cưu mang” thêm hai sĩ tử đồng hương, nên căn phòng trọ tại Cổ Nhuế (Từ Liêm) vẻn vẹn 20m2 phải chứa tới 7 người. Nguyễn Văn Quang (Hiệp Hòa, Bắc Giang, sinh Cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội) nói: "Mọi người đi cả ngày, tối mới về nên cũng không có vấn đề gì. Tối đến, cả 7 thằng lăn ra sàn nhà, cả ngày học mệt nên cứ ngủ khì khì...”.
Vào lúc tìm phòng trọ giá rẻ quá khó khăn, ở ghép là phương án hữu hiệu nhất để sĩ tử có chỗ trọ khi kỳ thi đã gần kề. Đây được coi là kế sách “nhất cử tam tiện” cho cả chủ nhà, sĩ tử và người thuê trước. Người trước được chia sẻ gánh nặng tiền nhà. Sĩ tử có chỗ trọ. Chủ nhà tranh thủ người thuê trước (đa số là sinh viên) nghỉ hè về quê nên nghiễm nhiên có thêm một khoản tiền từ sĩ tử.
Tuy nhiên, ở ghép cũng sinh ra lắm chuyện bi hài. Nguyễn Thị Hường (Thanh Liêm, Hà Nam) ôn thi tại khu Bách khoa cho biết: “Ở ghép nhiều bất tiện lắm. Muốn học thì người kia bật nhạc chan chát. Muốn đi ngủ để hôm sau dậy sớm học bài thì họ lại nằm “buôn” điện thoại”. Đấy là còn chưa kể đến chuyện bị mất tiền, đồ đạc, bị “ma cũ” bắt nạt...".
Kinh nghiệm để sĩ tử tìm được nhà trọ giá rẻ là tìm về các khu ngoại thành, xa các trung tâm luyện thi, xa trường đại học. Giá một phòng trọ ở những khu này chỉ bằng 2/3 giá ở các khu trung tâm mà điều kiện cũng không kém. Còn đối với những ai nhà gần, đi đi về về có vẻ như là phương án an toàn nhất. Đứng đón em trai luyện thi tại “lò” luyện vẽ trong trường Đại học Văn hóa, Nguyễn Minh Hoàng (sinh viên Đại học Thủy lợi, nhà ở thị trấn Đông Anh) cho biết, mỗi tuần 5 buổi, Hoàng chở em trai đến “lò”, sau đó đi làm thêm, chiều về lại đón em. Hơi mệt, nhưng an toàn mà không phải lo tìm nhà trọ.
Trần Đan
Bình luận (0)